Sẵn sàng du học – Dù bạn có đi du học hay không, bạn vẫn nên đọc 4 cuốn sách dưới đây. SSDH tin rằng đây là cảm hứng lớn lao để bạn đạt được những điều phi thường trong cuộc sống.
Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford
Nếu như hai tập Xách ba lô lên và đi trước đây của Huyền Chip là cuốn du kí chân thực về hành trình của Chip tại châu Á và châu Phi, thì Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford tiếp tục là một bức tranh sống động về cuộc sống sinh viên tại giảng đường của Stanford. Và đừng để tiêu đề cuốn sách đánh lừa, Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford không ghi lại quá trình thi tuyển vào trường, mà “đường đến” ở đây mang nhiều phần nghĩa trải nghiệm: từ ngày đầu tiên Chip đặt chân đến đất Mỹ cho đến hết năm thứ nhất.
Dù đã thực sự là một sinh viên của Stanford, Huyền Chip – một người tưởng như đã “nhẵn mặt” với cuộc sống ở môi trường lạ lẫm – vẫn không tránh khỏi những thời điểm cảm thấy lạc lõng và băn khoăn, “Thế quái nào mà tôi có thể hòa nhập ở đây được cơ chứ?”. Và khi đọc những câu chuyện được kể bằng giọng văn không thể chân thực hơn của Chip, ta thấy nỗi niềm ấy của Huyền Chip chẳng hề có chút thổi phồng: làm sao có thể không lo lắng khi phải làm việc với những vị giáo sư kỉ luật và nguyên tắc, khi phải đối mặt với lượng bài tập khổng lồ và những đợt thi liên miên khiến chẳng mấy sinh viên dám ló mặt khỏi phòng, và nhất là khi phải sống giữa một đám những “anh tài tinh hoa”, không phải thần đồng thì cũng xuất thân từ gia đình xuất chúng.
Qua Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford, lần đầu tiên cuộc sống của một ngôi trường danh tiếng hàng đầu thế giới được lột tả rõ rệt. Những câu chuyện như là nhật kí mà Chip viết tạo cho ta cảm giác như đang được sống và học tập ở đó, và Stanford thì hiện hữu tựa như một con người với đủ nét tính cách đặc trưng: ở đây tồn tại thứ “văn hóa hạnh phúc” khiến người ta luôn phải chịu áp lực cực lớn về tâm lý, hay sự chắt lọc tinh hoa khiến Stanford mang nhiều dấu ấn trái ngược hoàn toàn với xã hội Mỹ thực tế. Cuối cùng, dẫu bạn có quan tâm đến chuyện đi du học hay không thì cũng không quan trọng: bản thân hành trình cùng Chip trong câu chuyện này đã đủ lôi cuốn lắm rồi, và bạn sẽ thu nhận nhiều hơn là chỉ vài tip du học cũ mèm kiếm đâu cũng có.
Tôi và Paris – Câu chuyện một dòng sông
Nằm trong tủ sách “Trải nghiệm du học”, cuốn sách Tôi và Paris – Câu chuyện một dòng sông là trải nghiệm chân thực, sống động của chính tác giả Hoàng Long về những năm tháng du học tại Paris. Cuốn sách là hành trang quý báu cho những ai chuẩn bị dấn thân vào con đường du học.
Du học không phải là bến mơ, dù đó là Pháp hay bất kỳ nước nào khác. Những khó khăn, vất vả, thăng trầm, biến cố, thử thách trong học tập, cuộc sống và tình cảm có thể khiến bất kỳ ai gục ngã. Nhưng bằng niềm tin, ước mơ và ý chí mạnh mẽ, tác giả Tôi và Paris – Câu chuyện một dòng sông vẫn vượt lên tất cả. Từ một người gần như không biết gì về tiếng Pháp, Hoàng Long buộc phải nỗ lực gấp trăm lần để học tiếng và vượt qua các kỳ thi để nhận được bằng thạc sỹ MBA hệ tiếng Pháp. Đi du học chỉ với 500 USD trong tay, Hoàng Long sẵn sàng làm bất kỳ công việc vất vả nào, từ phụ bếp, bồi bàn, bartender, phụ hồ, thợ sơn… Anh làm quần quật cả ngày lẫn đêm để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Một người trẻ như thế làm sao có năng lượng để làm được những việc ấy? Câu trả lời chỉ có thể là sự say mê, quyết tâm và niềm tin. Tinh thần của Hoàng Long trong cuốn sách này sẽ đủ làm lan tỏa và thắp lửa đam mê cho những giấc mơ du học còn đang chần chừ, ấp ủ.
