Sinh viên mới ra trường bay nhảy khắp nơi, hay nên tìm 1 chỗ ổn định?

0

Sẵn sàng du học – Người trẻ thời đại này, đặc biệt là các bạn sinh viên ngày càng năng động và thích xê dịch, điều đó vô hình chung dẫn đến một trăn trở thời đại mới: nên mặc sức ngao du chuyển động cho thỏa nỗi lòng, hay nên dừng lại để nhìn nhận kỹ hơn vào thực tế?

Đời sinh viên có lẽ là quãng thời gian đầy ước mơ, hoài bão. Không ai đánh thuế những ước mơ cả, nên bạn có quyền mơ ước thật nhiều để cuộc sống tươi hồng hơn. Bảo các bạn ngừng mơ mộng, đừng đòi hỏi là đi ngược lại ước mơ của tuổi trẻ. Khi người ta còn trẻ, người ta được quyền ảo tưởng, sai lầm, bởi người ta có thể làm lại từ đầu. Nhưng nếu muốn ước mơ trở thành hiện thực là cả một vấn đề. Bởi những ước mơ xa vời, trái ngược với điều kiện cuộc sống hiện tại và khả năng thực tế của bạn thì đó chỉ là “mộng mơ”.

Mơ mộng và thực tế

Năm 1995, một nhân viên công sở ở Nhật Bản nghe theo tiếng gọi của vận mệnh mà từ chức, quyết định một người một xe đạp, lên đường ngao du khám phá vòng quanh Thế Giới.

Trong quãng hành trình của mình, bên cạnh may mắn có cơ hội gặp gỡ và kết giao với rất nhiều bạn đồng hành khác nhau, anh còn gặp phải vô vàn những khó khăn khiến người thanh niên trẻ tưởng chừng như phải bỏ cuộc giữa chừng. Đó là căn bệnh nan y với những lần phát bệnh bất ngờ; là tại Peru khi anh bị bọn cướp có vũ trang trấn lột sạch sẽ tài sản, bị chúng lột trần và trói lõa thể bên vệ đường; là lần gặp phải phần tử khủng bố và thoát chết trong đường tơ kẽ tóc; là vì để tiết kiệm tiền mà chấp nhận tắm sông tắm suối… Những điều vừa kể trên chẳng hề có chút "mơ mộng", mà nó chỉ có thể được giải thích bằng cụm từ "thực tế xã hội".

Yusuke Ishida, nhân viên công sở trong câu chuyện kể trên, sau 95.000 km vòng quanh Thế Giới trên yên xe đạp, đã trở về Nhật Bản và phát hành cuốn sách "Không đi sẽ chết", nhận được sự yêu thích nồng nhiệt từ người đọc. Trong vòng 3 năm, anh tham gia hơn 143 cuộc diễn thuyết lớn nhỏ để lan rộng nguồn cảm hứng của mình đi khắp nơi. Vừa được trải nghiệm vừa có danh tiếng, như vậy đã là đủ thành công với hoài bão tuổi trẻ "ôm mộng viễn du"?

Bìa cuốn sách "Không đi sẽ chết" của Yusuke Ishida

Bìa cuốn sách "Không đi sẽ chết" của Yusuke Ishida

Nhưng những người đã từng viết sách đều sẽ biết, những dòng chữ láu với cảm xúc tức thời và tinh nguyên được ghi chép rải rác trên hành trình, để được xuất bản thành sách thì cần phải trải qua rất nhiều công đoạn chỉnh sửa và hiệu đính, lúc này đây hành trình ấy đã bớt "mơ mộng" đi rất nhiều, những gì còn lại trở nên hiện thực một cách trần trụi.

Người ta tưởng rằng mơ mộng và thực tế là hai khái niệm không có điểm chung. Thực ra chúng có thể là những đường thẳng không cùng xuất phát điểm nhưng cuối cùng rồi chúng cũng sẽ có một điểm giao nhau bởi dù có mơ mộng đến mấy thì cũng không thể tránh khỏi thực tế và ngược lại.

