Sẵn sàng du học – Ngoài 20 tuổi, cô gái Hà Trần lang thang trên khắp chuyến tàu đêm Ấn Độ để tìm hiểu mảnh đất linh thiêng, đồng thời khám phá giới hạn bản thân.
Một 9X tới Ấn Độ theo chương trình Nhân tài toàn cầu (Global Talent) của tổ chức AIESEC – tổ chức Quốc tế của Sinh viên ngành Khoa học Kinh tế và Thương mại. Sau khóa thực tập, cô về nước, nhưng sau những biến cố, cô quyết định quay lại vùng đất Ấn Độ. Mối duyên của Hasu Tran (Hà Trần) với Ấn Độ được cô ghi lại trong Mumbai và những chuyến tàu đêm – nhật ký hành trình được thực hiện trong ba năm.
Cuốn sách chia làm hai phần, ở phần I – Nhật ký Mumbai – xoay quanh cuộc sống của cô gái 22 tuổi khi mới đặt chân đến Mumbai từ năm 2015. Lần đầu đặt chân đến Ấn Độ, cô gái trẻ không tránh khỏi những khó khăn, vấp váp, đối diện những “cú shock” văn hóa, phải học cách làm quen với thời tiết, môi trường, điều kiện sống, ẩm thực, văn hóa, con người và cả những rung động…
Cuộc sống của một “công dân toàn cầu” phần nào được hé lộ trong cuốn sách. Đó không phải là giấc mơ màu hồng mà thực sự là những thử thách khắc nghiệt khi phải dời xa gia đình, quê hương đến vùng đất mới.
Ở đó, cô nhận ra, tại “thành phố không bao giờ ngủ” và phát triển nhanh như Mumbai, sự đối lập vẫn song song tồn tại, những khu nhà cao cấp, đắt đỏ nằm sát bên những khu ổ chuột tồi tàn, cùng với đó là các vấn đề “nóng” về môi trường, dân số, giao thông hay sự phân biệt xã hội sâu sắc… đòi hỏi khả năng thích ứng cao.
Sau tất cả, cô gái trẻ đã chọn hiểu để yêu và gắn bó với vùng đất này. Chính tình yêu thương, sự giúp đỡ của những người bạn, người đồng nghiệp và gia đình cô may mắn gặp gỡ, đã giúp Hasu Tran vượt qua khó khăn, dần vững vàng và trưởng thành.
Phần II cuốn sách – Cô gái trên những chuyến tàu đêm xứ Ấn – kể về việc Hasu Tran một mình vác ba lô đến khắp các vùng miền trên xứ Ấn năm 2017. Trên những chuyến tàu xuyên màn đêm, với những hành trình không lên kế hoạch trước, cô gái trẻ đã rong ruổi khắp những nẻo đường xứ Ấn, đi để tìm lại chính mình.
“Tôi thà làm cánh chim hoang dã nhưng tự do còn hơn một con sơn ca bị nhốt trong lồng gỗ quý. Tôi thà sống một kiếp người phiêu bạc nhưng hạnh phúc còn hơn sống đời ở một chỗ bám rong rêu”, Hasu Tran nói.
Trên hành trình này, cô gái trẻ đã đi hàng nghìn cây số từ Bắc Ấn đến Nam Ấn, qua hơn 15 thành phố, tới những khu rừng rộng lớn, những vùng biển sâu và cả sa mạc khô cằn, đặt chân đến dãy Himalaya hùng vĩ, dòng sông Hằng linh thiêng ngàn đời, thăm những đền đài, di tích một thời vang bóng, hòa mình vào những lễ hội cổ xưa…
Nhưng trên hết, đó là hành trình khám phá giới hạn bản thân, giúp Hasu Tran tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi cô luôn trăn trở về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.
“Tuổi trẻ ai cũng từng một lần đi lạc”, Hasu Tran tâm sự. Khi đối diện với những thất bại đầu đời và trong những phút giây “lạc lối” ấy, cô đã chọn lên đường, rời khỏi vùng an toàn của mình, dấn thân vào những hành trình không định trước, để rồi đón nhận những cơ duyên mà cuộc đời trao tặng.
Hơn cả cuốn nhật ký hành trình, Mumbai và những chuyến tàu đêm đã khắc họa bức tranh sống động vể một Ấn Độ mang vẻ đẹp huyền bí, vừa cổ xưa, vừa hiện đại, tràn ngập sức sống. Những trang nhật ký được ghi lại trên những chuyến tàu của tuổi trẻ như muốn nói với chúng ta rằng, ai rồi cũng sẽ tìm thấy chính mình, dẫu là trên đường dài vạn dặm.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing