‘Restroom’ trong tiếng Anh

0

Sẵn sàng du học – Thầy giáo tiếng Anh Quang Nguyen chia sẻ những từ vựng và cách diễn đạt liên quan đến “restroom” (nhà vệ sinh).

Hôm nay vào siêu thị, mình chạy vào cái “restroom” thì có một cô gái tóc vàng xinh đẹp ngồi gần đấy bảo “somebody’s inside”. Mình nói “thank you”.

Nhớ hồi năm 2003 đi tình nguyện SeaGames 22 ở Hà Đông, khi mình đang đi bộ, một bạn vận động viên Malaysia chạy qua: “Where’s the restroom?”, giọng rất gấp gáp. Hồi đó mình không biết “restroom” là gì, nên hỏi lại “pardon me?”. Bạn kia cuống quá, “restroom, restroom”. Mặt mình thộn ra, “pardon me?”. Bạn kia chịu không nổi, hét lớn như Trương Phi: “Toilet!”. Mình như bừng tỉnh sau cơn mộng, mau mắn chạy vào cửa hàng gần đó nói giúp bạn ấy.

Con trai sang Mỹ đi học, mình cũng sợ nhất là có nhu cầu mà không biết nói thế nào, nên phải dạy đi dạy lại “Lúc nào con muốn đi vệ sinh thì nói I wanna go to restroom”. Đến hôm thứ hai thì cu cậu về nhà khoe, hôm nay con bảo cô giáo “I restroom”.

Ngày xưa, mình chỉ biết đi tè là “make water”, thực ra có từ khác thông dụng hơn là “pee”. Nếu muốn đi nhẹ, bạn nói “I wanna go pee”, còn đi nặng sẽ là “I wanna go poop”.

ssdh-restroom

Nếu để ý, trên máy bay, cửa nhà vệ sinh có ký hiệu màu xanh kèm chữ “vacant” bên cạnh, có nghĩa là không có người. Còn nếu bạn nhìn thấy ký hiệu màu đỏ, “in use” hoặc “occupied” thì có người đang ở trong.

Từ vựng trong nhà vệ sinh khá nhiều. Cái mà nhà vệ sinh nào cũng có là “toilet” – bồn cầu. Giấy vệ sinh gọi là “toilet paper” (hay thỉnh thoảng nhiều người nói nhầm sang “tissue” – giấy ăn). Xả nước sau khi đi vệ sinh là “flush toilet”. Chỗ rửa tay là “sink”. Sau khi rửa tay, bạn có thể làm khô với “hand dryer”.

Tên nhà vệ sinh cũng là điều thú vị. WC là viết tắt của “water closet”. Từ này liên quan đến sự ra đời của nhà vệ sinh xả nước như ngày nay. “Toilet xả nước” (flush toilet) xuất hiện từ năm 1596 và trở nên phổ biến từ giữa thế kỷ 19. Ở Anh, ban đầu người ta dùng thuật ngữ “wash down closet” có nghĩa là nhà vệ sinh xả nước – để phân biệt với những loại nhà vệ sinh khác. Thuật ngữ “water closet” ra đời khoảng năm 1870 ở Anh và thay thế cho tên gọi “wash down closet” – có lẽ vì nghe ngắn gọn và “vệ sinh” hơn.

Ở Mỹ, trước đây nhà tắm – “bathroom” là nơi có bồn tắm, tương đối biệt lập với nhà vệ sinh. Sau này, theo thói quen sử dụng, “bathroom” cũng có nghĩa là nhà vệ sinh.

Tên “restroom” có nhiều nguồn gốc. Một trong những câu chuyện mà mình nghe được liên quan tới những người lao động Mỹ cuối thế kỷ 19. Điều kiện làm việc hà khắc, không giờ nghỉ, nên chỗ thư giãn duy nhất của họ là ở trong “toilet” – nơi sự riêng tư gần như tuyệt đối – sau này gọi nhiều quen thì thành thuật ngữ “restroom” (rest: nghỉ ngơi, room: phòng).

Nhà vệ sinh còn có tên gọi khác là “loo” (phát âm là /lu/) với câu chuyện rất thú vị liên quan đến nó. Khoảng năm 2002-2003, ở Haryana Ấn Độ, 70% phụ nữ phải đi vệ sinh ở ngoài trời. Điều này làm gia tăng rủi ro bị tấn công cũng như khả năng bùng phát dịch bệnh. Một phong trào của phụ nữ Ấn Độ là “no loo no I do” – không có nhà vệ sinh thì không lấy được vợ. Ở vùng khác thì khẩu hiệu là “no toilet, no bride”.

Đây là chiến dịch marketing xã hội rất sáng tạo và thành công. Sau chiến dịch, số lượng gia đình có nhà vệ sinh riêng đã tăng 15%.

Cá Domino (SSDH) – Theo vnexpress.net

Share.

Leave A Reply