Sẵn sàng du học – Cộng hòa Nam Phi là nước duy nhất trong châu lục gia nhập G20. Ở đây, ngay từ khi đứa trẻ mới ra đời bố mẹ đã phải tiết kiệm tiền để cho con ăn học. Tôn giáo là một phần không thể thiếu trong nhà trường phổ thông và đại học ở Nam Phi.
Giáo dục trung học
Giáo dục phổ thông ở Cộng hòa Nam Phi mang tính chất bắt buộc và thu học phí. Điều đầu tiên các bậc phụ huynh làm khi muốn sinh con là mở một tài khoản trong ngân hàng để dành tiền cho con học tập sau này.
Học phí các trường công là 100 rand (khoảng 160.000 đồng)/tháng, các trường tinh hoa và trường tư (ở Nam Phi có khoảng 10 – 15% trường tư) đắt hơn nhiều, học phí ở đây là 7.000 rand/tháng (khoảng hơn 11 triệu đồng), học phí trường tư bình thường là 700 rand/tháng (khoảng 1,1 triệu đồng).
Như vậy, một gia đình có ba đứa con đi học phổ thông phải chi gần 1,5 triệu rand/năm tiền học phí (khoảng 2, 3 tỷ đồng). Nếu như hoàn cảnh gia đình không cho phép thì con cái phải vào học trường bình thường, học phí ở đây rẻ hơn nhiều. Nhưng rất có thể ở đấy cả trường chỉ có một học sinh da trắng và như vậy con bạn không tránh khỏi nạn bạo hành. Ở Nam Phi, người ta cho rằng nếu bạn là người da trắng, thì nghĩa là bạn giàu có, còn nếu bạn là người da đen, nghĩa là nghèo. Điều đó được phản ánh cả trong giáo dục.
Giáo dục tiểu học Nam Phi gồm ba bậc, mỗi bậc 3 năm, trường trung học từ lớp 10 – 12. Năm học bắt đầu từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12. Lương giáo viên từ 11.000 rand/tháng trở lên (khoảng 17 triệu đồng).
Các trường tư có cơ sở hạ tầng rất tốt, mỗi lớp có 15 – 20 học sinh, trong khi sĩ số mỗi lớp tại trường công từ 40 – 80 học sinh. Tất cả các trường hoạt động theo nội quy chung. Ví dụ, đồng phục trường học là bắt buộc, nữ sinh bị cấm nhuộm tóc.
Hai trường phổ thông đắt giá và danh tiếng nhất ở Nam Phi là Trường phổ thông cao cấp dành cho nam sinh và trường phổ thông cao cấp dành cho nữ sinh, việc dạy học ở đây được tiến hành bằng tiếng Afrikaans (vốn là tiếng Đức, trong 11 ngôn ngữ chính thức của đất nước). Sự phân biệt nam nữ này được kế thừa từ hệ thống giáo dục Anh, thông thường tại các trường phổ thông Nam Phi không có sự phân biệt giới tính.
Các trường học phổ thông ở Nam Phi có nhiều điểm chung về kiến trúc và hình thức học tập. Thông thường, đó là toà nhà một tầng diện tích bằng một khuôn viên trường đại học. Buổi học bắt đầu từ 8 giờ sáng. Trước đó, học sinh tập hợp thành hàng dọc, cầu nguyện dưới sự chỉ bảo của một mục sư, sau đó thầy hiệu trưởng phát biểu. Học sinh học đến 14 giờ chiều, sau đó là tập thể thao, ca hát. Thứ 7, học sinh nghỉ học, nhưng vào ngày này có thể có các hoạt động thể thao.
Điều thú vị là cho đến nay người dân Nam Phi chưa thể tiếp nhận lịch sử của mình, vì vậy nó không được giảng dạy ở trường phổ thông. Thay cho môn sử, học sinh học “địa lý với các sự kiện lịch sử”. Ngoài ra, các trường phổ thông rất quan tâm tới thể thao, đặc biệt là môn bóng bầu dục. Trước đây, Nam Phi có một trong những đội bóng bầu dục mạnh nhất thế giới. Trong các trường rất phổ biến môn hát hợp xướng, thậm chí đội hợp xướng nhà trường đã đi biểu diễn khắp thế giới và tham gia các liên hoan âm nhạc.
Giáo dục đại học
Nam Phi là một trong những nước phát triển nhất ở châu Phi, là thành viên của BRICS (khối 5 nền kinh tế mới: Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) và G20. Trong bảng xếp hạng các trường đại học châu Phi hiện nay, có ba trường đại học Nam Phi lọt vào: Đại học Cape Town, Đại học Witwaterrand và Đại học Stellenbosch.
Khác với các nước châu Phi khác, ở Nam Phi, bộ phận cư dân da đen mới được tiếp cận giáo dục đại học gần đây. Từ những năm 2015 – 2016, những sinh viên xuất thân từ giai cấp công nhân mới được vào học đại học. Chính phủ thành lập các loại học bổng để trang trải cho việc học tập của họ.
Việc dạy học trong các trường đại học được tiến hành bằng tiếng Anh. Đây là một thắng lợi lớn, kết quả của phong trào Decolonize University (phi thực dân hóa đại học) đấu tranh đòi loại bỏ tiếng Afrikaans ra khỏi các trường đại học. Hiện nay Nam Phi có khoảng 8 triệu người nói tiếng Afrikaans, đây là ngôn ngữ bị coi là của người da trắng phân biệt chủng tộc. Ở Nam Phi hiện có 2% người Ấn Độ, 9% da trắng, 9% da màu và 80% còn lại là da đen. Bức tranh này cần được thể hiện trong các trường đại học. Vì vậy, có thể xảy ra trường hợp một sinh viên da trắng đạt điểm cao trong kỳ thi chuyển cấp, nhưng không được vào đại học vì “hết chỉ tiêu”. Và thay cho sinh viên da trắng người ta sẽ nhận sinh viên châu Phi, vì anh ta phù hợp với chính sách chủng tộc. Hiện tượng này được gọi là “phân biệt chủng tộc ngược”.
Trường Đại học Stellenbosch
Các trường đại học quy định những mức học phí khác nhau đối với sinh viên các nước láng giềng, sinh viên châu Phi và nước ngoài. Học phí trung bình phụ thuộc vào chương trình đào tạo: Từ 16.000 rand đến 22.000 rand/năm học đối với chương trình cử nhân (tương đương 25 triệu đồng đến gần 35 triệu đồng), 20.000 – 30.000 rand/năm học đối với chương trình cao học. Chương trình cử nhân học trong 3 năm. Những người có nguyện vọng học thạc sĩ phải chờ 1 năm mới có thể nộp hồ sơ học tiếp.
Sinh viên nước ngoài khi vào học phải có bằng tốt nghiệp THPT và chứng chỉ tiếng Anh trình độ TOEFL hoặc IELTS.
Như ở đại học Potchefstroom, năm học bắt đầu vào tháng 2. Tiết học kéo dài 35 phút, mỗi ngày sinh viên học không quá 3 tiết. Ngành học có uy tín nhất ở trường này là ngành y, tiếp theo là ngành sư phạm, vì lương giáo viên ở Nam Phi rất cao.
Vì chất lượng giáo dục phổ thông không đồng đều nên điểm đầu vào các trường đại học thấp. Nhiều trường đại học phải dạy chương trình phổ thông cho sinh viên trong 2 năm đầu.
Cũng giống như ở trường phổ thông, tôn giáo là một phần không thể tách rời của đời sống trường đại học. Trên khuôn viên Đại học Potchefstroom có nhà thờ riêng và mục sư. Mỗi sáng Chủ nhật, sinh viên ăn vận đẹp đến làm lễ ở nhà thờ, còn vào các ngày tư và thứ sáu người ta tổ chức các nhóm đọc và phân tích Kinh thánh với sự hướng dẫn của mục sư.
“Là một nước phát triển nhất châu Phi, thành viên của G20, nhưng Nam Phi có nền giáo dục phổ thông yếu kém và nền giáo dục đại học bất bình đẳng. Bộ phân dân cư da đen chiếm 80% dân số đất nước mới được tiếp cận giáo dục đại học gần đây. Còn những sinh viên xuất thân từ giai cấp công nhân mới được vào học đại học từ năm 2015”.
Thái Hải (SSDH) – Theo GDTĐ