Sẵn sàng du học – Ta sẽ làm gì khi sống những ngày cận kề cái chết, giữa nỗi đau đớn bởi bệnh tật, và sự cô đơn của tuổi già. Liệu khi ấy, ta có thể nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận thấy điều gì?
J.M. Coetzee đã đưa đến cho độc giả một chiêm ngưỡng về hình ảnh một con người, vật lộn giữa những ngày chờ chết, phơi bày cho độc giả những chiều kích sâu xa của tâm tư người đàn bà sắp chết ấy. Cũng từ ấy mà đặt ra những cảnh huống cùng cực của những con người nơi vùng đất Châu Phi xa xôi, nơi những người da đen vẫn sống như ngoài lề của thế giới.
Tuổi sắt đá được viết dưới dạng thư và nhật kí, là hai cách thể hiện nỗi lòng riêng tư sâu kín nhất của con người.
Trong những lá thư, những trang nhật ký bà Curren hàng ngày giữa những cơn đau ngồi viết cho con gái, đã bỏ đất nước, sang Mỹ lấy chồng và sinh con. Người con gái xuất hiện trong cuốn sách qua những dòng hồi ức, những nỗi mong nhớ và những tấm cảnh của Curren.
Giữa những trang nhật ký ấy, tấm lòng tha thiết với người con gái như một mối liên kết duy nhất của bà với cuộc đời. Bà tin rằng, bà sẽ được nhớ đến, bởi bà biết máu của mình chảy chung trong dòng máu của con gái. Cái mối liên kết ấy dẫn dắt bà với cuộc đời. Nhưng cuộc đời này, đến cuối đời vẫn không ngừng hành hạ bà.
Có lẽ Curren sẽ sống những ngày cuối đời đơn thuần như bao nhiêu người đàn bà cô độc khác, nhưng giữa những biến động hàng ngày của đất nước Nam Phi đã buộc đôi mắt, trái tim bà phải chứng kiến những trần trụi, nghiệt ngã và đau đớn.
Nhìn những đứa trẻ chết cuộc chiến đấu tranh chống nạn diệt chủng. Những đứa trẻ như Bheki, và bạn của nó, chưa đến 15 tuổi đã mang trong mình bộ mặt lạnh lùng khắc nghiệt, với những ám ảnh về sự bạo lực và bất công giữa người da đen và người da trắng. Rồi trong cái đêm ấy, khi nhìn thấy xác Bheki nằm chết giữa mưa lạnh, vẫn mặc bộ đồng phục học sinh, cuộc đời già nua của Curren mới một “mở mắt”.
Cuộc đời bà chưa bao giờ đến gần với những con người ở tầng lớp “ngoại biên” ấy. Những người da đen sống vùng vẫy, và bị xem là nô lệ, là vật không tiến hóa giữa những người da trắng.
Trong những dòng thư tâm sự với con gái của mình, lần đầu tiên trong đời, bà giáo sư mới nhìn thấu những bất công, nhìn thấu cuộc sống như “búp bê” của bà cùng biết bao nhiêu người dân da trắng trong xã hội Nam Phi này.
Những nhân vật của J.M. Coetzee, thường ở độ tuổi trung niên hoặc đã già, như nhà văn Senor C trong Nhật ký một năm tồi tệ, hay giáo sư David Lurie trong Ruồng bỏ, và Curren trong Tuổi sắt đá, đều phải trải qua một cảnh huống tồi tệ, để từ đó tạo nên chính sự và chạm và đổ vỡ niềm tin về văn minh trong con người họ.
Curren đã quá già để nhận ra những điều bẩn thỉu ở đất nước này, khi chế độ phân biệt chủng tộc truy đến cùng những đứa trẻ, giết chúng một cách bẩn thỉu. Đã quá muộn để bà có thể làm gì đó. Nhưng bà vẫn cố gắng đến gần, cố gắng dùng chút sức lực còn lại để đấu tranh. Bà đã cố cứu đứa trẻ, nhưng rồi nó cũng phải chết trong chính ngôi nhà của bà.
Coetzee rất dụng tâm trong việc thăm dò tiềm thức của người đàn bà sắp chết này. Ông nhìn thấy sự bất lực, sự đau đớn, và hơn hết, ông nhìn thấy lòng ham sống, và tình yêu lẩn khuất ở rất sâu trong những gầy guộc, những nhăn nheo và thoái hóa tất cả của bà.
Sự xuất hiện của một người đàn ông lang thang, nghiện rượu trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Curren cũng là một câu chuyện bất hạnh, đau lòng, nhưng nó khiến chúng ta có thể sống tiếp. Trong thư gửi con gái, Curren viết rằng: “Mẹ đã ngã xuống và anh ta đã kịp đỡ mẹ. Khi đến đây, không phải anh ta ngã mà được mẹ nâng đỡ đâu. Bây giờ thì mẹ hiểu không phải mẹ ngã và anh ta nâng đỡ, mà cả hai cùng ngã vào nhau, lảo đảo đứng dậy và từ đó đã tin cậy nhau.”
Văn chương của Coetzee vẫn là thứ văn chương đầy hoài nghi, đau đớn, nhưng cũng giống như trong Ruồng bỏ, ở Tuổi sắt đá, vẫn ẩn hiện đâu đó chút an ủi mỏng manh của đời người. Những ngày cuối cùng khi kẻ lang thang và một người sắp chết ở cạnh nhau, họ trò chuyện đôi câu, họ làm vài việc lặt vặt, và họ nằm ngủ chung trên một chiếc giường. Hơi ấm vẫn len lỏi ở đâu đó, trong căn nhà, giữa cái chết, sự tàn phá và sự đau đớn.
Hành trình đi đến cái chết của Curren tuyệt nhiên không phải là hành trình ruồng bỏ cuộc đời và con người. Nó là hành trình của sự thật. Là hành trình để nhìn nhận lại tất thảy những vùng đã qua của một con người trong cuộc đời.
Một câu chuyện tự vấn riêng tư của một người đàn bà, nhưng lại khắc khoải bày phơi tất thảy những biến động phức tạp của một đất nước, nơi mọi giá trị va chạm với nhau khốc liệt. Nơi nền văn mình phát triển một cách nhân danh, chỉ có sự man rợ của thời kì sắt đá, sự lạnh lẽo của thời kì sắt đá là sự hiện tồn có thật nhất. Đó là một cuộc chiến, và Coetzee đã không ngừng đấu tranh trong cuộc chiến ấy, bởi những sáng tác của mình. Ông không phải viết để ngợi ca chủ nghĩa anh hùng, điều mà con người thường nhân danh khi có sự xung đột, ông viết để tìm kiếm sự an ủi trong hoài nghi. Sự an ủi cho những đau khổ mà mỗi con người hàng ngày phải chịu đựng, hàng ngày phải chứng kiến.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn