Du học ở Hàn Quốc, làm sao hòa nhập?

0

SSDH – Để có trải nghiệm thú vị ở đất nước Hàn Quốc, du học sinh nên tìm hiểu về những nét văn hóa cơ bản để có thể hòa nhập, trước khi bắt đầu chuyện học hành, nghiên cứu. Hạnh Nhân (Cựu sinh viên Đại học Ulsan, Hàn Quốc) đã chia sẻ về những ngày sinh sống và học tập ở xứ sở kim chi.

 

Theo Hạnh Nhân, văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam vốn không quá khác biệt bởi cùng ở vùng Đông Á. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều du học sinh gặp tình trạng sốc văn hóa.

 

Du học ở Hàn Quốc, làm sao hòa nhập?

 

Để bản thân không gặp những rắc rối, trắc trở như vậy, hãy chuẩn bị cho chuyến đi Hàn Quốc thật sớm bằng việc tìm hiểu, tham gia vào các hội và đoàn thể người Việt ở Hàn Quốc. Đó là hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK). Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc (như cộng đồng lao động và cô dâu Việt) cũng tổ chức nhiều chương trình thường kỳ. Bạn có thể tìm kiếm và làm quen với các hội này qua facebook, diễn đàn hay trang thông tin riêng.

 

Khi mới đến, bạn có thể trò chuyện về cuộc sống Việt Nam, người Việt Nam và cả những bỡ ngỡ ngày đầu với giáo sư hoặc bạn bè người Hàn cùng lớp. Bởi rất nhiều điều khác biệt trong cuộc sống, đôi khi ta thấy bình thường nhưng ở Hàn, nó lại là điều lố bịch. Đó có thể là cách cư xử trên bàn ăn, đối đáp, giao tiếp, tặng quà đến việc ra đường, đi taxi hay chợ truyền thống. Chỉ tiếp xúc với người Việt, ta đã vô tình đánh mất cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm những điều khác biệt trong văn hóa ở xứ sở kim chi.

 

Đôi khi vẻ lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp ở các phiên chợ khiến bạn cảm thấy ngán ngẩm và ngại bước tới. Tuy nhiên ở Hàn, chợ truyền thống được tổ chức rất bài bản và quy củ. Các phiên chợ này có thể là lớn hay nhỏ, nhưng đều nằm rải rác trong khu dân cư và chỉ mở 5 ngày một lần.

 

Nhà trường, ký túc xá, nhà ở hoặc đường phố chỉ phần nào giúp bạn hiểu môi trường và con nước nước họ. Trong khi đó, các phiên chợ sẽ mang đến cho bạn nhiều kiến thức về văn hóa, phong tục của người dân nơi đây. Mặt hàng thường thấy ở chợ truyền thống Hàn Quốc là thực phẩm, đồ dùng gia đình và không nhiều đồ thời trang.

 

Hạnh Nhân cho hay, một người bạn của cô ở Bắc Âu chia sẻ, anh ta có thể sống, hòa nhập và học tập rất tốt chỉ cần có vốn tiếng Anh dẫu xung quanh là những con người bản ngữ tiếng Pháp, tiếng Na Uy. Chuyện đó cũng có thể xảy ra ở một số thành phố Việt Nam, Nhật Bản hay vài nơi nào đó – nơi người dân có thể sử dụng tiếng Anh mức cơ bản giao tiếp. Nhưng với Hàn Quốc có lẽ là không. Bạn sẽ không khi nào thấy biển hiệu, biển chỉ dẫn bằng tiếng Anh, bạn cũng khó để được việc nếu chỉ dùng tiếng Anh trong các cơ quan hành chính, trong trường học, bến tàu xe, ngân hàng, siêu thị…

 

Người Hàn Quốc từ trung niên đến trẻ con đều được học tiếng Anh, nói được cơ bản tiếng Anh, đôi khi còn sở hữu bảng điểm TOEIC, TOEFL khá cao. Nhưng hiếm khi người ta thấy họ dùng tiếng Anh trên lãnh thổ nước họ.

 

Đó cũng là một phần văn hóa tự hào dân tộc, và tất nhiên chúng ta nên tôn trọng điều đó bằng cách học những câu cơ bản như hỏi đường, hỏi giá, trả tiền trước khi muốn đến Hàn Quốc sinh sống.

 

Giao tiếp và văn hóa Hàn Quốc khá giống Việt Nam, nên việc sử dụng văn phong tiếng Anh đôi khi không phù hợp. Thay vì văn phong tiếng Anh ngắn, cộc như thường lệ, bạn hãy dùng cách nói tôn trọng người lớn tuổi như kiểu văn hóa Á Đông; không dùng tên xưng hô mà dùng chức danh; hoặc trả lời kiểu câu đầy đủ thay vì nhanh gọn…

 

Khác với Việt Nam, mỗi sinh viên ở Hàn đều được giao cho giáo sư hướng dẫn ngay từ đầu. Nếu theo hệ đại học, thầy là người giúp bạn trong việc chọn môn, thực hành, thực tập và đến khi hoàn thiện đề tài tốt nghiệp. Ở mức độ cao hơn, với sinh viên sau đại học, hầu như mọi hoạt động nghiên cứu đều phụ thuộc vào yêu cầu của giáo sư.

 

Đa số sinh viên sau đại học đều nhận được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí từ trường và giáo sư. Đây được xem là một nguồn học bổng không quá khó để đạt được, nhưng yêu cầu bạn thể hiện năng lực tốt và được giáo sư tin tưởng. Khi phỏng vấn học bổng, làm thủ tục, nhập học, bắt đầu môi trường mới và suốt mấy năm sau này, người làm việc với bạn nhiều nhất không phải là giảng đường, khoa hay trường mà là giáo sư.

 

Mối quan hệ đặc biệt như vậy cũng từng khiến không ít sinh viên Việt cảm thấy long đong trên con đường học tập. Có thể bạn chọn được một ông thầy khó tính hoặc ngược lại. Nhiều bè bạn của tôi phàn nàn thầy quá lỏng lẻo khiến công việc chậm chạm không như ý, có người lại đau đầu vì thầy ngặt nghèo khiến cuộc sống ngột ngạt. Có thể qua người quen, anh chị đi trước hay hỏi han trên các diễn đàn mạng, hãy cố gắng tìm hiểu để chọn một giáo sư phù hợp với tiêu chí học tập của bản thân.

 

Võ Hồng (SSDH)

 

Share.

Leave A Reply