Sẵn sàng du học – Bạn đã từng nghe đến tình bạn đồng phụ thuộc bao giờ chưa? Hãy cùng SSDH tìm hiểu về kiểu quan hệ này và dấu hiệu nhận biết nó nhé!
Lấy ví dụ, bạn có một người bạn đang trải qua các thời kỳ khủng hoảng và có xu hướng tự hủy hoại bản thân. Người bạn đó đã nhờ cậy đến sự giúp đỡ của bạn. Nếu bạn là một người có lòng trắc ẩn, chắc chắn bạn sẽ làm nhiều cách để giúp đỡ người bạn đó. Ban đầu, có thể cô ấy chỉ muốn nhận sự giúp đỡ một hoặc hai lần, nhưng theo thời gian, cô ấy bắt đầu gọi điện, nhắn tin tâm sự với bạn mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy căng thẳng, nhưng với bản năng của một người đa cảm, bạn vẫn tiếp tục ở bên cạnh người bạn đó. Thực tế, có thể bạn chỉ muốn làm một người tốt giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn thôi, nhưng mọi chuyện có vẻ đã đi quá xa. Như vậy, hai bạn đang đang có một tình bạn đồng phụ thuộc.
Đồng phụ thuộc (codependency) được định nghĩa trong Tạp chí Tư vấn Sức khỏe Tâm thần là sự tận tụy quá mức trong một mối quan hệ, thậm chí hy sinh cả nhu cầu cá nhân và tâm lý của bản thân. Thông thường, nó được sử dụng để mô tả mối quan hệ giữa hai người yêu nhau, nhưng nó cũng có thể áp dụng cho tình bạn. Cũng như tình yêu, một tình bạn như vậy sẽ gây không ít trở ngại về mặt tâm lý cho bạn. Hãy cùng SSDH tìm hiểu những dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong mối quan hệ đồng phụ thuộc, đồng thời tìm ra cách phát triển một mối quan hệ bạn bè lành mạnh nhé!
1. BẠN LUÔN ĐẶT NHU CẦU CỦA NHỮNG NGƯỜI BẠN LÊN TRÊN
Không có gì sai khi giúp đỡ bạn bè cả. Đưa ra lời khuyên hay trả tiền một bữa ăn cho họ là những việc bình thường của tình bạn. Tuy nhiên nó không nên xuất phát từ một phía.
Các mối quan hệ đồng phụ thuộc thường xoay quanh một người cho và một người nhận bị động. Sẽ có một cá nhân mà sự giúp đỡ của cô ấy luôn hướng về người còn lại. Nói cách khác, người cho sẽ khiến người nhận trở nên vô trách nhiệm, không có năng lực và dần phụ thuộc vào người còn lại. Bạn chỉ nên “cho đi” những gì trong khả năng của mình, về mặt tài chính, tâm lý cũng như vật chất thôi nhé!
2. BẠN KHÔNG THỂ TỪ CHỐI VÀ ĐẶT RA CÁC GIỚI HẠN RIÊNG
Andrea Wachter, một bác sĩ trị liệu chuyên về tâm lý hôn nhân và gia đình ở California đã khẳng định những người trong một mối quan hệ đồng phụ thuộc hiếm khi có thể từ chối lời đề nghị giúp đỡ của đối phương, hoặc không biết phải nói “không” như thế nào và không biết bắt đầu từ đâu.
“Trực giác của chúng ta luôn mách bảo điều gì nên, không nên, hoặc có thể thực hiện được. Tuy nhiên, những người vướng vào một tình bạn đồng phụ thuộc dường như luôn cố ý bỏ qua điều này, hoặc họ không nhận thức được”, Andrea Wachter trả lời tờ Huffington Post. Nói dễ hơn làm, nhưng lấy hết can đảm để từ chối yêu cầu của một người bạn đang phụ thuộc quá mức vào bạn sẽ giúp cả hai có được tình bạn lành mạnh hơn đấy!
