Sẵn sàng du học – Chris Bailey là tác giả của nhiều cuốn sách về năng suất nổi tiếng, mới nhất là cuốn Hyperfocus: How To Be More Productive In A World Of Distraction xuất bản năm 2018. Trong bài viết này, Chris Bailey giải thích ý tưởng vì sao sự lười biếng có thể là chìa khóa quyết định, giúp bạn hoàn thành công việc.
Tôi là một người lười biếng. Điều này chắc sẽ khiến nhiều người lấy làm ngạc nhiên, nhất là khi tôi kiếm sống bằng việc viết sách về năng suất lao động. Chẳng hạn, sở thích của tôi trong ngày nghỉ là nằm dài trên sofa, mở Netflix xem phim tài liệu và đọc sách. Mặc kệ mấy chuyến phiêu lưu, khám phá gì đó. Còn nếu được nghỉ cả tuần ư? Tôi là kiểu người sẽ ở nhà và gặm pizza trừ bữa chứ chẳng thèm du lịch thế giới làm gì. Dù vậy, may mắn làm sao, sự lười biếng này chính xác là yếu tố giúp tôi sống năng suất hơn, và đó là thực tế đã được chứng minh bởi khoa học.
Sự lười biếng là một nghệ thuật sống bị lãng quên. Lười biếng tôi nói đến không phải việc lấp đầy từng giây phút bằng sự xao lãng vô nghĩa. Lười biếng ở đây là sự nhàn rỗi có chủ đích đàng hoàng, khi chính chúng ta chọn không làm gì cả.
Sống trong thế giới liên tục có quá nhiều yếu tố gây phân tâm, tâm trí con người hiếm khi được nghỉ ngơi. Ta dành thời gian rảnh rỗi nhảy qua nhảy lại giữa những thú vui gây xao lãng mới mẻ: kiểm tra email, đọc tin tức, lướt Facebook và còn nhiều việc khác – những hoạt động mà trên thực tế, còn khiến chúng ta trở nên mệt mỏi hơn.
Trong một thời điểm bất kỳ, sự chú ý của con người có thể ở một trong hai trạng thái: tập trung hoặc không tập trung. Khả năng tập trung luôn là tâm điểm của mọi bàn luận, vì nó là thứ giúp ta hoàn thành công việc, có những cuộc trò chuyện ý nghĩa với người khác và thúc đẩy cuộc đời mình tiến lên phía trước. Vậy mà hóa ra, các nghiên cứu cho thấy sự không tập trung cũng có sức mạnh to lớn không kém, chỉ là theo những cách hoàn toàn khác. Trong khi tập trung giúp chúng ta năng suất hơn, sự không tập trung lại giúp ta sáng tạo hơn.
Hãy nhớ lại những ý tưởng sáng tạo mới nhất của bạn. Khả năng cao là chúng không xuất hiện khi bạn đang tập trung làm một việc gì đó. Chúng xuất hiện khi bạn đang chẳng tập trung vào việc gì cả thì đúng hơn. Có thể đó là khi bạn vừa bước ra khỏi chục phút đắm mình dưới vòi hoa sen, khi bạn đang dạo bộ, thăm viện bảo tàng, đọc sách hay nằm thư giãn bên bãi biển với món cocktail mát lạnh. Hay khi bạn đang lười biếng nhâm nhi cà phê sáng, thì bùm, y hệt như tia sét, một ý tưởng xuất chúng giáng xuống đời bạn.
Có lý do giải thích vì sao bộ não chúng ta chọn thời điểm đó để kết nối những ý tưởng hỗn loạn. Khi sự chú ý của con người được nghỉ ngơi, như trong thời gian bạn nhàn rỗi và lười biếng chẳng hạn, tâm trí chúng ta lang thang đến những nơi chốn hết sức lý thú.
Nghiên cứu của Đại học California, Mỹ và Viện Khoa học Thần kinh và Nhận thức Max Planck, Đức công bố năm 2011 đã chứng minh điều này. Nghiên cứu lấy mẫu định kỳ suy nghĩ của người tham gia khi họ để cho tâm trí lang thang vô định. Những nơi suy nghĩ con người thường thơ thẩn lui tới bao gồm tương lai (48% thời gian), hiện tại (28% thời gian) và quá khứ (12% thời gian). Khoảng thời gian còn lại, tâm trí con người hầu như trống rỗng.
