Làm sao để chọn bạn chia nhà hợp “cạ” khi đi du học?

0

Sẵn sàng du học – Người ta thường nói “ở chọn nơi, chơi chọn bạn” nhưng thực tế ở cũng cần chọn bạn, nhất là khi sống chung nhà với ai đó trong quá trình du học. Chọn bạn cùng phòng là một quá trình không hề dễ dàng. Vì vậy trước khi đưa ra quyết định, bạn hãy cân nhắc trả lời nghiêm túc những câu hỏi dưới đây.

Bạn mong đợi bạn cùng nhà là một người như thế nào?

Những người bạn sống chung nhà có thể là bất kì ai trong những kiểu bạn bè mà bạn sẽ cần khi du học, nhưng khó có thể phủ nhận một người bạn cùng phòng hợp cạ cần có những điểm tương đồng nhất định trong tính cách. Hãy tưởng tượng ở ghép đồng nghĩa bạn sẽ chia sẻ không gian cùng ai đó gần như mỗi ngày, từ bữa ăn, giấc ngủ và thậm chí cả các thói quen sinh hoạt. Chén đĩa hoặc quần áo bẩn chất đống đến cuối tuần có khiến bạn khó chịu? Bạn thích tiệc tùng cuối tuần hay nằm cuộn tròn đọc sách xem phim một mình? Liệu bạn có thể sống chung một mái nhà trong một thời gian dài với một người không cùng lối sống?

Thực tế là nếu tính cách quá khác biệt, các bạn sẽ khó mà sống hoà thuận trong ngắn hạn chứ chưa cần nói đến lâu dài. Tất nhiên chọn người ở chung cũng không nhất thiết phải là người có nhiều điểm chung nhất, mà nên là người phù hợp nhất. Nếu có thể trở thành bạn thân thì thật tuyệt vời. Nhưng nếu mối quan hệ chỉ dừng lại ở mức độ tôn trọng lẫn nhau, đây cũng đã là một điều lý tưởng với những người xa lạ cùng nhau chung sống rồi.

Làm thế nào để chọn được một người bạn cùng nhà phù hợp?

Nếu là sinh viên năm nhất ở kí túc xá và, khả năng bạn sẽ được phân chia bạn cùng phòng bởi chính trường đại học. Vì vậy bạn nên trò chuyện trực tiếp với bạn cùng phòng mới, dành thời gian tìm hiểu nhau rồi quyết định các quy định để chung sống hoà thuận.

Nếu tìm bạn chia phòng hoặc căn hộ thuê chung, trước tiên bạn nên thu hẹp lựa chọn về nơi mình sẽ sinh sống. Bạn sẽ ở gần trường hay gần chỗ làm thêm? Bạn ưu tiên khu dân cư yên tĩnh hay tấp nập, gần trung tâm hay tiện bến tàu? Bạn có thể chi trả một căn phòng riêng trong căn hộ thuê chung hay muốn chia phòng?

Khi đã thu hẹp các lựa chọn về giá thuê và khu vực sống, bạn sẽ giới hạn các điều kiện về người bạn sẽ chia phòng cùng. Bạn muốn ưu tiên chia nhà cùng du học sinh Việt hay thích bạn cùng là sinh viên quốc tế để có thể tìm hiểu thêm về văn hoá nước ngoài? Bạn có lưu ý gì về độ tuổi, giới tính, và các lưu ý khác, ví dụ như thú cưng chẳng hạn.

Khi đã có bức tranh đầy đủ tìm nhà ở đâu và ưu tiên bạn cùng phòng là người như thế nào, bạn có thể chủ động đăng tin tìm kiếm bạn chia phòng thông qua diễn đàn trường, mạng xã hội, các trang rao vặt, chọn lọc thông tin cho thuê nhà được đăng tải trên các báo địa phương, hay nhờ bạn bè người thân trợ giúp. Để thực hiện việc này dễ dàng và hiệu quả, bạn có thể thao khảo các hướng dẫn về chỗ ở cho du học sinh của Hotcourses Vietnam.

Vậy phải làm sao để chung sống hòa hợp?

