Sẵn sàng du học – Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều lưu học sinh Việt Nam hiện đang bị “kẹt” lại ở Anh.
Nếu các bạn có bất cứ khó khăn gì thì hãy cứ nêu lên đây. Chúng ta sẽ sử dụng sức mạnh cộng đồng, sự tự nguyện và tinh thần "lá lành đùm lá rách" để tương hỗ lẫn nhau; Cùng nhau đoàn kết vượt qua đại dịch. Nhóm facebook “Team ở lại” đã được lập ra với mục đích như thế dành cho các lưu học sinh Việt Nam tại Anh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang rất khó lường trên toàn thế giới.
Anh Lê Đức Tiến, nghiên cứu sinh tại trường ĐH Aston, thuộc thành phố Birmingham, một trong những người đưa ra ý tưởng lập nhóm facebook “Team ở lại” cho biết: vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều lưu học sinh Việt Nam hiện đang bị “kẹt” lại ở Anh trong tình hình có nhiều bất trắc.
Anh Tiến cho hay, khi dịch bệnh bùng lên; khi các du học sinh ở Anh ồ ạt về nước thì cũng vẫn còn rất nhiều bạn khác ở lại vì kế hoạch học tập và công việc còn dở dang; tuy nhiên hầu hết đều rất hoang mang, mất phương hướng vì diễn biến dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh của chính phủ ở đây thay đổi theo từng ngày.
Chính vì thế mà anh quyết định lập ra một nhóm bao gồm các du học sinh và cả những anh chị em đã tốt nghiệp và hiện giờ đang làm việc ở tại Anh để cùng tương hỗ lẫn nhau, chia sẻ trao đổi thông tin và động viên lẫn nhau, chuẩn bị mọi thứ cần thiết để nếu trong tình huống xấu nhất; có người trong nhóm gặp khó khăn thì nhóm sẽ bàn với nhau các biện pháp giúp đỡ theo truyền thống "lá lành đùm lá rách" của người Việt.
Hiện nhóm có 140 người. Theo anh Tiến, các giải pháp được nhóm thống nhất đưa ra đó là:
Thứ nhất, đảm bảo các bạn trong nhóm được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật; tránh làm chủ quan cũng như không gieo rắc hoang mang, vì thế anh có mời một số người tham gia nhóm là chuyên gia về y khoa, về sinh học, để giải thích những vấn đề thắc mắc về dịch bệnh, về phương pháp chăm sóc và phòng bệnh khoa học.
Ngoài ra nhóm có mời đại diện của Đại sứ quán để nếu cần thiết thì sẽ có đầu mối thông tin chuẩn mực nhất, nhằm làm cho các bạn yên tâm; nhóm chia sẻ thông tin theo hướng cảnh báo, nhưng tuyệt đối không đưa những thông tin không rõ nguồn, hoặc là tin giả, để các bạn chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng không hoang mang.
Anh Tiến cũng khẳng định khi nước Anh chuẩn bị lockdown thì nhóm cũng đã dự kiến trước, thậm chí còn cung cấp các thông tin về lockdown là gì để các bạn không bỡ ngỡ và có sự chuẩn bị chủ động.
Thứ hai, đó là nhóm luôn tìm cách động viên tinh thần lẫn nhau.
Các thành viên trong nhóm được khuyến khích chia sẻ các mẹo vặt, các lời khuyên, các phương pháp để chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, duy trì tình trạng tích cực về tinh thần.
Mọi người được khuyến khích chia sẻ các thông tin về tình trạng của mình, ví dụ như nếu có ai đang đau ốm thì phải thông báo ngay, những người đang ở một mình cũng được khuyến khích chia sẻ tình trạng đó để mọi người có sự chú ý nhiều hơn.
Về vật chất, nhóm cũng đã có những phương án để chuẩn bị. Hiện tại chưa cần đến sự hỗ trợ này vì mọi người vẫn đang có sự chuẩn bị tốt và chủ động.
“Hiện tại thì vẫn chưa thấy có khó khăn gì phát sinh, nhưng cá nhân tôi thì thấy một sự bất định đang chờ đợi phía trước, nên cũng chưa dám nói điều gì cả. Chỉ mong sao mọi người giữ được sức khoẻ về cả thể chất lẫn tinh thần. Nhưng nếu có ai gặp phải vấn đề gì thì nhóm sẽ dứt khoát giúp đỡ lẫn nhau hết mình. Tôi cũng mong là mình sẽ duy trì được sự liên hệ với ở nhà, với các mạng lưới bên ngoài để nếu có vấn đề gì khó khăn thì sẽ được mọi người hỗ trợ”, anh Tiến nói.
Anh cho biết thêm, nhóm cũng đã đặt ra tình huống xấu nhất. Khi đó, sẽ phân công nhau tiếp ứng thuốc men, lương thực; sau đó thì liên hệ các chuyên gia ở nhà để có lời khuyên; tiếp nữa thì sẽ liên lạc với các đầu mối ở đây để kịp thời có sự chữa trị.
Ở Anh, hiện giờ mọi người được thông báo trước là nếu có triệu chứng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì tự cách ly ở nhà, tự điều trị ở nhà, nếu diễn biến bệnh quá nặng thì người ta mới cho nhập viện. Bởi vì hệ thống y tế ở đây phải dự phòng cho trường hợp quá tải và các trường hợp bệnh nặng hoặc người già yếu thì mới được chữa trị, người trẻ sức đề kháng mạnh thì tự hồi phục.
Hiện anh Tiến và mọi người đều làm việc tại nhà.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tiền Phong Online