“Dường như phải đi hết chừng ấy chặng đường, gặp gỡ chừng ấy con người, tôi mới bắt đầu gặp được mình. Tôi đi bao nhiêu ngày đường mới đủ học để hiểu chính mình phần nào. Rồi tôi thấy mình là một dòng sông, có lúc êm đềm, đôi khi sóng dữ, có lúc thảnh thơi có khi vội vã, giản dị thế mà huyền bí đến thế. Mỗi cuộc đời là một dòng sông, mải miết theo những lối chảy đã được định trước hay là tự mình chọn lấy? Quan trọng là tiến lên hay dừng lại, quan trọng là mạnh mẽ hay dịu dàng, là đến được nơi nào đó hay không cần ở đâu cả?”
Du học Nhật Bản
Năm 2008, Phi Hoa nhận được học bổng của chính phủ Nhật, bắt đầu quãng thời gian du học vừa “vui vẻ hạnh phúc, nhưng cũng có những nỗi cô đơn, vất vả khi ném mình vào cuộc sống” ở một xứ sở xa lạ. “Tôi đã từng khóc lớn một mình, đã từng tự gọi cấp cứu nhập viện, lặng lẽ đi bộ trong những đêm đông buốt giá sau khi đã mệt nhoài vì công việc. Chính những khoảnh khắc vất vả đó đã từng bước dạy tôi phải tự lập và cứng rắn. Tính đến tháng Tư năm 2016 là tròn tám năm tôi ở Nhật. Đó thực sự là những năm tháng vô giá trong cuộc đời.”
Du học Nhật Bản chính là những ghi chép chân thực những trải nghiệm và suy ngẫm của tác giả từ những ngày đầu tiên đặt chân lên nước Nhật, đến những ngày đầu tiên đi làm. Bạn đọc sẽ cùng trải nghiệm quãng thời gian tám năm sống, học tập và làm việc tại Nhật cùng Phi Hoa.
Lời kể không hoa mĩ, không màu mè, đơn giản mà sâu sắc đến lạ, tác giả đã mang đến cho độc giả nhiều bài học quý báu về cuộc đời. Dù du học sinh hay không du học sinh, dù dự định sang Nhật hay ko dự định sang Nhật thì đây vẫn là cuốn sách đáng đọc vì người viết đã thực sự trải lòng để mọi người cùng đọc, cùng ngẫm, và hình thành thế giới quan toàn diện.
Du học trên đất Mỹ là cuốn sách kể lại quá trình từ khi bắt đầu bước chân qua đất Mỹ đầy hứa hẹn của một sinh viên Trung Quốc. Nhưng cuộc đời vốn không như mơ và đất Mỹ hẳn không đẹp như những bộ phim. Vương Quyên phải nếm trải nhiều cảm giác khác nhau từ tuyệt vọng, ân hận, nuối tiêc, sốc văn hóa… Nhưng rồi cuối cùng, Vương Quyên cũng tự động viên bản thân vượt qua tất cả để hoàn thành giấc mơ của mình.
Du học trên đất Mỹ giống như một bộ phim do một đàn anh đàn chị đi trước kể lại, kể rằng đừng quá vọng tưởng mà hãy chuẩn bị tâm lý và tinh thần thép trước những những thay đổi bất ngờ này. Dù là những tháng ngày đắng cay, vất vả nhưng với quyết tâm đủ lớn, đủ bản lĩnh thì những gì bạn học được quả thật vô giá.
Theo trạm đọc