Từ khoá của câu trả lời cho câu hỏi trên là “tôn trọng lẫn nhau”. Chọn bạn cùng phòng khi đi du học là một phương trình hai vế: bạn chọn đối phương và đối phương chọn bạn.  Để làm được việc này, một gợi ý là đặt ra quy tắc sống chung nhà. Thỏa thuận này nên bao gồm cả những vấn đề “vĩ mô” như chuyện chia tiền trọ và các khoản phí liên quan (điện/nước/mạng Internet), cho tới những vấn đề nhỏ hơn như thói quen học khuya, tiệc tùng, và lưu ý khi dùng chung đồ đạc. Mất lòng trước được lòng sau, càng rõ ràng việc sống chung càng đơn giản.

Có được sự nhất trí từ cả hai phía không chỉ giúp bạn và bạn cùng phòng tránh các tình huống gây mâu thuẫn mà còn hạn chế tranh cãi khi xảy ra sự việc ngoài ý muốn. Chẳng hạn, nếu bạn thường xuyên học sáng vì đi làm chiều, hãy quy định bạn cùng phòng hạn chế bật nhạc lớn tiếng vào thời gian đó. Hoặc nếu bạn cùng phòng có thói quen ngủ ngày cày luận văn đêm, bạn nên yên lặng khi làm bữa sáng. Một quy tắc khác là không dùng đồ trong không gian chung nếu chưa nhận được sự đồng ý của những người còn lại. Nhà tắm chung, tủ lạnh chung không có nghĩa kem đánh răng và thức ăn cũng là của chung, trừ khi đã thỏa thuận từ trước.

Chị Minh Trang, cựu du học sinh tại Hà Lan, chia sẻ rằng chị đã cùng hai người bạn Rumani và Mexico chung nhà lập thời gian biểu để thay nhau dọn vệ sinh các không gian chung (bếp, phòng tắm, toilets và phòng khách) dịp cuối tuần. Việc này giúp cho căn hộ luôn trong trạng thái sạch sẽ, ngăn nắp cho một tuần học mới, và quan trọng là ai nấy đều cảm thấy bình đẳng với nhau trong phân công việc nhà.

Ban đầu bạn có thể thấy gò bó khi phải phụ thuộc vào thói quen sinh hoạt của bạn chia phòng, nhưng hãy nhớ ở chiều ngược lại đối phương cũng phải tôn trọng giờ giấc và cách sống của bạn. Việc dung hòa khác biệt và tôn trọng lẫn nhau là điều kiện cần để tất cả mọi người có thể thoải mái nhất.

Hơn thế nữa, điều kiện đủ của một mối quan hệ chính là chia sẻ và quan tâm. Không thể phát triển mối quan hệ tốt hơn nếu không có sự vun đắp, kể cả nếu hai bạn có nhiều điểm chung. Dành thời gian trò chuyện, mua sắm và dọn dẹp, cày phim hoặc giúp đỡ người kia những khi gặp khó khăn trong cuộc sống du học, bạn sẽ có được một chỗ dựa từ chính bạn cùng phòng của mình.

Nếu may mắn bạn sẽ gặp bạn chia phòng hợp cạ ngay lần đầu. Trên thực tế, thường sau một thời gian bạn sẽ nhận ra người kia không phải miếng ghép phù hợp, hoặc phải thay thay đổi một số điều kiện để có thể tiếp tục sống cùng dưới một mái nhà. Không nên vì thế mà thất vọng vì thử sai là điều tất yếu. Điều quan trọng là sau mỗi lần “sai” bạn sẽ tự rút ra những bài học quý giá cho mình để chung sống tốt hơn, hoặc có những lựa chọn đúng đắn hơn sau này.

Chuyện chọn bạn cùng phòng khi đi du học cũng không phải là một ngoại lệ. Hãy đủ tinh tế để chia sẻ cũng như tôn trọng các thói quen của nhau. Đôi khi những bất bình nhỏ nhặt tích tụ lâu ngày cũng có thể trở thành nguồn cơn của xung đột và cãi vã. Nếu có thể thông cảm và thấu hiểu cho nhau, cuộc sống của hai phía sẽ dễ thở hơn nhiều.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Hotcourses Vietnam

Share.

Leave A Reply