Ba áng mây nhỏ và tuổi thơ trong cơn binh lửa

0

Sẵn sàng du học – Xa vòng tay mẹ, xa ngôi nhà yêu dấu để đi sơ tán. Ký ức đáng nhớ của tuổi thơ chỉ có khói bom và máy bay. Đó dường như là số phận của những đứa trẻ sinh ra trong thời chiến.

Được ví như “phiên bản nữ” của cuốn Quân khu Nam ĐồngBa áng mây trôi dạt xứ bèo của nhà văn người Pháp gốc Việt Nuage Rose (Hồng Vân) là một “bản hòa tấu” khiến người đọc không khỏi xúc động về tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên trong thời chiến. Thay vì chơi búp bê, hay sà vào lòng mẹ để làm nũng, chúng phải học cách bảo vệ mình khi chiến tranh mang cái chết đến bủa vây.

Ba chị em Kim Vân, Thanh Vân và Hồng Vân đang sống những ngày tháng hạnh phúc và vô lo của những đứa bé con trong vòng tay người mẹ hiền từ như bao đứa trẻ khác. Nhưng bình yên trong chiến tranh vốn chỉ mong manh như sợi tơ. Trong mắt ba đứa trẻ, đặc biệt là bé út Hồng Vân, đám Mây Hồng đáng yêu của mẹ “sơ tán” là một từ rất mới lạ. Cô bé chỉ hiểu rằng, sơ tán là cùng bố tới Hải Dương và phải xa mẹ. Nghĩ tới đó thôi cũng đủ buồn rồi.

ssdh-ba-ang-may-troi-dat-xu-beo

 

Mẹ ở tận Hà Nội, ba chị em Mây Hồng sống với bố, nhưng bố là bác sĩ và luôn bận bịu suốt cả ngày. Để thời gian trôi mau, Mây Hồng luôn ngóng đợi đến cuối tuần để được mẹ về thăm. Dõi theo câu chuyện, người đọc không khỏi xúc động trước hình ảnh cô bé năm tuổi mải miết chạy theo xe đạp của mẹ, để mong níu giữ mẹ ở lại bên mình. Dù chỉ một chút thôi!

Người mẹ trẻ cũng khóc, dù trái tim đang bị bóp nghẹt trong tiếng van vỉ lẫn oán trách của đứa con thơ, nhưng người mẹ không dám ngoái đầu về phía sau. Bà đành đạp thật nhanh, mặc cho nước mắt rơi. Dù rất thương con, người mẹ ấy cũng đâu thể ở lại? Trong thời buổi chiến tranh cuộc sống đâu có dễ dàng. Ngoài sống cho mình, người ta còn phải sống vì những nghĩa vụ và trách nhiệm. 

Không chỉ phải xa mẹ, ba áng mây nhỏ còn phải tập thích nghi với một cuộc sống mới, gian khổ và khó khăn muôn trùng. Mấy bố con từng phải sống trong một căn phòng chật hẹp. Thứ duy nhất giúp mấy chị em vượt qua mùa đông rét mướt chính là ổ rơm. Những cơn đói là điều ám ảnh với lũ trẻ. Cơm không đủ no, bé út Mây Hồng có thể ăn bất cứ thứ gì mình có: cơm nấu bằng gạo hẩm, quả xanh, trứng gà sống…

Nhưng điều đáng sợ nhất mà chiến tranh mang đến là cái chết. Ba chị em Kim Vân, Thanh Vân, Hồng Vân chợt nhận ra rằng chúng có thể chết bất kì lúc nào bởi bom đạn. Chỉ cần nghe tiếng máy bay là phải chui thật nhanh xuống hầm. Điều đó đã trở thành một thứ bản năng!

Tác giả Nuage Rose

Tác giả Nuage Rose

Sau này, khi đã trở thành cô dâu trẻ trên đất Pháp, sống những ngày tháng yên bình, tác giả Nuage Rose vẫn không khỏi vô thức lăn xuống giường trong giấc ngủ vì tiếng tàu điện. Chiến tranh và cái chết trở thành một thứ ám ảnh kinh hoàng, nó vẫn như bóng ma lởn vởn đeo đuổi trong tâm trí những ai đã sống trong những ngày tháng khủng khiếp ấy.

Lo giữ an toàn cho bản thân chưa đủ, ba đám mây nhỏ và bố luôn lo lắng cho mẹ. Mỗi khi Hà Nội bị ném bom. Bốn bố con trong lòng lại như có lửa đốt không biết mẹ có được an toàn hay không? Khi nhận được thư mẹ, bố và ba áng mây vô cùng phấn khởi. Nhưng cũng có thể, khi lá thư đến được tay họ thì mẹ đã gặp nguy hiểm rồi. Không ai có thể nói trước được điều gì trong chiến tranh…

Nhưng tuổi thơ thời chiến không chỉ có nước mắt và những nỗi lo sợ. Được sống bên một người bố đa tài, luôn tràn đầy tình thương yêu và ấm áp, ba áng mây nhỏ vẫn cảm thấy thật hạnh phúc. Những lúc được bố nấu ăn, cùng nhau tập xe đạp, tập bơi, nuôi gà… là những kỷ niệm đẹp trong thời thơ ấu bị bom đạn cướp mất êm đềm.

Chiến tranh đã dạy nhà văn Nuage Rose một bài học lớn, đó là: hãy yêu thương thay vì hờn giận, bởi bạn không biết ngày mai sẽ đi về đâu. Bà luôn dạy các con, cho dù ban ngày có cãi cọ hay xích mích, trước khi đi ngủ vẫn phải chúc ngủ ngon và nói những lời thương mến với nhau.

Nhà văn Nuage Rose tâm sự: bà đã rất muốn quên đi những kí ức kinh hoàng của chiến tranh, nhưng bà lại muốn kể lại cho các con nghe về những ngày đáng nhớ mà mẹ và ông bà chúng đã sống. Ba áng mây trôi dạt xứ bèođược ra đời, một phần nhờ một sự động viên mà cô con gái Vanessa đã dành cho mẹ.

Nhà văn Nuage Rose nói rằng bà không muốn viết một cuốn sách về lịch sử, đơn giản bà chỉ muốn kể câu chuyện của mình. Nhưng quả thực Ba áng mây trôi dạt xứ bèo là một cuốn tự truyện chân thực và cảm động mà những ai muốn tìm hiểu về đất nước những năm chiến tranh có thể tìm đọc. Bởi lịch sử của cả một dân tộc được xây nên từ lịch sử của chính những con người bé nhỏ.

Nuage Rose (Hồng Vân) sinh ra ở Hà Nội khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt. Sau khi tốt nghiệp đại học nhà văn tới Aix-en-Provence hoàn thành chương trình Thạc sĩ Văn học cổ điển Pháp và kĩ sư Công nghệ thông tin rồi làm việc ở Paris cho đến năm 1990. Hồng Vân có cơ duyên với quê nhà khi được bổ nhiệm làm tùy viên kinh tế thương mại của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Tác phẩm Ba áng mây trôi dạt xứ bèo (tựa tiếng Pháp: Trois Nuage au pays des nénuphars) đã được Hội Nhà văn Pháp trao giải “Tác phẩm được yêu thích nhất” vào năm 2013. Đồng thời, cuốn tự truyện này cũng được đưa vào chương trình giảng dạy của các trường Quốc tế Pháp tại Việt Nam.

Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing.vn

Share.

Leave A Reply