Sẵn sàng du học – Từ mùa khai trường 2019, Pháp sẽ tăng phí ghi danh (vẫn được gọi tắt là học phí) với sinh viên nước ngoài không thuộc Liên hiệp châu Âu. Quyết định được thủ tướng Edouard Philippe công bố ngày 19/11/2018 trong kế hoạch Choose France (Chọn nước Pháp) và đang gây chia rẽ trong giới sinh viên và các trường đại học. Một số người ủng hộ, một số khác chỉ trích kịch liệt.
Tăng học phí kèm cải thiện điều kiện tiếp đón
Để theo học chương trình đại học (ba năm), mức học phí tăng từ 170 euro lên thành 2.770 euro/năm. Tương tự, học phí đối với bậc thạc sĩ (hai năm) và tiến sĩ sẽ tăng từ 243 hoặc 380 euro lên thành 3.770 euro.
Theo giải thích của thủ tướng Edouard Philippe, mức học phí mới chỉ tương đương “1/3 kinh phí thật sự” mà Nhà nước Pháp đài thọ cho một năm học của mỗi sinh viên, và vẫn thấp hơn so với mức từ 8.000 – 13.000 euro ở Hà Lan hoặc vài chục nghìn bảng Anh ở Anh quốc.
Thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh rằng tăng học phí đối với du học sinh không thuộc Liên hiệp châu Âu giúp Pháp có thể cấp nhiều học bổng hơn cho sinh viên nước ngoài có hoàn cảnh khó khăn và học giỏi. Tuy nhiên, cùng với một số trường hợp được miễn giảm, khoảng “1/4 sinh viên nước ngoài có thể sẽ được miễn trừ hoặc được cấp học bổng”.
Cải thiện điều kiện tiếp đón sinh viên nước ngoài cũng nằm trong loạt biện pháp mới. Điểm thứ nhất là đơn giản hóa chính sách visa: Hồ sơ sinh viên sẽ được các lãnh sự Pháp ưu tiên xử lý, cổng điện tử France-Visas sẽ cải thiện việc truy cập thông tin về những giấy tờ cần nộp; việc thu thập hồ sơ sẽ thuận lợi hơn nhờ dịch vụ của các công ty đối tác bên ngoài.
Trong năm đầu tiên, sinh viên được cấp visa dài hạn, tương đương với thẻ cư trú để tránh phải đến làm thủ tục ở Cơ quan quản lý Nhập cư và Hội nhập Pháp (OFII), nơi nổi tiếng đông người và thời gian chờ rất lâu. Kể từ tháng 3/2019, sinh viên nước ngoài có bằng thạc sĩ ở Pháp và đã trở về nước, có thể được hưởng một thẻ cư trú trở lại Pháp và tìm việc làm.
Biện pháp thứ hai là tăng gấp đôi chương trình dạy tiếng Pháp, thông qua các lớp bồi dưỡng tăng cường tiếng Pháp trước và sau khi sinh viên nước ngoài đến Pháp, và tăng gấp đôi số sinh viên theo học đại học bằng tiếng Anh ở Pháp.
Hiện tại có 237 cơ sở dạy đại học mở chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, trong đó có 137 trường công lập, tập trung chủ yếu ở ba chuyên ngành: Kinh doanh/Quản trị; Kỹ sư/Công nghệ; Khoa học/Môi trường/Y tế.
Biện pháp khác là tạo danh hiệu Bienvenue en France (Chào mừng bạn đến Pháp) để cải thiện và đồng nhất chất lượng tiếp đón tại tất cả các trường đại học Pháp. Hiện có 70 trường đăng ký danh hiệu trên và nếu được nhận, các trường có thể được cấp một khoản tiền từ quỹ khởi động chương trình Bienvenue en France của chính phủ để giúp các trường đó đổi mới cách tiến hành nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Theo thống kê trong kế hoạch Choose France, Pháp là nước thu hút du học sinh nước ngoài nhiều thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Anh và Úc. Tuy nhiên, Pháp đang bị Đức và Nga ngấp nghé chiếm vị trí thứ tư, đồng thời cũng phải đối mặt với chính sách thu hút sinh viên nước ngoài của một số nước khác như Trung Quốc, Canada, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan.
Với kế hoạch Choose France, Pháp muốn đón 500.000 sinh viên nước ngoài vào năm 2027, thay vì 300.000 sinh viên mỗi năm như hiện nay. Số lượng sinh viên quốc tế là một yếu tố thể hiện “quyền lực mềm”, sức hấp dẫn của hệ thống giáo dục và chứng tỏ khả năng đạo tạo giới tinh hoa trong tương lai mà tất cả các “cường quốc” giáo dục đều hướng đến.
Chính sách gây tranh cãi
Giáo sư sử học Jean-François Klein, đại học Le Havre Normandie, giải thích: “Theo những gì tôi được biết, trường hợp ngoại lệ chỉ áp dụng cho sinh viên Canada và Thụy Sĩ với danh nghĩa là Cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie), nhưng đây lại là khối Pháp ngữ của những quốc gia giàu có. Và điều này đặt ra vấn đề thực sự.
Phần lớn các trường đại học và giảng viên kịch liệt phản đối biện pháp này. Ngay cả CP-CNU (Hội đồng Quốc gia các trường đại học) cũng lên tiếng phủ quyết, đồng thời giải thích rằng Hội nghị Chủ tịch trường đại học (Conférence des Présidents d’Université, CPU) từ chối quyết định mà họ cho là “chuyên chế” từ phía chính phủ, vì không có sự tham vấn về chủ đề này”.
Trong thông cáo ngày 10/12/2018, Hội nghị Chủ tịch trường đại học chính thức yêu cầu khẩn trương mở một cuộc tham vấn về việc tăng học phí “vì nước Pháp cần sinh viên quốc tế để đóng góp vào sự phát triển của đất nước và sự tỏa sáng của Pháp trên thế giới.
Vì Pháp phải cải thiện sức hấp dẫn quốc tế của mình, thu hút thêm nhiều sinh viên quốc tế hơn, kể cả việc đa dạng hóa các quốc tịch”. Vẫn theo thông cáo trên, quyết định tăng học phí của chính phủ “có nguy cơ làm giảm số lượng sinh viên và nghiên cứu sinh mà chúng ta đang đón nhận”.
Giáo sư Jean-François Klein đồng tình về điểm này: “Nói một cách rõ ràng hơn, tôi cho rằng, khi trao đổi với nhiều đồng nghiệp, biện pháp này nhắm chủ yếu đến sinh viên Trung Quốc, vì người ta nhận thấy rằng ở Trung Quốc, nếu một tấm bằng không đắt thì sẽ không có giá trị lắm. Và tôi nghĩ, đây là một cơ hội để Nhà nước tìm cách thu tiền nhiều hơn, nhưng với chúng tôi, biện pháp này lại sập cửa với cả thế giới.
Đây không phải là tin tốt đẹp gì, vì sinh viên ở các nước ít phát triển hơn sẽ tự hỏi liệu có cần đến Pháp du học hay không. Phải nói rõ là biện pháp của chính phủ Pháp là một tai họa đối với cộng đồng Pháp ngữ và các nước mà Pháp thường liên kết.
Trong tương lai, việc này sẽ tác động đến ngành nghiên cứu của Pháp, vì như trường hợp trường đại học Le Havre, một trường đại học nhỏ với 9.500 sinh viên, thì 10% sinh viên học thạc sĩ và tiến sĩ của trường là sinh viên nước ngoài, và chủ yếu là từ các nước Pháp ngữ, như ba nước Bắc Phi (Tunisia, Algeri, Maroc), châu Phi phía nam sa mạc Sahara và châu Á”.
Với một số nghiệp đoàn sinh viên (FAGE, UNEF), quyết định tăng học phí đối với sinh viên không thuộc Liên hiệp châu Âu là “điều không chấp nhận được”. Họ kiên quyết bảo vệ tính phổ quát của nền giáo dục Pháp, cho tất cả mọi người, dù mang quốc tịch nào.
Giải thích về việc tăng học phí, thủ tướng Edouard Philippe nhấn mạnh: “Nghịch lý ở chỗ, chính chi phí học tập ở Pháp thấp khiến nhiều sinh viên nước ngoài nghi ngờ về chất lượng đào tạo của Pháp”.
Nhưng tăng học phí sẽ khiến nhiều sinh viên nước ngoài cân nhắc liệu có cần phải đến Pháp học tập hay không, như giải thích của giáo sư Jean-François Klein: “Dĩ nhiên, chính sách này được cho là thu hút sinh viên, nhưng cũng đến lúc phải khôn ngoan một chút.
Nếu như họ có khả năng trả học phí ở MIT (Massachusettes Institute of Technology, Viện Công nghệ Massachusettes) hoặc đại học Thượng Hải hoặc Singapore, thì họ không hẳn đã chọn học thạc sĩ ở Pháp, dù Pháp có nhiều bằng thạc sĩ rất tốt, chương trình đào tạo chất lượng cao và nhiều sinh viên giỏi.
Đào tạo những người đến từ các nước phía nam (so với Pháp, nhằm nói đến các nước đang phát triển), là việc rất quan trọng đối với cộng đồng Pháp ngữ. Cũng phải nói chính khối Pháp ngữ đã giúp nước Pháp tỏa sáng ra khắp thế giới. Việc này rất cần thiết. Và đằng sau đó còn có cả một thị trường. Về mặt kinh tế, tôi nghĩ là chúng ta đang tự bắn vào chân mình”.
Pháp trở thành điểm hấp dẫn du học sinh quốc tế thứ tư trên thế giới trong năm 2017 sau Mỹ, Úc và Anh, ba nước sử dụng Anh ngữ vẫn thu hút đông đảo sinh viên châu Á. Theo kết quả nghiên cứu của Campus France/Sofres, 93% sinh viên nước ngoài hài lòng về thời gian lưu học tại Pháp, 92% sẵn sàng giới thiệu nước Pháp với bạn bè.
Đây là một trong những thành quả đầu tiên trong suốt 5 năm nỗ lực cải thiện chất lượng đón tiếp và quảng bá với 10 lợi thế của ngành giáo dục – đào tạo Pháp. Trong đó phải kể đến các chương trình đào tạo được Nhà nước tài trợ học phí, hệ thống 3.500 trường đại học công và tư trên khắp đất nước, điều kiện sống thoải mái giữa lòng châu Âu, cường quốc kinh tế thứ 5 thế giới, môi trường thuận lợi cho sáng chế và cho các chủ doanh nghiệp trẻ…
Trước khi có chính sách tăng học phí, ông Olivier Chiche-Portiche, giám đốc điều phối địa lý của Campus France, giải thích: “Có 83% trong số gần 15.000 sinh viên nước ngoài được Sofres phỏng vấn, đề cao chất lượng đào tạo đại học tại Pháp và sự đa dạng về lựa chọn ngành học, kể cả một số ngành học bằng tiếng Anh. Học bằng tiếng Anh tại Pháp nghe có vẻ lạ, nhưng đúng là ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong đào tạo đại học ở Pháp. Tôi nghĩ rằng chất lượng và môi trường tiếng Pháp là hai yếu tố giúp nước Pháp trở thành một lựa chọn khác biệt”.
Trong quá khứ, lý do gì đã giúp Pháp thu hút ngày càng đông đảo sinh viên nước ngoài? Trước hết phải kể đến các khoản phí mà sinh viên phải nộp hàng năm, không thấm tháp vào đâu so với các nước dùng Anh ngữ, nhờ chính phủ tài trợ phần lớn chi phí thực sự dành cho đại học là 14.000 euro mỗi năm cho mỗi sinh viên.
Ngoài hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế, trợ cấp nhà ở, mỗi sinh viên, không phân biệt Pháp hay nước ngoài, còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như miễn phí tham quan bảo tàng, giảm một nửa giá vé xem kịch, xem phim, giảm một nửa vé tàu xe công cộng…
Hài lòng về chất lượng đào tạo, chi phí học tập và cách đón tiếp nhưng sinh viên nước ngoài vẫn gặp một số khó khăn trong chi phí sinh hoạt hàng ngày, theo kết quả điều tra của Sofres: 39% cho rằng chi phí sinh hoạt quá đắt, 44% cho rằng tiền thuê nhà ở mức cao, đặc biệt tại Paris.
Trong những năm gần đây, Pháp nỗ lực quảng bá lợi thế và chất lượng đào tạo đại học. Khoảng 220 văn phòng Campus France trên khắp thế giới đóng vai trò cầu nối và thông tin giữa tân du học sinh quốc tế.
Ngoài ra, để giữ liên lạc với khoảng 100.000 sinh viên quốc tế hàng năm tốt nghiệp hệ thống đại học Pháp, Campus France đã thành lập “France Alumni”, cổng thông tin điện tử giúp các cựu sinh viên kết nối và chia sẻ dự án với nhau, cũng như giúp nước Pháp xích lại gần với cuộc sống và sự nghiệp của họ.
Khoảng 67% cựu du học sinh nước ngoài, sau khi học xong tại Pháp, tìm được việc làm ở một nước khác vẫn giữ quan hệ với nước Pháp.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Pháp Luật