3. BẠN THẤY BẢN THÂN MÌNH LUÔN LÀ “CỨU CÁNH” CỦA HỌ TRONG CÁC TÌNH HUỐNG KHÓ KHĂN
Hiển nhiên không ai muốn nhìn bạn của mình rơi vào các tình huống nguy hiểm hay bị tổn thương cả, nhưng thật không công bằng khi bạn luôn là người mà cô ấy sẽ liên lạc đầu tiên trong các trường hợp khẩn cấp và bạn không được đền đáp gì cả. Vấn đề này có thể trở nên tệ hơn nếu bạn của bạn cứ trói buộc mình vào các tình huống trớ trêu mà không thèm cố gắng thay đổi bản thân họ.
Nếu sự thật họ không biết học hỏi từ sai lầm của mình và vẫn tiếp diễn lỗi lầm đó, bạn nên ngừng giải cứu họ đi nhé! Giảm thiểu sự hiện diện của bạn và hãy cho họ cơ hội để giúp bạn nữa. Hãy tập cho bạn của mình trải qua khó khăn trước khi nhanh chóng nhảy vào giúp đỡ cô ấy.
4. BẠN LÀ SỰ ỦNG HỘ LỚN NHẤT VỀ MẶT TINH THẦN CỦA HỌ
Sự khác biệt giữa một mối quan hệ lành mạnh và đồng phụ thuộc là trong một tình bạn đồng phụ thuộc, sự ủng hộ chỉ đến từ một phía. Ai cũng trải qua các giai đoạn cần đến sự trợ giúp của bạn bè nhiều hơn, nhưng nếu tình bạn của bạn không có sự cho và nhận, khả năng cao là hai bạn đang phụ thuộc quá mức vào nhau rồi đấy.
Lỗi không hẳn thuộc về mỗi người nhận, kể cả bạn, người luôn ủng hộ bạn của mình, cũng chịu trách nhiệm trong chuyện này. Đồng phụ thuộc là sự tương tác, nên nếu bạn cảm thấy người bạn kia đang quá phụ thuộc vào bạn, hãy xem xét lại vai trò của mình trong mối quan hệ này nhé! Hãy thử tập hít thở sâu nếu bạn cảm thấy quá tội lỗi hoặc căng thẳng khi từ chối đề nghị giúp đỡ từ người bạn của mình.
5. BẠN CẢM THẤY MÌNH KHÔNG THỂ MẮC SAI LẦM TRONG TÌNH BẠN NÀY
Không có mối quan hệ nào là hoàn hảo cả, kể cả tình bạn. Sẽ có những lúc vui vẻ, cũng có những giờ phút đau buồn khi hai bạn bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, khả năng hai bạn có thể đứng dậy sau các mâu thuẫn đó hay không mới là thứ khiến những kỷ niệm vui vẻ của hai bạn trở nên đáng quý.
Một tình bạn phụ thuộc thì hoàn toàn khác. Dường như cả hai bạn đều cảm thấy tranh cãi hay mâu thuẫn sẽ khiến tình bạn tan vỡ và không thể quay lại như trước. Nếu thực sự bạn có cảm giác đó, bạn đang tự mạo hiểm đánh mất đi tình bạn của mình hoặc bạn đang lo lắng quá mức về người bạn kia. Hơn nữa, bạn cũng không thể thành thật về cảm giác hay các quyền lợi cá nhân của mình trong tình bạn.
6. BẠN CẢM THẤY OÁN GIẬN NGƯỜI BẠN CỦA MÌNH
Thông thường, dấu hiệu rõ nhất của một tình bạn đồng phụ thuộc là cảm giác oán giận. Bạn có thể quen với những cảm xúc hối hận khi bạn buộc phải từ bỏ điều gì đó để giúp đỡ bạn của mình khỏi khủng hoảng. Thậm chí khi bạn đã phớt lờ nó đi, những cảm xúc này vẫn bị tích tụ và cuối cùng khiến bạn oán hận cả tình bạn này.
Chịu trách nhiệm giùm người khác sẽ khiến họ đánh mất cơ hội học hỏi từ sai lầm và tự giải quyết khó khăn của bản thân. Cuối cùng, mối quan hệ này làm bạn cảm thấy nghi ngờ và oán giận, vì những công sức giúp đỡ của bạn dường như vô hình đối với những người xung quanh.
Cá Domino (SSDH) – Theo elle