Sẵn sàng du học – Nhiều người nói tôi quá ôm đồm, tham lam… nhưng công việc vừa mang lại giá trị cho bản thân, gia tăng mối quan hệ ở lĩnh vực mới và mở rộng nguồn thu nhập, thì chẳng tội gì tôi từ chối.
1. Nghĩ ra 3 cách kiếm tiền ngoại trừ công việc hiện tại
Rất ít người nghĩ đến việc kiếm thêm bởi vì công việc hiện tại đủ trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn muốn tăng thu nhập, thì hãy ngừng ngay suy nghĩ "Tôi kiếm vậy đủ rồi" mà hãy bắt đầu với "Tôi có thể kiếm hơn thế". Thực tế ngoài xã hội có rất nhiều công việc làm thêm, chẳng hạn gia sư, freelance, tài xế taxi, dịch thuật, v.v… Sau khi đã nghĩ ra 3 ngành nghề làm thêm ngoài giờ, hãy chọn cho mình một công việc phù hợp.
Quan trọng là bạn có thật sự muốn đầu tư thời gian và công sức để kiếm thêm không?
Như tôi, ngoài công việc chính là một chuyên viên ngân hàng, thời gian rảnh tôi còn tham gia dịch thuật tiếng Trung cho một nhà xuất bản. Công việc này không mang lại quá nhiều tiền, nhưng phần nào thỏa đam mê viết lách, duy trì vốn tiếng Trung của tôi, và có thêm một khoản nhỏ dùng vào cà phê, tụ tập bạn bè, hoặc mua sắm những món đồ vụn vặt. (2 khoản thu khác, tôi sẽ tiết lộ ở phần sau).
Nhiều người nói tôi quá ôm đồm, tham lam… nhưng công việc vừa mang lại giá trị cho bản thân, gia tăng mối quan hệ ở lĩnh vực mới và kiếm thêm thu nhập, thì chẳng tội gì tôi từ chối.
2. Phát triển kỹ năng vào thời gian rảnh rỗi
Nâng cao kỹ năng, bổ sung kiến thức là một trong những cách thức cải thiện tài chính vì nó là nền tảng giúp bạn phát triển nghề nghiệp và thăng tiến trong công việc và ngoài xã hội. Bạn nên dành thêm thời gian để mở rộng kiến thức và kỹ năng mà công ty đang cần. Có nhiều cách để thực hiện việc này như là đọc sách, tham gia các khóa học, các buổi hội thảo, giao lưu…
Tôi là một người hướng nội điển hình, tôi thích đọc sách và có thể đọc sách cả ngày. Nhưng vì đặc thù công việc, tôi vẫn phải giao lưu, gặp gỡ đối tác, khách hàng. Thời gian đầu, tôi đã từng có ý nghĩ bỏ việc bởi kết nối với đám đông luôn khiến tôi căng thẳng, stress. Nhưng, nếu thế, tôi sẽ mãi mãi là con rùa rụt cổ. Tôi đăng kí các khóa học giao tiếp, học thêm các kỹ năng mềm vào các ngày cuối tuần… Và bạn có tin không, từ một người khép kín, giờ đây tôi đã có thể tự tin thuyết trình trước 3000 người trong những buổi họp quan trọng – việc mà trước đây tôi cứ nghĩ rằng có nằm mơ cũng không thể làm nổi.
Nhớ rằng bạn càng có khả năng thích ứng với công việc, bạn càng được trọng dụng và càng kiếm được nhiều hơn.
3. Thiết lập các mục tiêu tài chính
Nhiều người có suy nghĩ lập mục tiêu tài chính để thanh toán các khoản chi tiêu hàng tháng, các khoản vay nợ. Nhưng để làm giàu, bạn cần chặt chẽ hơn, lập mục tiêu rõ ràng với từng con số. Ví dụ: Năm nay tôi phải tiết kiệm được 120 triệu đồng. Như vậy mỗi tháng ngoài các chi phí thì tôi phải giữ lại được 10 triệu đồng.
Luôn luôn nghĩ "lớn", nguồn thu vào của bạn sẽ dồi dào. Đó là kinh nghiệm của tôi. Như hồi 27 tuổi, nghĩ tới việc đổi phương tiện đi lại từ 2 bánh lên 4 bánh, tôi đã chuẩn bị đầy đủ các bước chạy đà trước đó cho mục tiêu tài chính khá tốn kém này. Từ thời sinh viên tôi đã đi làm thêm, bạn có tin không, tốt nghiệp đại học, tôi tiết kiệm được 120 triệu đồng. Ra đời đi làm, ngoài làm chính là ngân hàng, với mức thu nhập không quá cao, tôi tranh thủ làm thêm bằng công việc dịch thuật, hùn vốn với bạn cùng kinh doanh quán ăn dành cho sinh viên; hùn vốn với bạn ở quê để nuôi và phân phối cá sạch cho một vài nhà hàng ở Hà Nội.
