Sẵn sàng du học – "Bạn có đang chán nản?" là câu hỏi tác giả dành cho độc giả trong cái chạm mắt đầu tiên với "Vắc-xin chán nản"; để rồi suốt cuốn sách là hành trình thăm khám căn bệnh thời đại này.
Cuốn sách được chia thành năm chương – như năm giai đoạn tương ứng của một chu trình thăm khám. Giai đoạn 1: Hỏi han bệnh tình – Bạn có đang chán nản? Giai đoạn 2: Nội soi, chụp X-quang, xét nghiệm – Những mảnh ghép chán nản.
Giai đoạn 3: Nhận thuốc về điều trị nội trú – Tập sống chung với chán nản. Giai đoạn 4: Bệnh tình thuyên giảm – Vượt qua chán nản. Và giai đoạn cuối cùng: Bệnh cũ tái phát – Chuẩn bị cho đợt sóng chán nản mới.
Với giọng văn nhẹ bẫng, thành thật và kiệm lời, câu hỏi mở đầu ấy như cách hai người bạn xã giao lâu ngày gặp lại, vỗ vai hỏi nhau một câu bâng quơ. Rồi tiện thể thế nào lại cùng nhau ngồi xuống ghế nhựa vỉa hè, nhấp một ngụm cà phê kể lể chuyện cuộc đời.
Nói về chán nản, cái chủ đề sao mà nghe thôi đã thấy chán, thấy tiêu cực. Nhưng Lê Di lại dùng giọng văn hăm hở vô cùng. Không bi quan, không kịch tính hóa nó lên, đúng như chia sẻ của chính tác giả trong cuốn sách, ta hãy xem nó như người bạn xấu tính mà ta không thể tránh mặt suốt đời.
Nếu trước sau gì cũng gặp, thậm chí là phải gặp một cách thường xuyên và định kỳ, thì hãy học cách nói “xin chào” và “tạm biệt” với gã bạn tồi đó một cách thảnh thơi, nhẹ nhàng nhất, để mỗi lần gã đến vội vã rồi ra về vật vã, gã sẽ để lại cho ta chút gì đó quý giá làm quà.
Cuốn sách này khiến người đọc cảm nhận được sự thành thật, không giáo điều lý thuyết, không chỉ đạo rỗng không, rằng bạn phải thế này, bạn phải thế kia. Vắc-xin chán nản như bản bệnh án của chính một bệnh nhân từng bị căn bệnh chán nản hành hạ.
Để anh em cô bác gần xa đọc mà biết, mà tránh, mà không hoảng hốt hay sợ hãi, cũng không để bệnh cứ ngấm dần ăn mòn những hăng hái của đời ta như cách con tằm ăn lá dâu, con sâu ăn đọt lá.
Chẳng ai hiểu tường tận rạch ròi về sự chán nản như kẻ thường xuyên chán nản. Cũng chả có ai đủ tư cách để phát biểu hay được vỗ tay hoan hô khi nói về nó như người đã thành công trong việc vượt qua nó. Và tác giả là một người như vậy.
Xuyên suốt hai chương đầu của cuốn sách, những mẩu chuyện thực tế, những vòng đời đều đặn quẩn quanh của tác giả được vẽ ra trên trang giấy, mà dù ít dù nhiều, ta sẽ bắt gặp mình khớp nhịp với chí ít nửa vòng quay rệu rã ấy.
Để tiến tới những chương tiếp theo, Lê Di hoạch định hẳn một bản chiến lược vượt chán, thiết lập hẳn một phác đồ đặc trị cho căn bệnh này. Nào là “lý thuyết 4 ô”, nào là “sơ đồ 6 vòng tròn”, rồi công cụ quản lý thời gian Pomodoro… Những bài tập vật lý trị liệu được tác giả hướng dẫn cặn kẽ, kỹ càng cho các con bệnh.
Không quên đính kèm theo là những lời dặn dò, động viên đầy lạc quan, tin tưởng. Bởi chính nỗi sợ hãi hay sự từ bỏ sẽ là món ăn ngon lành bổ dưỡng nuôi những con virut chán nản trở nên béo nục. Chỉ có nghênh tiếp, chào đón nó, hí hửng đồng hành cùng nó, virut chán nản mới tự biết… chán rồi cũng sẽ tự giác bỏ bạn mà đi.
Không dưng mà Lê Di chọn cái tên Vắc-xin chán nản cho đứa con tinh thần của mình. Đúng như đặc tính của một loại vắc-xin, cuốn sách giúp bạn chống lại cái chán bằng cách xúi bạn hãy cứ chán thật nhiều. Bởi ta chẳng thể đánh bại nó nếu còn chưa biết hình thù nó thế nào.
Và trốn chạy chưa bao giờ là một cách hay ho để biến bạn trở thành người hùng. Chỉ có đương đầu, chiến đấu, thiện chiến và vị tha mới có thể đưa ta vụt biến thành vị tướng tài trong chính cuộc đời mình.
Không biết trong chính hành trình viết nên cuốn sách này, tác giả đã bao lần bị virut chán nản tấn công. Và biết đâu, cuốn sách này chính là món quà trong truyền thuyết, mà sau nhiều bận ghé thăm, gã bạn tồi chán nản đã để lại làm quà cho tác giả.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing