‘Hai cuốn nhật ký’ – bí ẩn đằng sau những ham muốn chết người

0

Sẵn sàng du học – Tanizaki Junichiro đã dẫn dụ người đọc đến những góc tăm tối nhất của tâm hồn. Ở đó, những ham muốn rất bản năng có thể biến ta thành quỷ dữ.

Sau thành công của các tác phẩm như: Chữ Vạn, Con mèo Shôzô, Hai người đàn bà, Truyện Shunkin… tiểu thuyết Hai cuốn nhật ký một lẫn nữa giúp thiên tài văn chương xứ Phù Tang – Tanizaki Junichiro khẳng định rõ cá tính trong sáng tác. Đồng thời, tác phẩm này cũng nhận được không ít ý kiến trái chiều từ giới phê bình khi ra mắt.

Hai cuốn nhật ký được xuất bản năm 1956, giữa một nước Nhật đang hoang mang giữa cũ và mới, giữa hiện đại và truyền thống. Chính vào lúc này, Tanizaki Junichiro viết về tình dục không chút e ngại. Không chỉ cái tôi cá nhân có dịp được bung tỏa mà những nhu cầu rất bản năng của con người cũng đã được phơi bày trên trang giấy không chút e ngại.

Không gian của cuốn tiểu thuyết là một gia đình trí thức. Vào ngày đầu năm mới, người chồng 56 tuổi, đang là giáo viên, quyết định viết nhật ký. Ông ta không kể lại những câu chuyện hằng ngày hay hoài niệm về quá khứ. Cuốn nhật ký là nơi người đàn ông trung niên tội nghiệp giãi bày những ẩn ức về tình dục. Ở đó có ham muốn, có chán nản, có bực bội và cả những tiếc nuối.

Ikuko vợ ông mới 45 tuổi, đang ở độ hồi xuân nên luôn tràn đầy ham muốn. Là một người phụ nữ đẹp, luôn khiến chồng phải khao khát nhưng Ikuko lại luôn rụt rè trong truyện phòng the. Với chồng, Ikuko là một người phụ nữ đức hạnh, một tiểu thư cành vàng lá ngọc được dạy dỗ tử tế. Chính điều đó, đã trở thành một thứ rào cản vô hình khiến cho người vợ không dám bộc lộ những ham muốn bản năng. Dường như ai cũng có bí mật!

Người chồng đã nghĩ ra một cách hay để cả hai có thể nói lên tiếng nói sâu kín lâu nay ẩn nấp trong bản thể. Đó chính là viết nhật ký. Ông ta viết nhật ký nhưng lại không cất giấu mà cố tình để cho vợ đọc được. Ikuko cũng viết một cuốn nhật ký tương tự, nói lên những khao khát chốn phòng the mà bấy lâu nay mình chưa được chồng đáp ứng.

ssdhhaicuonnhatki

Hai cuốn nhật ký trở thành công cụ để vợ chồng họ “giao tiếp” với nhau. Nhưng những gì hiện lên trên trang giấy liệu có phải là sự thật? Những hỉ- nộ- ái- ố xung quanh chuyện phòng the không chỉ được biểu hiện như thứ lạc thú trong tình yêu và hôn nhân.

Nó đã trở thành một “chiến trường”, ở đó người ta tìm cách bóc trần những góc khuất tăm tối nhất trong tâm hồn đối phương. Đặc biệt, khi người chồng không ngần ngại chia sẻ vợ mình cho kẻ khác.

Chàng trai trẻ Kimura chỉ là “công cụ” trong cuộc chiến của hai nhân vật chính, hay còn ẩn tình nào khác? Người đàn ông trẻ tuổi ấy vừa là học trò của người chồng, vừa là con rể tương lai của gia đình. Nhân vật tưởng như vô hại này sẽ đem lại bất ngờ gì cho tác phẩm?

Ngay cả hình ảnh hiền lành của Ikuko, người vợ sinh ra chỉ hợp để mặc kimono như người chồng vẫn tự mặc định liệu có phải là sự thật? Hay đó chỉ là trò lừa bịp của những đạo diễn đại tài trong chính cuộc đời mình. Bất ngờ được tác giả gói ghém kỹ tới cuối cuốn sách chắc chắn sẽ làm bạn đọc phải giật mình.

Chính những điều này đã làm cho Hai cuốn nhật ký của Tanizaki trở nên đặc biệt. Ông đưa người đọc đến nhiều cung bậc khác nhau của cảm xúc, từ sự khiêu dâm tinh tế đến tình dục bệnh hoạn đều góp mặt trên trang giấy. Tình dục xưa nay vẫn được xem là chủ đề cấm kỵ trong văn hóa Á Đông. Nhưng tình dục trong văn của Tanizaki lại không có vùng cấm.

Ông miêu tả những dục vọng thể xác của con người một cách trần trụi nhưng vẫn khiến người ta tò mò. Bằng lối kể chuyện rất duyên, tác gia người Nhật Bản đã lồng ghép nhiều thể loại vào trong một cuốn tiểu thuyết có dung lượng không hề lớn về mặt câu từ. Để khi gấp sách lại ta không khỏi giật mình vì một âm mưu hoàn hảo ẩn đằng sau những câu chuyện chốn phòng the.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn

Share.

Leave A Reply