Nếu các bạn biết Mỹ, các bạn sẽ thấy được ý nghĩa của từ Non-profit trong cụm từ Non-profit University – Đại học Phi Lợi nhuận. Không giống như khái niệm Phi Lợi nhuận của Việt Nam, tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ được phép thu phí, tuy nhiên phần lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí hoạt động, sẽ bắt buộc phải dùng toàn bộ cho hoạt động từ thiện, trong đó phần lớn là cấp học bổng, hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Mỹ là một cường quốc tư bản, nhưng chưa một quốc gia nào trên thế giới có truyền thống “Nghĩa nặng tình sâu” với thầy cô, trường cũ của mình như ở Mỹ. Hàng năm các sinh viên cũ đóng góp khá nhiều cho trường, qua công tác của hội cựu sinh viên. Thỉnh thoảng một triệu phú, tỉ phú nào đó cũng hào phóng đóng góp nhiều trăm triệu đồng cho trường. Với số tiền học phí cao, cộng với tiền đóng góp của những cựu sinh viên hảo tâm, những tổ chức, cá nhân hảo tâm đánh giá cao sứ mệnh hay dự án của trường, các trường Mỹ sẽ càng dồi dào ngân sách để thoải mái lựa chọn những sinh viên xuất sắc nhất trên toàn thế giới, nhiều khi không cần biết họ giàu hay nghèo.
Đây là điểm đáng mừng, nhưng cũng khá đáng lo cho học sinh Việt Nam. (Ở đây chúng tôi không bàn đến chuyện tô vẽ hồ sơ để “lọt” được vào trường. Nếu đích đến của các bạn trẻ là Mỹ, gian dối có chủ đích ngoài việc có thể phá hỏng tương lai, nếu gặp may mắn, thì với tính cách không trung thực, chủ nhân cũng không thể hoà nhập vào xã hội Mỹ, đặc biệt sau khi bước ra khỏi cánh cổng đại học).
Cái lo lớn cho học sinh Việt Nam nằm ở sự khác biệt căn bản về văn hoá. Là một nước Á châu, người dân Việt Nam làm gì vẫn bị ảnh hưởng nặng bởi từ “CỘNG ĐỒNG”. Từ này khiến chúng ta học giống người khác, nghĩ giống người khác, nếu có nghĩ, có làm khác, thì lại sợ người khác nghĩ thế nào về mình??? Nỗi sợ căn bản nhất là Sợ Sai.
Ở Mỹ thì hoàn toàn khác. Mỗi con người là một cá thể độc lập, có quyền suy nghĩ, hành động độc lập, khác biệt. Họ coi sai lầm là con đường đi đến chân lý. Học ở trường thày cô không đưa khái niệm đúng sai, sinh viên có quyền có quan điểm khác với giáo viên, nhưng quan trọng là lập luận thế nào để chứng minh cho quan điểm của mình. Chính nhờ cách nghĩ khác, xã hội Mỹ mới phát triển như ngày nay. Đó là lý do vì sao Mỹ ưu ái những Albert Einsteins, Ayn Rand, ngay cả khi họ có những hành động phê phán, chống đối chính phủ. Và đó là lý do tại sao khi biết nhiều sinh viên quốc tế, những người khác biệt với sinh viên Mỹ, dù không có khả năng đóng góp tài chính, vẫn được nhận vào những trường hàng đầu của Mỹ và “chăm chút” hơn cả công dân của họ.
Chúng tôi mong rằng, những bạn trẻ sau khi đọc bài viết này, hãy tự do sống là chính mình, dù bạn có “khùng điên” đến mấy, nếu bạn có ước mơ du học Mỹ và muốn thành công trên đất Mỹ.
Trong quá trình làm việc, chúng tôi đã không ít lần ngạc nhiên với những suy nghĩ, bài viết của các bạn trẻ, khi được thả lỏng thoả sức viết lên điều mình tâm đắc. Bỗng dưng một con người thích truyện tranh, thích k-pop lại sâu sắc có những câu nói gần như là chân lý. Có những bạn sau thời gian dài loay hoay với lựa chọn nghề nghiệp, vì lý do nghe theo lời khuyên của người khác, bỗng nhiên tìm lại được đam mê sâu thẳm của bản thân.
Hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ rộng ra cộng đồng để bạn nào có ước mơ du học Mỹ, hãy chuẩn bị cho mình những điều kiện cần thiết, và các phụ huynh cũng có thể hỗ trợ con mình. Bài trước chúng tôi có nói về chiến lược Sống Cho Đam Mê. Nhiều bạn thắc mắc bạn không xác định được đam mê thì làm thế nào. Thực ra đam mê nghe to tát nhưng lại chỉ là việc bạn học, sống đúng như bản thân của bạn vậy.
1. Xác định bản thân
Chúng tôi luôn đặt câu hỏi cho các bạn trẻ, dù nhỏ tuổi đến đâu, là bạn nghĩ bạn là ai, và sau này bạn muốn làm gì, trở thành nhân vật như thế nào. Dù mục tiêu là đi du học Mỹ, một ngôi trường cụ thể không bao giờ nên là mục tiêu của bạn. Có một nhà phê bình giáo dục của Mỹ từng nói, các trường top của Mỹ mới thành công trong việc đào tạo ra nhân viên giỏi, những người phải đi kiếm việc, chứ chưa làm được việc đào tạo ra những người biết tạo nên công ăn việc làm cho xã hội.
Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg đều bỏ dở đại học. Ayn Rand chỉ học hết bậc đại học ở Nga, qua Mỹ học tiếng Anh qua công việc viết kịch bản, viết tiểu thuyết, vậy mà sau đó đã xây dựng thuyết Objectivism để nhiều trường đại học, giáo sư đại học của Mỹ hiện nay phải nghiên cứu. Ở Mỹ cũng có rất nhiều doanh nhân nhí có tài sản nhiều triệu đô, mà họ còn chưa tốt nghiệp phổ thông.
Điều chúng tôi muốn nói ở đây là, trường học chỉ là công cụ, là cầu nối để đưa bạn tới cái đích của cuộc đời bạn, chứ một ngôi trường cụ thể không bao giờ nên là đích đến của các bạn.
Để đi tìm bản thân, các bạn trẻ hãy dành thời gian chiêm nghiệm lại những trải nghiệm đáng nhớ của mình, trải nghiệm nào đáng nhớ nhất, làm điều gì khiến bạn vui sướng nhất, muốn làm đi làm lại nhiều lần nữa.
Nếu bạn chưa tìm được, hãy tiếp tục trải nghiệm những thứ bạn chưa từng động tới. Đó có thể là môn học, có thể là hoạt động xã hội, có thể là viết blog, là chơi nhạc, hay là việc mang hết thức ăn thừa trong tủ lạnh ra chế biến một món ăn lạ miệng. Các bạn cũng có thể làm theo nhóm, đi từ thiện nhóm, đi học theo nhóm. Tuy nhiên đó chỉ nên là bước xác định bản thân ban đầu. Đừng bao giờ dựa vào việc làm nhóm để phát triển bản thân cho việc xin học ở trường Mỹ, nếu bạn muốn đạt hỗ trợ tài chính cao. Mỗi cá nhân cần phải có một con đường phát triển riêng, đó là quà tặng tạo hoá ban cho chúng ta, và chúng ta cần phải phát huy điều đó.
2. Trở thành “chuyên gia”
Trường Mỹ không yêu cầu bạn phải thành chuyên gia thật, nếu vậy bạn đâu cần đến trường họ học nữa. “Chuyên gia” ở đây mang nghĩa bạn cần hiểu biết sâu rộng về cái bạn muốn theo đuổi lâu dài. Tất nhiên nếu bạn tìm ra một góc nhìn mới, càng tuyệt. Nếu bạn chưa làm được, cũng không sao. Điều căn bản là bạn phải dành thời gian tâm huyết, đào sâu nghiên cứu về nó, và thả mình thoải mái mơ mộng để một ngày bạn có thể thao thao bất tuyệt với trường về ước mơ của mình.
Các bước bạn cần làm để thành “chuyên gia”:
– Đọc: sách báo in, báo mạng
– Tầm sư học đạo
– Xắn tay làm thực tế. Đừng ngại sai, ngại khó, ngại khổ. Tất cả những khó khăn lại là thành tố đưa bạn tới thành công
– Trao đổi, bàn luận với bạn bè, thày cô, online, offline
– v.v
Nguyên tắc ở đây là phải Hành Động. Để biết ước mơ trên có phải là ước mơ của mình không, thì phải phải tạo môi trường đưa ước mơ vào thực tiễn, dù mới chỉ là thực tiễn thử nghiệm. Quá trình này giúp bạn hiểu rõ hơn mình muốn trở thành ai, làm cái gì, một cách chính xác hơn.
3. Sống hết mình với bản thân mình
Khi biết rõ về mình rồi, bạn hãy sống hết mình. Du học Mỹ hay không, học ở trường nào, luôn chỉ nên là công cụ. Khi bạn sống với nhiệt huyết của con tim, cơ hội sẽ tự nhiên mở ra. Bạn sẽ vào được cả những trường bạn chưa bao giờ dám mơ tới. Các công ty nhiều khi tự tìm đến bạn chứ bạn không phải đi tìm họ.
Một người hiểu rõ mình muốn làm gì, trở thành ai, khi viết luận, khi phỏng vấn không cần phải mất nhiều thời gian. Bạn đã sống với đam mê, ước mơ đó nhiều năm rồi, đến khi làm hồ sơ mọi thứ sẽ tự động tuôn ra, rất chân thực, và tràn đầy nhiệt huyết.
Đó là lý do vì sao chúng tôi coi trọng việc xác định bạn là ai, bạn muốn gì, chứ không phải bày cho bạn cách ép mình để làm hài lòng một số trường cụ thể nào. Việc uốn nắn chỉn chu là có, nhưng đó chỉ là những chi tiết nhỏ bề ngoài, chứ tự bạn đã toả ra sức hút đối với trường Mỹ. Một khi bạn đã xác định được bản thân và sống đúng với chính mình, bạn cũng sẽ thấy việc xin việc ở Mỹ cũng không hề khó, vì bạn có đủ đam mê, có tố chất của chuyên gia, và sẵn sàng lao vào thử thách để trưởng thành.
Bạn có thể hỏi: Nếu mơ ước của bạn trùng với ai, và bạn kém hơn người ta thì sao. Có một điều may mắn là nếu bạn sống thật với đam mê của mình, rất hiếm khi đam mê đó trùng lặp với ai khác, vì bản thân con người các bạn khác nhau, sống ở môi trường khác nhau. Và với từng ấy thời gian các bạn đầu tư cho đam mê đó, chắc chắn bạn đã có một giá trị khác biệt.
Thái Hải (SSDH) – Theo Uspasss