Sẵn sàng du học – Trả lời thắc mắc của các anh, chị, em muốn học Master of Education của Đại học Brock (St. Catharines, Ontario, Canada) nói riêng và của các trường đại học khắp Canada nói chung.
1. Không tốt nghiệp chuyên ngành về giáo dục, không hoặc chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực giáo dục nhưng có tham gia dạy tiếng Anh bán thời gian hoặc làm việc trong môi trường có liên quan đến giáo dục thì vẫn có thể nộp hồ sơ xin xét tuyển.
Khả năng được chấp nhận vào chương trình hay không tùy thuộc vào các yếu tố sau:
– Đáp ứng đủ yêu cầu ban đầu: Tốt nghiệp đại học chính quy (hệ 4 năm hoặc 3 năm) với điểm trung bình trên 75%; IELTS thấp nhất 6.5 (không có kỹ năng nào dưới 6.0) hoặc TOEFL IBT thấp nhất 80 (không có kỹ năng nào dưới 19); có kinh nghiệm làm việc liên quan (là lợi thế, chứ không bắt buộc)
– Có 2 người giới thiệu (references): càng uy tín càng tốt. Trường sẽ liên hệ với 2 người này qua email để xác nhận
– Viết bài tự giới thiệu: nêu rõ tâm tư, nguyện vọng, mục đích theo học chương trình (500 – 800 từ)
– Chuẩn bị CV/Resume chi tiết: tóm tắt quá trình học vấn và làm việc
– Có bằng cấp gì liên quan thì đính kèm cho đầy đủ và làm mạnh hồ sơ
– Lọt vòng xét tuyển thì đến vòng phỏng vấn với bộ phận tuyển sinh của trường qua Skype và phần viết trực tiếp về một chủ đề (chủ yếu là giải quyết tình huống liên quan đến giáo dục)
– Nếu chưa đủ điều kiện vào thẳng chương trình Master of Education (14 tháng = 4 học kì) thì có thể trường sẽ chấp nhận vào học khóa dự bị cao học (Masters Preparation Certificate in Education = MPCE) học 2 học kì trong 8 tháng
– Dù học dự bị hay chính khóa thì đây chỉ mới là giai đoạn xin được LOA (Thư chấp nhận = Letter of Acceptance) của trường. Có LOA xong, đóng tiền giữ chỗ (Deposit = 5,000 đô Canada) để làm thủ tục xin Visa. Còn Visa có được duyệt cấp hay không là do nhân viên lãnh sự Canada, không phải do trường cấp.
Xong khâu nào mừng khâu đó. Đừng tính chi xa.
2. Master of Education của Đại học Brock (dành cho sinh viên quốc tế = International Student Program = ISP)
Có 2 chuyên ngành:
– Administration and Leadership (Hành chánh và Quản lý Giáo dục, tạm hiểu vậy) dành cho những người muốn làm công tác hành chánh, quản lý, chính sách giáo dục.
– Teaching, Learning and Development (nói chung về lý thuyết giảng dạy, học tập) dành cho những người muốn tập trung về giảng dạy, đứng lớp.
Ai thích học ngành nào thì đăng ký học ngành đó ngay từ khi bắt đầu đăng ký hồ sơ xét tuyển và nên nêu rõ trong thư giới thiệu (Letter of Intent).
3. Học Master of Education ra có dễ xin việc ở Canada không?
– Đối với trường: Mục đích là đào tạo, còn xin được việc hay không, nhanh hay chậm sau khi tốt nghiệp,…là việc của sinh viên.
– Đối với sinh viên: Sinh viên quốc tế theo học chương trình với nhiều mục đích khác nhau (nâng cao kiến thức, trải nghiệm môi trường học tập ở Canada xong rồi về phục vụ đất nước, hoặc làm bước đệm định cư ở Canada,…) nhưng chủ yếu (dù không nói thẳng ra) là để tìm cách định cư. Tỉnh bang Ontario có chương trình định cư dành cho sinh viên quốc bậc cao học và tiến sĩ không cần chứng minh có công việc với điều kiện phải học tại một trong những trường được tỉnh bang chỉ định, phải hoàn tất chương trình theo quy định, phải nộp hồ sơ xin định cư trong vòng 2 năm kể từ ngày chính thức hoàn thành chương trình, và phải có ý định sống và làm việc tại Tỉnh bang Ontario. Đây là một lợi thế, xét vì số lượng dân nhập cư Canada ngày càng tăng nhanh, có thêm cửa nào để chui thì có thêm hy vọng.
– Sở hữu bằng Master of Education (không đủ điều kiện dạy học tại các trường công lập của tỉnh bang Ontario) không đảm bảo có việc làm. Có việc làm hay không, việc làm tốt hay không, làm ở đâu, cho ai,…tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm, mối quan hệ của từng người. Các ngành khác, bậc học khác, ở Canada hay ở Việt Nam, hay bất cứ đâu trên quả đất này cũng vậy thôi.
4. Sở hữu bằng Master hoặc Diploma (College) thì mức lương có chênh nhau nhiều không trong khi học phí của 2 bậc học khác nhau quá?
– Mức lương được trả tùy theo vị trí công việc, kinh nghiệm của người đi làm, năng lực trả lương của công ty, tổ chức. Nếu chưa có kinh nghiệm làm việc ở Canada thì xin việc còn không có, nói gì tới lương cao.
– Học phí cho từng bậc học chênh nhau là do chính phủ hoặc trường quy định dựa trên mức đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy,…chứ không phải do lương thấp lương cao khi sinh viên ra trường đi làm can thiệp. Có người học cao đẳng nghề mà làm tốt công việc, làm những việc có điều kiện khó khăn, ít người làm thì lương cao gấp mấy lần người có bằng cao học hay tiến sĩ.
Tạm tóm lại vậy:
– Làm cách mạng thời bình nói dễ mà vô cùng khó, phải chấp nhận hy sinh, phải đánh đổi nhiều thứ. Tự mình chọn cả thôi, chứ có ai bắt ép mình đâu. Con chim hót hay nhất khi nó lao vào bụi mận gai, đâm thủng tận tim mình không thấy sao? Ai chưa đọc “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” thì chắc không biết chi tiết này.
– Nếu trong nước mà kiếm sống đã khó thì ở nước ngoài, trừ vài trường hợp ngoại lệ, kiếm sống không dễ hơn, nhất là thời gian đầu (cứ cho là vài năm).
– Lộ trình đổi đời, sau này đổi quốc tịch (nếu muốn), là có nhưng không phải nhất nhất diễn ra theo kế hoạch. Vì vậy, chuẩn bị kỹ, qua bước nào mừng bước đó, nhưng phải bắt đầu thì mới có kết thúc, phải đi mới đến (hy vọng vậy).
Website: https://brocku.ca/education/
Chân thành cảm ơn Thầy Tôn Thất Hòa đã chia sẻ.
Thái Hải (SSDH) – Theo Nguồn Học Bổng