Học sinh ‘lưu ban’ ở nước ngoài như thế nào ?

0

SSDH – Ở các nước, không có chuyện xem học sinh ở lại lớp là một nỗi xấu hổ, càng không có tình trạng nhà trường, thầy cô cố gắng “vớt” học sinh lên lớp nhằm bảo đảm cho thành tích giảng dạy.

 

Nhìn chung, có hai yếu tố có liên quan mật thiết đến việc học sinh ở lại lớp ở các nước, đó là: Tần suất học tập dày đặc khiến học sinh khó theo kịp và gặp khó khăn khi tiếp thu kiến thức; quan niệm rằng việc cho học sinh lưu ban là cách tốt nhất để học sinh hoàn thiện mình hơn.

 

Ở lại lớp là giải pháp tốt cho học sinh

 

Nhiều ý kiến cho rằng việc ở lại lớp đối với học sinh trung học không quá nặng nề như đối với học sinh tiểu học, bởi theo chuyên gia xã hội học Marie Duru-Bellat: “học sinh trung học đã cứng cáp hơn HS tiểu học và không bị khủng hoảng bằng học sinh tiểu học khi phải xa bạn bè cũ”.

 

Các chuyên gia giáo dục các nước cho rằng việc cho học sinh lưu ban có ích trong những trường hợp sau đây: Khi học sinh bị khủng hoảng tinh thần vì lý do cá nhân như sau khi cha mẹ ly dị, bị bệnh nặng, gia đình có tang, hay bị khủng hoảng về tình cảm…; khi học sinh tuy có khả năng học tập nhưng không chịu học; khi học sinh chưa đủ ý chí tự lập, chưa đủ trưởng thành và chưa thể tự sắp xếp việc học tập cho riêng mình. Các nước đều tối kỵ áp dụng việc lưu ban trong các trường hợp: Coi đó là một hình phạt dành cho học sinh; học sinh đã cố gắng tối đa sức của mình nhưng khả năng chỉ đến mức đó mà thôi; học sinh không có hoài bão học tập để tiến bộ; học sinh đang có ý muốn bỏ học để đi làm kiếm tiền. Trong những trường hợp đó, họ rút ra kết luận: Việc ở lại lớp ban đầu có thể là giải pháp tốt nhưng thực tế càng làm cho học sinh nản chí.

 

Học sinh 'lưu ban' ở nước ngoài như thế nào ?

Việc ở lại lớp của học sinh các nước trên thế giới đều nhằm bảo đảm tối đa cho quyền lợi của học sinh.

 

Tiếng nói người trong cuộc

 

Nhiều ý kiến khác nhau của những học sinh đã trải nghiệm chuyện ở lại lớp tại Pháp, đa số họ coi đây là giải pháp tốt cho bản thân. Chẳng hạn, Floriane – cô học trò 16 tuổi này bị lưu ban chỉ vì không học hành chăm chỉ. Gia đình lo lắng, hoang mang nhưng bản thân Floriane thì muốn được ở lại lớp để định hướng lại con đường tương lai của mình, cuối cùng cô bé ngoan ngoãn ở lại lớp để học tốt hơn. Được bạn bè động viên, Floriane đã có được những bước tiến bộ rất lớn giữa tập thể mới. Cô ý thức rằng: Đừng xem việc ở lại lớp là một thất bại mà hãy chăm chỉ học tập hơn để theo kịp bạn bè. Hãy bớt đi chơi nhưng hãy nghỉ ngơi tốt.

 

Hay Guillaume, 17 tuổi thì có cảm giác chán nản vào lúc đầu. Nhưng sau đó, Guillaume đã thay đổi: “Chẳng lẽ cứ than vãn hoài… Phải làm gì chứ!”. Và với sự động viên của nhiều thầy cô, em đã tiến bộ lên rất nhiều. Guillaume tự nhủ: Phải biết hòa mình vào tập thể lớp mới để có tinh thần mới mà học tốt, phải siêng năng học tập ngay tại nhà, ít đi chơi hơn. Hãy có suy nghĩ tích cực, rằng ở lại lớp không phải là điềm gở mà là một cơ hội để trưởng thành.

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến trách móc về sự thiếu thấu đáo của nhà trường cho những trường hợp đặc biệt, như Auguste, 18 tuổi là một thiếu niên mẫn cảm. Auguste đam mê kịch nghệ và điện ảnh, từ bốn năm nay đã đăng ký học thêm lớp diễn xuất vào chiều thứ Bảy. Em bị ở lại lớp. Mẹ em nói rằng việc này không giúp ích gì cho Auguste cả, tốt hơn là nhà trường ủng hộ em và giúp đỡ em phát triển năng khiếu của mình thay vì cho em ở lại lớp.

 

Giải pháp ít tốn kém hơn

 

Việc chohọc sinh lưu ban gây tổn hao chi phí tiền bạc. Năm 2009 tại Pháp, cái giá là việc học sinh lưu ban gây ra cho Bộ Giáo dục nước này là 2 tỉ euro. Cụ thể, một năm lưu ban gây thiệt hại khoảng 5.500 euro/HS ở bậc tiểu học và 8.000 euro/học sinh trung học.

 

Tại châu Âu, Phần Lan và Hà Lan là hai quốc gia mà học sinh có thành tích học tập rất tốt. Tại Phần Lan, giáo viên có quyền thay đổi giáo trình và kỹ thuật lên lớp sao cho phù hợp với trình độ học sinh, trong khi tại Hà Lan, nhà trường luôn đưa ra nhiều mức độ hỗ trợ học đường dành cho học sinh. Còn học sinh Hàn Quốc và Nhật Bản thuộc mọi tầng lớp giàu, nghèo trong xã hội đều có giờ học phụ đạo sau giờ học chính khóa trong trường nhằm bổ khuyết kiến thức và các kỹ năng.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí

Share.

Leave A Reply