Sẵn sàng du học – Việc thức đêm muộn là điều không có có lợi cho sức khỏe, nhưng nhiều du học sinh do jet lag hoặc do các bạn muốn thức đêm để hoàn thành công việc, thì cũng kinh nghiệm sau sẽ giúp các bạn được phần nào vừa có thể thức đêm vừa đảm bảo sức khỏe chiến đấu với luận văn nhé!
Mẹo để “chiến đấu” khi thức đêm?
Hãy coi thức đêm như bất kì hoạt động thử thách thể lực nào: bạn phải bảo đảm bạn có đủ năng lượng và chuẩn bị sẵn sàng trước khi bắt đầu. Khi bạn dự đoán mình sẽ phải thức đêm, hãy thực hiện những mẹo sau:
1. Chợp mắt hoặc ngủ trưa
Thời gian ngủ trước đó của bạn càng nhiều, cơ thể bạn sẽ càng ít bị tổn hại khi mất ngủ. Nên chợp mắt trước khi bạn thức đêm hơn là ngủ khi cảm thấy mệt mỏi. Khoảng thời gian chợp mắt tốt nhất thường là 10 – 20 phút. Tuy nhiên, cho những công việc đòi hỏi khả năng ghi nhớ, ngủ 60 phút sẽ giúp bạn ghi nhớ thông tin tốt hơn. Thêm vào đó, nhiều nhà khoa học cũng khuyên rằng bạn nên chợp mắt trong tư thế ngồi nghiêng hoặc thẳng thay vì nằm để ngăn bản thân rơi vào giấc ngủ sâu.
Thời gian ngủ trong ngày cũng vô cùng quan trọng đối với tác dụng của việc ngủ trưa. Nếu bạn là người thường đi ngủ sớm và dậy sớm, nên ngủ trưa vào lúc 1 – 1:30pm. Nếu bạn là “cú đêm”, nên ngủ trưa vào lúc 2:30 – 3pm.
Ăn nhiều đạm, giảm tinh bột
Cơ thể bạn cần nhiều năng lượng để có thể làm việc xuyên đêm, đặc biệt là đối với những công việc đòi hỏi chất xám như viết luận văn hoặc ôn thi. Do đó, mua cho mình chút gì đó để ăn trong đêm. Tuy nhiên, thay vì ăn nhiều tinh bột như bánh snack khoai tây, pizza, bánh mì hay cơm, nên chỉ ăn thực phẩm giàu đạm như snack bar, khô bò, sữa chua, v.v.
Lý do bởi vì khi ăn nhiều tinh bột, cơ thể bạn sẽ tiết ra một loại hóc môn là serotonin, khiến bạn buồn ngủ. Cơ thể con người chỉ có thể đốt năng lượng dự trữ từ tinh bột thông qua các hoạt động thể lực. Đạm sẽ giúp bạn nhiều hơn khi thức khuya làm việc.
Tiêu thụ caffeine, nhưng trước đó phải kiêng caffeine
Caffeine là thứ không thể thiếu khi bạn thức đêm. Thêm vào đó, tuy không phải là lựa chọn tốt cho sức khoẻ nhất, nhưng nước tăng lực cũng khá hiệu quả trong việc giúp bạn thức và tăng độ tập trung (mặc dù hiệu quả này không kéo dài và sẽ gây tai hại sau đó). Tuy nhiên, bạn nên kiêng caffeine trong vài ngày trước đó.
Cơ thể của bạn thay đổi để thích ứng với nồng độ caffeine mà bạn tiêu thụ mỗi ngày. Vì vậy nếu như bạn liên tục uống cafe trong một tuần, tác dụng của cafe sẽ không còn mạnh khi bạn cần nó để thức khuya nữa.
Tập thể dục
Ích lợi của việc tập thể dục đối với não bộ và hiệu suất công việc là không thể bàn cãi. Một buổi tập work-out 20 phút sẽ làm tăng khả năng hấp thu kiến thức và cải thiện khả năng sáng tạo. Tuy nhiên, đừng làm kiệt sức bản thân với những bài tập nặng. Đi bộ, hít đất, hoặc tập một vài động tác thể dục, bất cứ hoạt động nào giúp máu lưu thông đều sẽ có lợi cho não bộ của bạn.
Để cơ thể nghỉ ngơi và hồi sức
Sau khi bạn đã thức xuyên đêm và hoàn thành công việc của mình, hãy để cơ thể nghỉ ngơi và thích nghi lại theo giờ giấc bình thường. Đừng nên ngủ ngay sau khi hoàn tất công việc, hãy hoạt động theo giờ giấc bình thường trong một ngày, và đi ngủ đúng theo thói quen của mình. Đừng đi ngủ quá sớm so với giờ bình thường, và bảo đảm rằng giấc ngủ sau đó của bạn phải đủ và sâu.
Một điều cực kì quan trọng để cơ thể hồi sức sau khi thức xuyên đêm là ngưng tiếp tục thức đêm hết sức có thể. Sinh viên nói chung thường phải thức nhiều đêm liên tiếp và tăng “đô” caffeine để xử lý bài vở của mình. Nhưng điều này sẽ giết chết hiệu suất làm việc của bạn, vậy nên hãy sắp xếp công việc và nghỉ hơi hợp lý nhất có thể nhé!
Khánh Ngọc (SSDH)