Bao giờ bằng đại học trong nước được quốc tế chấp nhận?

0

Sẵn sàng du học – Năm 2018, khi liên tiếp các tổ chức quốc tế công bố xếp hạng, Việt Nam đều có ĐH góp mặt top 500 trường châu Á, thậm chí top 200 trường châu Á. Sự tiến bộ vượt bậc của số lượng các công bố khoa học khiến cho xếp hạng của các trường được cải thiện đáng kể. Nhưng có một vấn đề đặt ra là: Nếu đã có trường ĐH được xếp hạng theo quy chuẩn thế giới, tại sao, bằng ĐH của Việt Nam vẫn chưa được các trường quốc tế chấp nhận?

Sinh viên Việt Nam tại đại học UCO

Sinh viên Việt Nam tại đại học UCO

Các kết quả khích lệ từ xếp hạng

Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng QS Unversity Rankings 2019, trong đó Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐH “lọt” top 1.000 ĐH hàng đầu thế giới và 7 ĐH “lọt” top các ĐH hàng đầu châu Á. Trong đó, ĐHQG Hà Nội với vị trí 124, tăng 15 bậc so với vị trí 139 của năm trước, trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 261 – 270, tăng 30 bậc so vị trí 291 – 300 của năm 2017. Chưa kể, thứ hạng nêu trên chưa phải bức tranh toàn cảnh thực trạng giáo dục của Việt Nam, do nhiều ĐH vẫn chưa đăng ký kiểm định với QS nên chất lượng đào tạo tuy rất tốt nhưng chưa có tên trong bảng xếp hạng.

Bảng xếp hạng A3 Ranking mới đây cũng xếp Việt Nam ở thứ 53/150 nước tham dự xếp hạng. Còn bảng xếp hạng Scimagor Country Ranking xếp Việt Nam ở hạng 60/239 quốc gia và vùng lãnh thổ (giai đoạn 1996-2017).

Scimagor Country Ranking và A3 Ranking thực hiện xếp hạng các quốc gia theo các chỉ số đầu ra của hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Nếu như bảng xếp hạng Scimagor căn cứ trên tổng số lượng công trình khoa học được trích dẫn, tổng số lượt trích dẫn, số lượt trích dẫn trung bình/công trình, hệ số ảnh hưởng (H-index) của các công trình khoa học của một quốc gia, thì A3 Ranking dựa trên tổng số công bố có trích dẫn và các giải thưởng quốc tế lớn mà các nhà khoa học của quốc gia đó có được (như Nobel, Field).

Công bố quốc tế những năm gần đây tăng vọt chính là một trong những trọng số quan trọng để các trường ĐH Việt Nam được nâng cao xếp hạng. Chỉ tính riêng công bố quốc tế của 30 trường ĐH hàng đầu Việt Nam, từ 2017 đến tháng 6-2018 đã đạt 10.515 bài, bằng cả giai đoạn 5 năm trước 2011-2015 công bố trên toàn quốc.

Để tiếp tục tăng thứ hạng, các chuyên gia cho rằng, trường ĐH cần chú trọng hơn đến công bố quốc tế; thu hút nhân tài, mời giảng viên nước ngoài đến trường thỉnh giảng, tham gia giảng dạy lâu dài. Bộ GD&ĐT cần xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu công bố quốc tế của các trường ĐH của Việt Nam, bao gồm các bài báo công bố quốc tế và các tác giả có bài báo công bố quốc tế.

Bao giờ bằng cấp được công nhận?

Dù được đánh giá là đã tiệm cận với giáo dục quốc tế, nhưng rõ ràng, cái chênh lệch nhất vẫn là sự quy đổi bằng cấp có giá trị quốc tế. Hầu hết các bằng ĐH trong nước không được quốc tế chấp nhận.

Tính đến ngày 31-8-2018, có 218 cơ sở giáo dục ĐH và 33 trường CĐ sư phạm hoàn thành tự đánh giá; 124 cơ sở giáo dục ĐH và 3 trường CĐ sư phạm được đánh giá ngoài, trong đó 117 cơ sở giáo dục ĐH và 3 trường CĐ sư phạm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 10 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng; 6 trường ĐH được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục ĐH Pháp (HCERES) và Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường ĐH ASEAN (AUN-QA); 107 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận.

Tuy nhiên, sự công nhận về bằng cấp nếu quy đổi giữa các nền giáo dục vẫn chưa có, trừ khi là những chương trình đào tạo song bằng. Các sinh viên đang học chương trình trong nước khi tìm kiếm học bổng và chọn chương trình học, thì quá trình học ĐH trong nước gần như không được “tính”.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức- Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, phân tích đối sánh kết quả xếp hạng cho thấy, chất lượng các công trình công bố (đánh giá qua số lượng trích dẫn) của ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP HCM về cơ bản so sánh được với các trường top đầu của quốc gia trong khu vực nhưng năng suất nghiên cứu của các trường ĐH top đầu Việt Nam vẫn thấp hơn so với các trường ĐH top đầu trong khu vực ASEAN. Nhìn chung, nước ta không chỉ có ít các trường ĐH nghiên cứu tốt mà mức độ nghiên cứu giữa các trường còn có sự khác biệt rất lớn. Kết quả xếp hạng các trường ĐH còn thấp.

Chưa kể, trong đào tạo ĐH, chương trình tiếng Anh cũng không có sự đồng nhất. Có trường chọn chương trình khung tham chiếu châu Âu, có trường chọn theo chuẩn quốc tế. Đa phần khi đi du học, hoặc xin tuyển dụng tại nhiều Cty quốc tế, chương trình, chứng chỉ tiếng Anh trong trường ĐH cũng không được chấp nhận. Chỉ có duy nhất IELTS và TOEIC – những chương trình đánh giá theo khung ngoại ngữ quốc tế được thừa nhận mà thôi.

Như vậy, về chương trình khung nói chung, về các thiết kế chương trình môn trong các trường ĐH Việt vẫn còn có nhiều sự chênh với quy chuẩn thế giới. Vì thế, thăng hạng là tín hiệu vui của đổi mới giáo dục ĐH. Nhưng việc thực hiện một khung chương trình giáo dục quốc gia, sao cho bằng cấp của giáo dục ĐH trong nước có thể tương đương với chương trình đào tạo quốc tế, được quốc tế chấp nhận mới thực sự là tiệm cận gần nhất của giáo dục ĐH trong nước với thế giới.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Pháp Luật Xã hội

Share.

Leave A Reply