Tỷ lệ phần trăm chính xác không quan trọng lắm, chúng chỉ góp phần nhấn mạnh rằng việc để đầu óc nghỉ ngơi, suy nghĩ vu vơ thực chất không hoàn toàn vô ích như chúng ta vẫn tưởng. Tâm trí nhàn rỗi, lười biếng cho phép mỗi người làm 3 việc quan trọng dưới đây.
1. LƯỜI BIẾNG ĐỂ NGHỈ NGƠI
Khi sự tập trung, chú ý của ta nghỉ ngơi, chính ta cũng được nghỉ ngơi. Khi tâm trí thoải mái, lười biếng lang thang chỗ này chỗ kia – trạng thái tinh thần có chủ đích mà tôi gọi là “sự tập trung phân tán”, ta không cần phải kiểm soát sự chú ý của mình. Việc này đặt chúng ta vào trạng thái phục hồi năng lượng, giúp ta tập trung sâu hơn khi bắt đầu làm việc sau đó.
Để giúp quá trình phục hồi năng lượng đạt hiệu quả tối đa, bạn có thể làm những việc thú vị, cần ít nỗ lực và quen thuộc trong thời gian ngắn để sự tập trung nghỉ ngơi, như đầu tư cho một sở thích sáng tạo nào đó, chạy bộ mà không nghe nhạc, hay đi bộ ra cửa hàng mua cà phê mà không mang theo điện thoại gây xao lãng. Làm những công việc theo thói quen cũng đã được chứng minh giúp nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo hơn.
2. LƯỜI BIẾNG ĐỂ LÊN KẾ HOẠCH
Một nghiên cứu khác của Viện Max Planck cho thấy con người suy nghĩ về tương lai nhiều gấp 14 lần bình thường khi sức chú ý bị phân tán. Chúng ta cũng nghĩ đến các mục tiêu dài hạn của bản thân thường xuyên hơn bình thường gấp 7 lần khi ta cho phép tâm trí mình lười biếng, không phải tập trung.
Dĩ nhiên là việc thực hiện những mục tiêu này là một vấn đề hoàn toàn khác, nhưng lười biếng một cách có chiến lược sẽ thúc đẩy chúng ta đặt ra những dự định mới và nhìn nhận lại những mục tiêu sẵn có.
3. LƯỜI BIẾNG ĐỂ “KHAI QUẬT” Ý TƯỞNG
Tâm trí lười biếng thích lang thang vu vơ của con người kết nối cả ba “địa điểm”: quá khứ, hiện tại và tương lai. Trạng thái này cho phép chúng ta trải nghiệm khả năng sáng tạo vượt trội đáng kể so với khi tâm trí ở trạng thái tập trung. Ví dụ, bạn có thể nhớ lại một ý tưởng đọc được trong sách cách đây vài tuần và kết nối nó với biện pháp giải quyết một vấn đề công việc trong hiện tại.
Hãy nhớ, những ý tưởng khác thường, độc đáo và sâu sắc nhất sẽ nảy sinh khi chúng ta không chú ý.
Tóm lại, chiến lược cải thiện năng suất hiệu quả nhất là chiến lược mà cho mỗi phút ta đầu tư vào nó, ta lấy lại được khoảng thời gian đó và hơn thế nữa – hơn ở chỗ nó giúp chúng ta hoàn thành được nhiều việc hơn và lao động hiệu quả hơn. Tôi đặt sự lười biếng vào danh sách những chiến lược này. Trông như ta chẳng làm được mấy việc những khi nhàn rỗi, thảnh thơi, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại khi ta xem xét chúng ở khía cạnh tinh thần.
Bạn nên lười biếng thường xuyên hơn một chút. Cho dù bạn cần để trí óc mình nghỉ ngơi, cần phát sinh những ý tưởng sáng tạo sâu sắc hay cần lên kế hoạch tương lai, đôi lúc, cách tốt nhất để hoàn thành công việc là không làm gì cả.
Cá Domino (SSDH) – Theo elle