Sống không hối tiếc là khi sống đúng với nội tâm

Không ai có thể thật sự định nghĩa một cách chính xác thế nào là sống "đúng", thế nhưng quả thật có một loại cuộc sống mang tên là "hối hận khi về già".

Trong "Cơ mật Tam Quốc" của Mã Thân Vương, có một đoạn đánh giá viết về Lã Bố như sau:

"Rốt cuộc là ông ta nên phụ Đổng Trác tiêu diệt Hán, hay là phò Vương Sung chấn hưng Hán, ông ta không biết;

Rốt cuộc là ông ta nên đoạt Duyễn Châu của Tào Tháo, hay là chiếm Từ Châu của Lưu Bị, ông ta cũng không biết;

Cuối cùng thì ông ta nên yên phận làm một danh tướng dưới tay huynh đệ Viên Thiệu, hay là thu phục Chương Dương, Chương Mạc để trở thành bá chủ, ông ta vẫn cứ là không biết.

Lã Bố đến Trung Nguyên mấy năm nay, trận thì đánh cũng không ít, thế nhưng lại chẳng có mục tiêu rõ ràng, cứ giành được cái gì thì giành thế thôi.

Ông ta đột nhiên là trung thần, thoắt cái là nghịch thần, bỗng nhiên là danh tướng, thình lình là quân phiệt.

Loại người thiếu thốn định kiến, không có cái dũng của kẻ thất phu, cũng chẳng có cái lương của người thương dân chúng, chả có nổi nửa điểm niềm tin với kế hoạch của chính mình, đây mới chính là loại người yếu đuối nhất!"

Không có niềm tin, cũng chẳng có kế hoạch, cứ vô tri vô giác như vậy giữa thế gian này, thì cuối cùng cũng chỉ biết ca khúc hát "giấc mơ thưở đầu chưa đạt được, thôi thì đành phải nhắm mắt xuôi tay".

Dũng khí tuổi trẻ thực chất chẳng thể hiện ở việc bạn chọn vế nào của câu hỏi mà chúng ta đang đặt ra.

ssdh-sinh-vien9

Dũng khí chân chính là dám thẳng thắn đối diện với nội tâm, biết mình muốn gì, không ngừng tìm kiếm và dám chạy theo nó, bất kể phải liều mạng tranh đấu, phải xa xứ biệt ly cũng là được; hay ngược lại hoàn toàn, mỗi ngày quây quần bên bố mẹ, an nhiên bình đạm qua ngày cũng là xong. Chí ít đó là cuộc sống mà bạn mong muốn!

Nghe qua thì tưởng như dễ dàng, thế nhưng đến lúc thật sự đưa ra sự chọn lựa, người ta lại có xu hướng chạy theo chuẩn mực cuộc sống của phần đông. Lấy ví dụ như việc chọn điện thoại, rõ ràng là bạn đã cân nhắc rất kỹ nhu cầu của bản thân nên mới chọn Nokia với hệ điều hành Window phone có phần khác biệt so với đa số, vậy mà khi thấy bạn đồng nghiệp sắm một chiếc Iphone đời mới, hay hàng xóm bên cạnh tậu một chiếc Huawei, bạn lại thấy lòng dạ bồn chồn.

Bởi vậy biết mình muốn gì, sống thật với nó, cho dù có khác biệt với quan niệm đám đông, cần phải có dũng khí rất lớn. Nhiều người không hiểu được đạo lý này, liên tục ngoái đầu ngoảnh lại, dằn vặt bản thân "giá như từ đầu mình chọn thế này", "ước gì hồi ấy mình làm thế kia" . Đối với họ, dù cho được sống lại với một cuộc đời khác, có lẽ nhân sinh vẫn cứ là tràn ngập nuối tiếc như cũ.

Trên con đường đi tìm bản ngã của chính mình, sẽ chẳng thể nào tránh khỏi những giây phút yếu đuối, sợ hãi và hoài nghi. Cho dù là bão táp phong ba hay là bình an yên ổn, chỉ chúc các bạn sống đúng với cuộc đời mà mình mong muốn!

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14

Share.

Leave A Reply