Sẵn sàng du học – Theo Hoàng Giang, phải rất tinh tế khi đưa câu chuyện về nạn xâm hại tình dục ở trẻ vị thành niên lên một thể loại mới như sách tranh.
Hoàng Giang là họa sĩ trẻ, từng tạo dấu ấn trong giới thiết kế và minh họa sách ở trong và ngoài nước với hàng loạt tác phẩm, như series Những người sống quanh em (NXB Kim Đồng); Cổ tích thế giới bằng thơ(NXB Kim Đồng); Trẻ con hát, trẻ con chơi (Nhã Nam); The secret garden(Samsung); Wizard of Oz (Nuinui); Alice in wonderland (Nuinui)…
Sau thời gian học MA Illustration and book arts ở Anh Quốc, Hoàng Giang trở lại với bạn đọc bằng tác phẩm Lựa chọn khá bất ngờ so với phong cách của chị trước đây. Zing.vn đã có cuộc trò chuyện với chị.
Graphic novel – sách tranh với đề tài trưởng thành
– Được biết Hoàng Giang học chuyên ngành Kinh tế, nhưng lại đứng vững và định danh với nghề sáng tác tranh truyện. Mọi sự đang rất ổn, chị lại “lặn một hơi”, đi du học. Chị có thể chia sẻ về những bước ngoặt này?
– Đúng là Giang đã học Đại học Kinh Tế TP.HCM, khoa Ngân hàng. Nhưng ngay sau khi tốt nghiệp, Giang nghĩ mình sẽ trở thành họa sĩ truyện tranh chứ không phải thành nhân viên ngân hàng nào đó. 4 năm đại học là thời gian đủ dài để Giang hiểu mình sẽ sống rất dè dặt và khổ sở nếu không theo đuổi ước mơ của bản thân. Vì thế mặc dù gia đình và cả bản thân lo ngại về tương lai bất ổn phía trước, Giang vẫn quyết định rẽ ngoặt.
– Bản thân chị cũng bất an, nhưng lại vẫn “làm tới”. Vậy chị đã “làm” như thế nào?
– Có lẽ vì tâm lý bất an với lựa chọn này nên Giang đã cố gắng học hỏi rất nhiều ở chỗ không ngại "copy" cách vẽ của các họa sĩ minh họa trên thế giới. Chính vì thế, ở giai đoạn đầu của nghề vẽ minh họa, Giang có thể vẽ khá nhiều style khác nhau để đáp ứng được những yêu cầu từ khách hàng.
Sau một thời gian thì studio nơi Giang và đồng nghiệp làm việc có được hợp đồng từ một số nhà xuất bản trong nước và nước ngoài, công việc cũng hào hứng và khá ổn định.
– Khá ổn định, nhưng chị vẫn quyết định “lặn một hơi” đi du học?
– Cách học bằng việc "copy" từ các họa sĩ khác không thật sự bền lâu, đến lúc Giang cảm thấy bế tắc trong việc phát triển bản thân để tìm tiếng nói riêng trong phong cách vẽ và kể chuyện cho riêng mình. Nôm na là Giang thấy bản thân mình dậm chân tại chỗ trong công việc. Thêm vào đó, Giang cũng muốn được mở mang tầm mắt xem các họa sĩ trên thế giới họ sống và làm việc như thế nào, các NXB nước ngoài làm việc ra sao, qua đó Giang sẽ thấy được tương lai khả dĩ nhất của mình.
Chính vì thế, Giang gác lại tất cả để sang Anh học về Minh họa và Nghệ thuật sách ở trường Anglia Ruskin, Cambridge. Có thể nói đi du học là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong đời Giang.
– "Lựa chọn", tác phẩm mới nhất của Hoàng Giang, thuộc dòng Graphic Novel. Đây là dòng sách hoàn toàn mới và gần như chưa từng xuất hiện ở thị trường Việt Nam. Chị có thể giới thiệu một chút về dòng sách này với độc giả trong nước?
– Rất khó để tìm định nghĩa chuẩn xác về Graphic novel, bởi vì cứ sau một thời gian sẽ xuất hiện một cuốn sách phá vỡ giới hạn định nghĩa cũ của Graphic novel. Ví dụ như năm 2010, trong dự án Văn học Việt Nam – Đan Mạch do NXB Kim Đồng làm cầu nối, Giang được tham dự một workshop giới thiệu về Graphic novel ở Copenhagen, Đan Mạch. Thời điểm đó, người ta giải thích Graphic Novel là loại sách một nửa là graphic, một nửa là novel, nghĩa là một nửa hình, một nửa chữ về nghĩa đen.
– Còn bây giờ Graphic novel là…?
– Khi mình đọc được cuốn Graphic novel The Arrival của Shaun Tan vốn hoàn toàn không có lời thì định nghĩa trước không còn phù hợp nữa. Hiện giờ người ta phân biệt graphic novel với comic ở chỗ graphic novel thường có đề tài trưởng thành, mở rộng hơn như về chính trị, kinh tế, lịch sử… nội dung thường được gói gọn trong một cuốn sách thay vì ra hàng kì như comic.
Trong một số trường hợp, việc phân biệt này cũng không có tác dụng rõ ràng và nhiều họa sĩ cảm thấy không nhất thiết phải dán nhãn graphic novel hay comic lên tác phẩm của mình. Tuy thế, đối với Giang, việc tự gọi tên Lựa Chọn là graphic novel vì Giang muốn nhấn mạnh nội dung dành cho tuổi đã lớn khi mà trong nước đa số độc giả mặc định truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi.
"Lựa chọn như đứa con của Giang"
– Như vậy, bản thân dòng sách này vẫn còn "tự diễn biến". Sao chị lại quyết định theo đuổi, dù trước đó chị đã có thành tựu khá dày, với nhiều phong cách minh họa khác nhau?
– Lựa chọn vốn là đồ án tốt nghiệp lớp MA của Giang ở Anh. Yêu cầu đồ án khá cao và thầy cô trong trường thì khuyến khích sinh viên tự do thử sức bứt phá khỏi giới hạn bản thân. Giang nghĩ đã đi học cái mới thì sao không tận dụng cơ hội làm ra những cái mới mà phải dùng lại những cách vẽ đã quá quen thuộc.
Hơn nữa, đây là lần đầu tiên Giang vừa viết vừa vẽ một cuốn sách, Lựa chọn giống như đứa con của Giang vậy, Giang muốn dành tất cả cái tôi, cách nghĩ của mình, hoàn toàn không trói buộc về yêu cầu khách hàng hay cảm nhận độc giả, có lẽ vì vậy Giang đã làm ra Lựa chọn bằng kiểu vẽ tự nhiên nhất của mình, khác hẳn với cách mình làm với khách hàng.
Và thời lượng của dòng graphic novel cho Giang nhiều không gian để kể chuyện hơn thay vì picture books. Đề tài của Lựa chọn cũng nhạy cảm, Giang muốn mình có thể kể câu chuyện bằng cách nào đó tinh tế và đem lại nhiều tầng nghĩa hơn là kể trực quan. Sau nhiều thử nghiệm trong lúc thực hiện thì Giang quyết định dùng cách kể không lời và tạo hình mang tính ẩn dụ để "kể" được không khí truyện mà Giang mong muốn.
– Đúng là "Lựa chọn" đề cập đến đề tài khá nhạy cảm, là nạn xâm hại tình dục ở trẻ vị thành niên. Đây là đề tài không mấy dễ dàng với nghệ thuật, đặc biệt là dòng sách tranh, vốn ở Việt Nam thường bị xem là “dành cho trẻ con”. Mọi chuyện bắt đầu với chị từ đâu?
– Thật ra thông điệp xuyên suốt của Lựa chọn không nằm ở nạn xâm hại tình dục ở trẻ vị thành niên. Giang thật sự không muốn kể một câu chuyện xoáy sâu vào nỗi đau của nạn nhân hay một câu chuyện cảnh tỉnh, lên án về nạn xâm hại hay nâng cao nhận thức của người đọc. Khi Giang đặt mình vào vị trí nạn nhân, thật sự nỗi đau quá lớn và khủng khiếp, nhất là khi các em còn quá bé để có thể hiểu được hoàn cảnh của mình.
Đọc thêm tài liệu về những chấn thương tâm lý, Giang biết các em sẽ mang theo vết thương suốt đời, có người vượt qua được, có người kẹt lại… Thế nên, Giang muốn kể câu chuyện về nỗ lực sống tiếp, dù bằng cách nào đi nữa, dù cuộc sống có lúc sẽ thật cô đơn nhưng hi vọng các em sẽ chờ được đến lúc có thể tự đối diện và vượt qua nỗi đau, tự cứu lấy mình.
– Rõ ràng "Lựa chọn" là cuốn sách thách thức cách đọc/xem thông thường, đặc biệt với độc giả Việt. Nhưng sau thời gian ra mắt không lâu, cuốn sách đã tạo được hiệu ứng khá tốt. Chị có kỳ vọng vào dòng sách mới mẻ này tại Việt Nam?
– Quá bất ngờ và rất vui luôn. Thú thật là mình và Ban biên tập của NXB cũng không lạc quan đâu, mọi người bảo Lựa chọn khó hiểu quá khi hơn một nửa không nắm bắt được câu chuyện, nhưng Lựa chọn vẫn được xuất bản như một thể nghiệm. Điều làm Giang vui nhất là đọc cảm nhận của độc giả về Lựa chọn, có rất nhiều bạn có cùng tâm tư, "tần số", có thể hiểu sâu sắc những gì Giang gửi gắm. Cảm giác ấy vui lắm!
Giang nghĩ graphic novel là thể loại trao cho người viết nhiều tự do nhất để vẽ và kể chuyện, hi vọng sẽ có nhiều người quan tâm dòng sách này hơn và Giang được đọc nhiều câu chuyện hay hơn.
– Sau 'Lựa chọn", dự định sáng tạo tiếp theo của Hoàng Giang là gì?
– Giang đang bắt đầu vẽ một bộ comic mới tên là Xóm Om Xòm. Bộ sách dự tính gồm 5 cuốn mang không khí hoàn toàn khác Lựa chọn, là những câu chuyện hài hước vui vẻ về cuộc đời những con vật như Heo, Bò, Gà, Ngỗng, … ở miền quê Nam bộ. Giang nghĩ Xóm Om Xòm khá ngớ ngẩn, nhưng là kiểu ngớ ngẩn đáng yêu. Hi vọng sẽ ra mắt vào năm sau.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing