SSDH – “Câu chuyện Singapore với vai trò của nhà nước kiến tạo phát triển” là chủ đề buổi tọa đàm ra mắt hồi ký Lý Quang Diệu được tổ chức tại TP.HCM.
Tiếp nối thành công của buổi lễ ra mắt tập 1 Hồi ký Lý Quang Diệu – Câu chuyện Singapore được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 23/3 nhân kỷ niệm 2 năm ngày mất của nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long, sáng 6/5, buổi tọa đàm ra mắt trọn bộ Hồi ký Lý Quang Diệu đã được tổ chức tại TP.HCM.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Lương Hoài Nam – Tiến sĩ kinh tế, anh Trương Minh Huy Vũ – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM và ông Nguyễn Cảnh Bình – Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam.
Tại đây, các khách mời đã có những chia sẻ thú vị về những cảm nhận cá nhân xoay quanh hai tập hồi ký của người được mệnh danh là cha đẻ của đất nước Singapore hiện đại cùng với những suy nghĩ, phân tích về tài năng, chiến lược cũng như vai trò to lớn của ông trong việc kiến tạo nên thành công của mô hình nhà nước Singapore và những tác động to lớn của nó đến các quốc gia trong khu vực trong đó có cả Việt Nam.
Theo ông Lương Hoài Nam, thành công của Singapore có thể được đúc kết thành 8 công thức thịnh vượng xuyên suốt từ những điều nhỏ nhất như lối sống, cách sống của mỗi công dân cho đến những chính sách mang tầm cỡ quốc gia như giáo dục, môi trường,… Trong đó, vấn đề an sinh xã hội và giáo dục luôn là điều được chính phủ Singapore và bản thân một nhà lập quốc như Lý Quang Diệu đặt lên hàng đầu và coi đó như là tiền đề cho quá trình xây dựng một nền kinh tế vững mạnh.
Đánh giá về Lý Quang Diệu, ông Nam cho rằng mặc dù họ Lý luôn bị lên án là một nhà độc tài và có phần dữ dội, sắt đá trong nhiều vấn đề quốc gia cũng như đối ngoại, tuy nhiên, sự độc tài này đôi khi là một điều cần thiết và có tác dụng lớn khi Lý Quang Diệu, với tầm nhìn chiến lược của mình, sử dụng nó như một yếu tố cần thiết để vượt qua những trở ngại và khó khăn mà đám đông không thể thấy hết được.
Với cái nhìn của cá nhân mình, theo chuyên gia Trương Minh Huy Vũ, khi đọc hồi ký của ông Lý Quang Diệu, chúng ta có thể bắt gặp một Singapore bằng xương bằng thịt với những quyết sách, tầm nhìn chiến lược mà cha đẻ của nhà nước Singapore hiện đại và những đồng sự của mình đã vạch ra để đưa đất nước phát triển như ngày hôm nay. Và để có được những thành công đó, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở vấn đề xây dựng tầm nhìn chiến lược của những nhà lãnh đạo quốc gia.
Khi nghiên cứu về mô hình nhà nước Singapore chúng ta không thể phủ nhận được việc Lý Quang Diệu học hỏi mô hình phương Tây rất kỹ lưỡng đồng thời áp dụng nó một cách triệt để cho tiến trình phát triển đất nước mình. Mặc dù vậy, ông không hề tiếp nhận một chiều mà vẫn có những đánh giá về những lỗ hổng chính sách cũng như từng phê phán phương Tây một cách mạnh mẽ và thẳng thắn trong nhiều vấn đề.
Trong việc học hỏi và áp dụng những bài học thành công mà Singapore đã đạt được cho việc phát triển của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia cho rằng đây là một điều cần phải được xem xét thận trọng và kỹ lưỡng.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng để có thể thay đổi, đạt được thành công tương tự như những gì đảo quốc sư tử đã và đang có, một trong những điều cốt yếu là chúng ta phải muốn thay đổi và tạo ra sự thay đổi theo một cách thông minh. Chúng ta không thể đạt được thành công trong một sớm một chiều mà cần phải đi từng bước thật vững chắc và thận trọng từ thấp lên cao. Quá trình đó đòi hỏi sự chấp nhận hy sinh cũng như minh bạch, nghiêm túc trong việc thực thi chính sách, luật lệ từ cả hệ thống công quyền lẫn từ mỗi người dân.
Chuyên gia Trương Minh Huy Vũ đặt ra câu hỏi rằng hiện nay chúng ta đang học hỏi và muốn đạt được thành công như mô hình Singapore, nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta sẽ đạt được điều đó bằng công thức gì? Theo anh, chúng ta học theo mô hình của đảo quốc sư tử nhưng cũng cần lưu ý về sự khác biệt về rất nhiều mặt như: diện tích, dân số, cơ cấu xã hội… giữa Singapore và Việt Nam.
Điều quan trọng là chúng ta phải đánh giá, lựa chọn cũng như có những thay đổi phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh để tìm ra một công thức, một con đường cho mình để tiến tới sự phát triển. Và chắc chắn rằng, những đánh giá, kinh nghiệm của Lý Quang Diệu trong việc xây dựng mô hình nhà nước kiến tạo điển hình như Singapore là một kim chỉ nam trên hành trình đi tìm công thức phát triển cho riêng mình.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn