Sư thầy giành học bổng toàn phần ĐH Harvard

0

Sẵn sàng du học – Sinh năm 1991, đi tu từ năm 15 tuổi, sư thầy Thích Tâm Tiến vừa được hai trường đại học nổi tiếng là ĐH Harvard và ĐH Yale nhận vào học chương trình Thạc sĩ về tôn giáo (Master of Divinity).

Sư thầy Thích Tâm Tiến từng học sơ cấp và trung cấp Phật học ở Việt Nam, sau đó học cử nhân ở Thái Lan. Hiện tại, sư thầy đang theo học bậc Thạc sĩ ngành Triết học tôn giáo ở ĐH Naropa (Mỹ).

Yale đồng ý trao tặng sư thầy Tâm Tiến suất học bổng 50%, trong khi Harvard hỗ trợ tài chính 100% cho năm học đầu tiên. Những năm học sau, các trường sẽ xem xét kết quả học tập để quyết định có hỗ trợ tiếp hay không. Sư thầy Thích Tâm Tiến dự định sẽ chọn Harvard để theo học vào năm tới đây.

Qua mạng xã hội Facebook, sư thầy Thích Tâm Tiến (hiện đang tu ở chùa Hoằng Pháp, TP.HCM) đã dành cho VietNamNet một cuộc trò chuyện để chia sẻ về con đường học tập và tu hành của mình.

Phóng viên: Để được nhận vào học những ngôi trường danh giá này, thầy đã phải đáp ứng những yêu cầu gì của trường?  

Sư thầy Thích Tâm Tiến: Yêu cầu chung là bảng điểm cử nhân và Thạc sĩ tôi đang học, giấy giới thiệu của giáo sư, bài luận về mục đích học tập của mình, bài test GRE (Graduate Record Examinations), bài viết học thuật để chứng minh khả năng của mình. Đối với sinh viên quốc tế thì họ yêu cầu thêm điểm IELTS hoặc TOFEL.

Tôi thi IELTS lần đầu vào năm 2016 nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Tôi thi lần thứ hai vào năm 2018, đạt 7.5 IELTS, dù chưa thực sự vừa lòng nhưng cũng đủ chuẩn để nộp hồ sơ.

Với hồ sơ của tôi, tôi không dám nói mình “mạnh”, mà là “lạ". Chắc chị cũng biết, điều khác biệt quan trọng nhất đó là việc tôi là tu sĩ. Bài luận cá nhân cũng là nơi để tôi cho trường hiểu về bản thân mình và là chỗ để thể hiện sự khác biệt của mình với các ứng viên khác.

– Theo thầy, điều gì trong hồ sơ của thầy đã thuyết phục được ban tuyển sinh của Harvard và Yale?

Tôi nghĩ mỗi trường đều có những tiêu chí khác nhau. Ngoài việc phải có bảng điểm, bài viết học thuật tốt thì mục đích học tập rất quan trọng. Nó thể hiện được mình là ai, mình muốn gì, và yếu tố nào ở trường đó có thể giúp mình làm được điều mình muốn.

Một điều quan trọng nữa là mình phải cho họ biết sau khi học xong mình sẽ làm được gì cho bản thân, cho cộng đồng.  

– Là người đi theo con đường tu hành, tại sao thầy quyết định đi du học – một con đường mà ít người trong giới đi theo?

 Hiện nay, tu sĩ đi du học cũng nhiều lắm. Sư phụ tôi – Thượng toạ Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp luôn dạy các đệ tử rằng, một người xuất gia muốn giúp đỡ người, hoằng pháp độ sinh thì phải có 2 yếu tố, đó là tài và đức.

Tài có được là nhờ sự học hành, nghiên cứu và đức có được là từ sự tu tập của mình. Tôi được ảnh hưởng tư tưởng đó nên chọn việc du học để tìm hiểu nhiều điều mới mẻ, phương pháp hướng dẫn mọi người hiệu quả, học hỏi những tư tưởng mới từ những người bạn, giáo sư và từ chính môi trường văn hoá mà mình tiếp cận.

ư thầy Thích Tâm Tiến đang theo học bậc Thạc sĩ ngành Triết học tôn giáo ở ĐH Naropa (Mỹ)

Sư thầy Thích Tâm Tiến đang theo học bậc Thạc sĩ ngành Triết học tôn giáo ở ĐH Naropa (Mỹ)

– Việc học tập sẽ giúp ích gì cho con đường tu hành của thầy?

Giúp ích rất nhiều! Không học làm sao biết cách nào là tốt, cách nào là không tốt. Người Việt Nam mình có câu “Tu không học là tu mù". Tôi còn trẻ, còn có năng lượng, tại sao không sử dụng năng lượng và sức trẻ này để học được càng nhiều càng tốt, để phụng sự xã hội dễ dàng hơn.

Người trẻ mà sống ù lì, bị động, không cầu tiến thì phí quá. Tuổi trẻ chỉ đến một lần thôi, mỗi người nên tận dụng thời gian đó để khi về già mình không phải sống trong tiếc nuối.

Tôi không nói mình đã thành công. Mỗi việc mình làm, những điều mình học là một quá trình phấn đấu, vượt qua bản thân, để tiến đến những chân trời mới. Nếu trong thời gian đó, mình có tạo thêm được động lực cho ai, giúp đỡ được gì cho cuộc đời thì xem như mình cũng cảm thấy hạnh phúc rồi.

– Tu hành không phải là con đường được nhiều người trẻ chọn lựa. Có nhiều người tìm đến con đường tu hành sau khi họ đã trải qua một cú sốc tinh thần nào đó. Thầy có nằm trong những trường hợp này không?

Chị nói đúng một phần. Nhiều người gặp biến cố trong cuộc đời nên tìm về nương tựa cửa Phật. Tuy nhiên, phần lớn những người xuất gia tu hành đều có những ước mơ và hoài niệm lớn.

Nhiều người khi gặp tôi hay hỏi: “Ủa, thầy còn trẻ sao lại đi tu vậy? Có bị thất tình không?”. Tôi vừa buồn cười vừa thấy giận.

Tôi đi tu từ năm 15 tuổi. Lúc đó chưa biết yêu nên chuyện thất tình là không có. Gia đình tôi có truyền thống theo đạo Phật từ nhiều đời nên tư tưởng và tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật phần nào thấm nhuần trong mỗi thành viên.

Tôi cũng từng sinh hoạt trong Gia đình Phật tử ở chùa dưới quê nên việc đi tu là một điều dường như đã được vun trồng từ những nhân duyên ấy.

Đi tu không phải là trốn vào chùa để xa lánh cuộc đời. Đi tu chính là con đường mà tôi chọn đi để tìm nguồn an lạc và mang niềm an lành đó đến với mọi người. Tôi luôn nghĩ rằng, đi tu là hi sinh niềm hạnh phúc nhỏ của cá nhân để mang niềm hạnh phúc lớn đến cho nhiều người. Ví dụ, nếu mình ở nhà, có gia đình thì mình chỉ có thể chăm sóc được một vài người trong gia đình, còn khi mình đi tu, mình có thể chăm sóc được nhiều người hơn.

Sư thầy Thích Tâm Tiến và một bạn học ở ĐH Naropa (Mỹ)

Sư thầy Thích Tâm Tiến và một bạn học ở ĐH Naropa (Mỹ)

 – Thầy tìm thấy điều gì trên con đường tu hành mà trước kia thầy không có được?

Tôi thấy được niềm an lạc, hạnh phúc, tự do và sự gắn kết lớn đối với mọi người. Tôi chắc chắn rằng mỗi người sống trong cuộc đời đều có những trách nhiệm, công việc, và những mối lo. Người tu như tôi cũng vậy. Tuy nhiên, điều khác biệt có thể nằm ở chỗ, người tu – họ làm việc với tinh thần vô ngã phụng sự, không nghĩ đến điều lợi ích cho cá nhân. Họ làm với tinh thần tự nguyện, vì khi mình làm với sự tự nguyện thì mình cảm thấy rất an lành. Điều gì mà mình “phải” làm thì mình thấy rất khó chịu, đúng không ạ? Còn điều gì mình làm với sự tự nguyện thì nó nhẹ nhàng lắm!

– Việc tu hành có mâu thuẫn với việc thưởng thức những thú vui khác trong cuộc sống hay không, ví dụ như lướt Facebook, xem phim, nghe nhạc, chơi game, tám chuyện với bạn bè…, đặc biệt là với một thầy tu trẻ như thầy?

“Thưởng thức những thú vui" khác với việc “đắm chìm trong những thú vui". Nếu chỉ là những thú vui bình thường như chị nói thì điều đó rất bình thường đối với người trẻ. Tuy nhiên, nếu để những điều đó trở thành thói quen lại là một việc khác.

Tôi không có nhiều thời gian để “thưởng thức" những điều đó. Tôi có sử dụng Facebook như là một phương tiện để kết nối với mọi người thôi. Thú vui của tôi là đọc sách, nghiên cứu và viết bài.

Có một điều tôi để ý là ngày nay tu sĩ trẻ sử dụng các phương tiện mạng xã hội cũng nhiều. Những phương tiện đó đều có hai mặt. Nếu bị đắm vào đó thì sẽ mất nhiều thời gian và phần nào là chướng ngại cho con đường tu. Cho nên tôi luôn tâm niệm rằng mỗi điều mình làm, mỗi cái click trên mạng cần phải mang lại điều gì đó hữu ích cho bản thân cũng như cho người khác.

– Có thói quen, sở thích gì mà thầy đã rất tiếc nuối phải bỏ nó khi chọn theo con đường tu hành không?

Câu hỏi này khó quá! Trước khi đi tu, tôi sống ở một vùng quê nhỏ. Cuộc sống vốn dĩ bình yên. Lúc đó, tôi chỉ biết đi học rồi về nhà phụ giúp gia đình. Tôi không có sở thích gì hay thói quen gì để lại ấn tượng lớn đến nổi phải tiếc khi đi tu cả.

Tôi thấy đi tu như là mình bước lên một nấc thang mới trong cuộc đời. Ở đây mình nhìn thấy cuộc đời rõ hơn và đẹp hơn. Nếu mình đã ở một nơi an lành hơn thì mình đâu có tiếc gì quá khứ đâu, phải không ạ!

Tôi thấy đi tu như là mình bước lên một nấc thang mới trong cuộc đời. Ở đây mình nhìn thấy cuộc đời rõ hơn và đẹp hơn".

Tôi thấy đi tu như là mình bước lên một nấc thang mới trong cuộc đời. Ở đây mình nhìn thấy cuộc đời rõ hơn và đẹp hơn".

– “Nói chuyện với con rất khó” – nhiều phụ huynh đã than phiền như vậy. Nhiều đứa trẻ ngày nay không muốn nghe cha mẹ nói, chứ chưa nói đến chuyện chúng làm theo lời khuyên của cha mẹ. Thầy có lời khuyên gì cho các bậc phụ huynh trong việc giao tiếp với con cái không?

Chính con cái nói chuyện với cha mẹ mới rất khó. Cha mẹ muốn con cái lắng nghe mình mà có khi nào các bậc phụ huynh thực sự biết lắng nghe con cái hay chưa?

Mình muốn truyền thông với ai mình phải biết lắng nghe. Đó không chỉ là cuộc nói chuyện một chiều từ phía cha mẹ. Cha mẹ cần tập lắng nghe con cái mình tâm sự, để con giãi bày những suy nghĩ ngây thơ, để những điều đó được tiếp nhận và trân trọng bởi các bậc phụ huynh. Vì mình không lắng nghe con nên con mình tìm người khác, bạn khác, cách khác để “nói chuyện".

Một phần nữa là do thời đại công nghệ thông tin phát triển nên con cái dễ dàng “khám phá" nhiều thứ mà cha mẹ cũng không hề biết.

Cha mẹ không hiểu thế giới của con và con cái cũng không hiểu thế giới của cha mẹ nên việc nói chuyện với nhau dĩ nhiên là khó rồi.

Cha mẹ thương con là điều không gì có thể chối cãi được. Hãy dùng tình thương đó tìm hiểu thế giới của con, lắng nghe con, và tôn trọng những lời các con tâm sự thì tôi nghĩ chắc chắn gia đình nào cũng sẽ hạnh phúc. 

Sư thầy Thích Tâm Tiến được nhiều bạn trẻ biết đến nhờ những bài giảng gần gũi, hấp dẫn

Sư thầy Thích Tâm Tiến được nhiều bạn trẻ biết đến nhờ những bài giảng gần gũi, hấp dẫn


– Thầy thường khuyên các bạn trẻ điều gì trong những bài giảng của mình?

Tôi thường chia sẻ về ước mơ, hy vọng và sự cố gắng. Ước mơ không tốn tiền, tại sao không mơ lớn. Hơn nữa, mình còn trẻ, còn khoẻ, còn nhiều năng lượng, tại sao không dám dùng những cơ hội đó để làm một điều gì đó mà mình muốn.

Các bạn trẻ phải luôn biết vươn lên, đó là sứ mệnh của người trẻ. Đừng đợi đến khi mình cảm thấy có động lực rồi mới làm. Động lực không tự nhiên có. Khi mình làm, mình vượt qua được điều gì đó và chính nó sinh ra động lực để mình tiếp tục.

– Có những câu chuyện, tình huống nào mà thầy cảm thấy trăn trở, day dứt khi trò chuyện với các bạn trẻ không?

Mình thấy môi trường cho người trẻ phát huy chưa có. Người trẻ luôn bị “lép vế". Nếu thực sự một xã hội muốn phát triển thì xã hội đó cần có sự thay đổi. Thay đổi trong tư tưởng, nhận thức, và nhân lực. Người trẻ là những người có thể làm được điều đó, nhưng họ chưa có “đất để dụng võ".

– Theo thầy, những vấn đề phổ biến nhất mà các bạn trẻ Việt Nam đang gặp phải bây giờ là gì?

Sống ở Mỹ một thời gian mình thấy đa phần người trẻ Việt Nam rất tốt trên phương diện tinh thần. Tuy nhiên, sự Tây hoá đang ăn dần vào xã hội mà chúng ta lại không tiếp nhận có chọn lọc. Đâu phải cái gì “Tây" cũng tốt cả đâu. Chúng ta tiếp nhận lối sống của họ và cứ nghĩ rằng đó là “hiện đại hoá" bản thân nhưng thực chất chỉ là sự “copy" một cách tuỳ tiện.

Mình tiếp nhận cái tốt, áp dụng điều cần áp dụng và phải giữ được tinh thần của dân tộc mình. Việc các chùa tổ chức các khoá tu mùa hè cũng chính là cách mang các bạn trẻ trở về lại với những giá trị tốt đẹp đó của dân tộc ta. Nếu bạn trẻ nào đọc được những dòng này thì nên dành một khoảng thời gian chiêm nghiệm lại cuộc sống của bản thân hiện tại.

Tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi cũng thấy các bạn “than" hơi nhiều. Nếu mỗi người nhìn lại cuộc sống của bản thân thì sẽ thấy mình còn nhiều hạnh phúc lắm. Đừng than vãn vì mình không có cái này hay cái kia. Hãy dùng những gì mình đang có để tiếp tục bước tiếp.

Các bạn trẻ phải luôn biết vươn lên, đó là sứ mệnh của người trẻ"

 "Các bạn trẻ phải luôn biết vươn lên, đó là sứ mệnh của người trẻ"

– Trong cuộc sống, ai cũng sẽ có lúc gặp phải những khó khăn, thử thách, thất bại. Những người trẻ là đối tượng rất dễ đau buồn, chán nản và có những cảm xúc, hành động tiêu cực khi đối diện với thách thức. Đạo Phật thì luôn dạy con người ta cách giải quyết vấn đề trong ôn hòa, nhẫn nại, kiên trì. Làm thế nào để chúng ta làm được điều này?

Khó khăn là một chất liệu của cuộc sống. Thất bại là một màu của cuộc đời. Nếu không có khó khăn, thất bại thì làm sao mình biết được cảm giác của thành công. Nếu không đói thì làm sao mình biết ăn ngon. Nếu không có khổ đau thì mình cũng sẽ chẳng bao giờ thấy được hạnh phúc.

Mình hãy nghĩ rằng những gì mình đang gặp phải chính là thử thách. Thử thách đến rồi đi, nhưng nếu mình bỏ cuộc thì thử thách đó là mãi mãi.

Với tôi, mỗi lần đối diện với thử thách, tôi thường ngồi thiền. Khi ngồi thiền thì tâm mình được bình an, mọi lo toan được lắng xuống và mình thấy được cuộc sống rõ hơn.

Tôi thường ngồi thiền mỗi đêm, để trước hết là lắng tâm và sau đó là suy nghĩ về một ngày vừa qua. Sau đó, nếu thực sự có khó khăn gì thì mình cũng phải đối mặt và chia nhỏ nó ra để làm.

Điều quan trọng nữa là mình cần phải biết cười. Khi gặp khó khăn chúng ta lại càng nên cười. Tôi thường nói đùa là “mình cười vào mặt nó". Cười để mình biết được rằng bản chất của khó khăn đó cũng rất vô thường. Nó tới rồi nó cũng qua thôi. Cười để mình thấy rằng mình may mắn còn có được những thử thách để thử sức bản thân, mình còn sống để “chiến đấu" với sự lười biếng trong con người mình, và hơn hết, cười làm mình đẹp hơn!

Nghĩ về điều mình không thích, người mình không ưa, và cười về sự suy nghĩ đó thì mình sẽ thấy dễ chịu hơn.

Thái Hải (SSDH) – Theo Vietnamnet

Share.

Leave A Reply