Sẵn sàng du học – Cứ ra trường là có việc, cứ đi phỏng vấn là thành công… Mọi chuyện nào có đơn giản vậy, bất cứ việc gì cũng cần có quá trình, năng lực là một chuyện đôi khi cần thêm một chút may mắn nữa.
Sau bốn năm đèn sách ở trường đại học, sinh viên ra trường với tấm bằng trên tay cùng mơ ước tìm được công việc đúng chuyên ngành, chuyên nghề với mức lương ổn định. Nhưng thực tế thì sao? Không phải sinh viên nào cũng may mắn tìm được công việc mình mong muốn.
Việc làm trái chuyên ngành, hay tiếp tục con đường học hành trở thành sự lựa chọn của nhiều sinh viên. Vậy lý do gì khiến việc tìm kiếm một công việc trở nên khó khăn như vậy? Lý do thì nhiều, nhưng cơ bản thì:
Có tấm bằng "đẹp", không có nghĩa bạn là nhất
Kết quả học tập tốt, bảng điểm đẹp với tấm bằng hạng cao… bạn luôn tự tin cho rằng có những thứ đó thì đương nhiên mình "biết tuốt". Nhưng có lẽ bạn chưa biết, nhà tuyển dụng đánh giá nhân sự ở khả năng thực tế, hiệu quả công việc chứ không phải những tấm bằng, chứng chỉ đang được xếp ở kho hồ sơ. Điều này nhiều khi dẫn đến thái độ tự tin "quá đà" mà quên mất rằng lý thuyết chỉ mãi là lý thuyết nếu bạn không vận dụng nó vào thực tiễn.
Và trong quá trình làm việc ngoài kiến thức bạn cũng cần phải linh hoạt, phát triển kĩ năng mềm nữa. Do đó, đừng vội ỷ vào những kiến thức mình có, tự tin thái quá về ngôi trường mình đã tốt nghiệp, bạn giỏi – sẽ có người khác giỏi hơn. Quan trọng là tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, những điều này mới thật sự giúp bạn trong việc tìm kiếm một công việc cũng như dần nâng cao khả năng của bản thân!
Lười biếng, hay nản lòng – đương nhiên bạn thất bại!
Cứ ra trường là có việc, cứ đi phỏng vấn là thành công… Mọi chuyện nào có đơn giản vậy, bất cứ việc gì cũng cần có quá trình, năng lực là một chuyện đôi khi cần thêm một chút may mắn nữa. Hãy cứ nghĩ đôi lần thất bại trên hành trình xin việc chẳng là gì cả, thậm chí nó còn giúp bạn nhận ra nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm đáng quý. Do đó, đừng vội nản lòng, thấy khó mà lui.
Và trên hết, nếu muốn có được thành công, muốn có cho mình một công việc tốt, ổn định lâu dài thì bạn phải tránh xa căn bệnh "lười biếng". Trong quá trình học tập cũng như làm việc, tân cử nhân cần phải chủ động học hỏi, nâng cao kĩ năng cho bản thân để thích nghi với môi trường công việc. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bất cứ điều gì. Bản thân không chiến thắng được sự lười biếng, ỷ lại của chính mình thì bạn sẽ thua cuộc ở mọi "mặt trận" chứ không riêng gì vấn đề tìm kiếm việc làm.
Xem nhẹ kỹ năng mềm
Kiến thức chuyên ngành mà bạn có được ở trường đại học là yếu tố quyết định giúp các sinh viên có thể lập nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, ngoài kiến thức chuyên môn, để vượt qua thử thách và những khó khăn trong bước đường phía trước mỗi sinh viên cần có và nâng cao các kĩ năng mềm: Kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng viết CV tìm việc và trả lời phỏng vấn tuyển dụng…
Thực tế, khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhiều sinh viên thường ít chú trọng đến vấn đề này, đến khi ra trường mới thấy bản thân còn nhiều thiếu sót. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Thế nên, bên cạnh việc học kiến thức mỗi sinh viên cần trang bị thêm cho mình những kỹ năng cần thiết bởi kỹ năng mềm sẽ quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc.
Chỉ chăm chăm tìm kiếm "việc nhàn lương cao"
Nhiều bạn sinh viên khi chỉ mới "chân ướt chân ráo" ra trường đều mong muốn tìm cho mình công việc nhẹ nhàng nhưng lương phải cao và ổn định. "Việc nhàn lương cao" ở đây nên được hiểu thế nào? Đó là công việc không chiếm mất quá nhiều thời gian và sức lực nhưng nhận được khoản không hề nhỏ cuối tháng? Hay đó là công việc dễ dàng, không đòi hỏi chuyên môn gì nhiều lắm? Dù là gì đi nữa thì cũng làm gì có chuyện dễ dàng như vậy, sinh viên cần có suy nghĩ đúng đắn về vấn đề công ăn việc làm sau khi ra trường.
Bởi đơn giản mọi công việc đều được đánh giá và trả lương đúng mức năng lực và bạn cần nhìn nhận vào thực tế nhu cầu tuyển dụng việc làm. Năng lực bạn như thế nào bạn sẽ được trả lương phù hợp với mức đó chứ không có việc bạn làm hời hợt, dễ dàng mà lương lại cao chót vót được – đây là "ước mơ" viễn vông. Vậy nên, đừng mãi ngồi đó tìm việc nhẹ lương cao để rồi bỏ qua những cơ hội cho chính mình.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14.vn