Sẵn sàng du học – Bạn đặt cho mình mục tiêu lấy được tấm bằng trình Thạc sĩ Kinh doanh tại một trường đại học châu Âu. Nhưng bạn cũng lo ngại về quá trình tuyển sinh gắt gao và bắt đầu nghi ngờ về khả năng của bản thân.
Đừng từ bỏ và bắt tay vào chuẩn bị cho chặng đường ấy từ bây giờ cũng Sẵn Sàng Du Học với những bí kíp dưới đây:
Update thông tin trên các tuần báo kinh tế thế giới
Một vài trang tin mà bạn nên lưu ý hay tạo cho mình thói quen lướt qua chúng mỗi ngày trước khi mất hàng giờ trên các mạng xã hội là Financial Times và Business Insider. Để được đặt chân vào những ngôi trường nổi tiếng, những gì bạn cần làm sẽ không chỉ là học. Bạn cần phải cho hội đồng tuyển sinh thấy mình thực sự hứng thú với lĩnh vực Kinh doanh và có hiểu biết nhất định về những gì đang diễn ra trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường EU.
Điểm GMAT – thấp không phải là “hết” nhưng rõ ràng không phải là lợi thế
Hãy nghĩ đến số điểm mà bạn cần đạt được trong bài thi GMAT trước tiên. Ôn tập kĩ lưỡng và chuẩn bị cho mình những kĩ năng cần thiết trước khi bước vào phòng thi. Bên cạnh đó, cũng đừng quên book lịch từ sớm để tránh hết suất đăng kí.
Vậy bao lâu là một khoảng thời gian thích hợp để chuẩn bị cho bài thi GMAT của bạn? Theo tổ chức giáo dục Kaplan, bạn nên dành từ 2 đến 3 tháng, tương đương với 120 giờ để ôn tập bài học cũng như làm bài thi thử.
“Chọn mặt gửi vàng” người viết thư giới thiệu
Bạn nên có ít nhất hai bức thư giới thiệu đến từ những người lãnh đạo có kĩ năng xuất sắc cũng như sự thấu hiểu nhất định về con người và khả năng của bạn. Thông thường, sinh viên grad school sẽ nhờ sếp cũ của mình viết thư giới thiệu bởi đa phần các khóa học Thạc sĩ đều yêu cầu ứng viên sở hữu kinh nghiệm làm việc tối thiểu từ 01 đến 02 năm.
Nghĩ về bài luận cá nhân như một “cuộc phỏng vấn trên giấy”
Tấm bằng mà bạn đang theo đuổi sẽ đóng góp như thế nào vào sự nghiệp của bạn? Hội đồng tuyển sinh muốn nhìn thấy trong bài viết của bạn những “phát biểu” về mục tiêu nghề nghiệp và định hướng cá nhân của bạn khi đến với khóa học. Tất cả chỉ để chứng minh rằng bạn biết mình muốn gì và tấm bằng sẽ thực sự hữu ích với bạn trong tương lai.
Họ muốn tìm hiểu về cả về điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Lựa chọn “văn phong” phù hợp sẽ giúp bạn khéo léo bộc lộ những khả năng của mình đồng thời tỏ ra “biết người biết ta” khi nhắc tới điểm cần khắc phục.
Một trong những yếu tố quan trọng của bài luận cá nhân chính là việc cho thấy những kĩ năng khác nhau của bạn. Đó có thể là khả năng thích nghi, giải quyết vấn đề, tiếp cận nhà đầu tư hay thuyết phục khách hàng…
Chìa khóa của việc “khoe khéo” chính là làm cho mọi thứ nghe thật tự nhiên. Nếu bạn muốn thể hiện mình là người có kĩ năng giải quyết vấn đề thì đừng chỉ nói vậy. Hãy kể cho họ nghe một tình huống cụ thể trong công việc mà bạn đã ứng biến thành công.
Đừng ngại “kén chọn”
Lựa chọn đúng ngôi trường dành cho bạn. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng đây là một bước đệm cho sự nghiệp tương lai của bạn. Bạn sẽ dành rất nhiều công sức để có được tấm bằng sau hai năm, thế nên hãy biến trải nghiệm ấy trở nên thú vị hơn bằng việc đặt chân vào ngôi trường mà mình thực sự yêu mến.
Người dịch: Ánh Dương (SSDH)