Tôi không phải giao dịch, hầu hết chỉ đứng sau lưng quân sư và góp vốn với bạn. Nhưng nhờ đầu óc nhanh nhạy, và may mắn, mô hình kinh doanh nào của chúng tôi cũng thuận lợi và phát triển. Đến năm 27 tuổi, tôi đã sở hữu được một chiếc xe 4 bánh hơn 800 triệu, dù không quá xịn xò nhưng đủ khiến tôi tự hào và giúp việc đi lại đỡ vất vả hơn rất nhiều.
4. Đặt thứ tự ưu tiên các khoản chi tiêu
Bạn rất muốn mua thứ này thứ kia trong khi vẫn còn các khoản nợ nần. Bạn cần xác định thứ tự ưu tiên. Có phải "con nợ" là gánh nặng đeo trên vai bạn không? Nếu món đồ kia chưa cần thiết thì bạn hãy ưu tiên việc trả dứt nợ.
Còn không phải thanh toán các khoản nợ, bạn cần cân nhắc xem món nào cần mua trước. Nếu tháng này đã vượt quá chỉ tiêu, thì bạn có thể để mua vào tháng sau.
Có một dạo, điện thoại iphone 7 của tôi bị hỏng, tôi cần phải đổi điện thoại để phục vụ cho công việc. Đa phần mọi người sẽ nghĩ tôi chuyển sang loại điện thoại đời mới nhất, nhưng không, tôi chỉ chọn một con đời cũ hơn. Cái mẽ bề ngoài không phải không quan trọng, nhưng nó không phải là tất cả, nhất là ưu tiên của tôi là dành tiền vào những mục đích khác. Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ khá lạ, sẵn sàng mua điện thoại trả góp, hoặc bỏ hẳn mấy triệu bạc cho một bữa ăn tối… trong khi vẫn ở trọ, kỹ năng yếu… Tôi tự hỏi sao các bạn ấy không tiết kiệm một chút, suy tính một chút xem nên ưu tiên mục tiêu nào trước khi vung tiền quá trán!
5. Theo dõi tiến độ chi tiêu hàng tháng
Một khi đã có kế hoạch mục tiêu, bước tiếp theo sẽ là quản lý dòng tiền của bạn. Việc tiêu xài hoang phí không nói lên bạn thuộc tầng lớp hay giai cấp nào. Cho dù bạn giàu có nhưng không tiết kiệm hay dùng tiền để tái đầu tư thì cũng có thể vỡ nợ.
Các chuyên gia tài chính phải lên kế hoạch dự toán lãi lỗ cho doanh nghiệp trong ngắn hạn, dài hạn. Vậy thì với cá nhân cũng thế, hãy lập bảng thu chi để dễ dàng cho bạn kiểm soát các khoản chi tiêu hàng tháng của mình.
Tôi dùng thẻ cho hầu hết mọi giao dịch mua bán, ngân hàng tháng nào cũng tính cho tôi xem mình đã chi tiêu hết bao nhiêu vào những danh mục nào. Thỉnh thoảng, tôi sẽ nhìn lại bảng ngân sách đó để xem mình đã lãng phí ra sao.
Ngân sách giúp tôi nhận ra rằng sau khi đã trừ đi những khoản cố định, số còn lại chẳng đáng là bao. Nó cũng giúp tôi lên kế hoạch tiết kiệm bao nhiêu phần trăm thu nhập.
Một suy nghĩ khá nguy hiểm mà bản thân tôi hay mắc phải là cho rằng mấy đồng bạc lẻ chả đáng là bao. Những mấy đồng bạc đó khi gộp lại sẽ có giá trị rất lớn. Một ngày bạn uống bớt một cốc cà phê đi sẽ tiết kiệm 15 – 20 nghìn đồng. Một tháng, bạn tiết kiệm 450 – 600 nghìn đồng. Một năm, sẽ là 5 – 7 triệu. Bạn có thể góp số tiền đó vào quỹ tiết kiệm, mua tặng bố mẹ một món đồ gia dụng ý nghĩa, hay làm một chuyến đi du lịch ở đâu đó với người yêu.
6. Xem "tiền" như một người bạn đồng hành
Tiền đem đến sự đảm bảo cho cuộc sống của chúng ta, nhưng tiền không phải là nạn nhân gây ra bế tắc trong cuộc sống của bạn. Nó hoàn toàn thuộc về sự chọn lựa của bạn đối với cuộc sống của mình. Đừng tự tạo cho mình những suy nghĩ tiêu cực về tiền mà hãy làm chủ nó bằng việc lên các hoạch định tài chính.
Cái này là tôi học được từ một người bạn người Anh của mình. Hồi gặp cậu ta ở đợt huấn luyện và đào tạo ngắn ngày, thấy cậu ta thường xuyên ghi chép các danh mục chi tiêu, tôi rỏ ra khá ngạc nhiên. Cậu bạn giải thích: Việc viết ra các vấn đề tài chính mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày giúp chúng ta kiểm soát chi tiêu tốt hơn. Cậu bạn ấy nói rằng, tiền chẳng có lỗi gì mà thù ghét nó hay phát cuồng vì nó, cứ bình tĩnh sống, bình tĩnh kiểm soát để đồng tiền phục vụ chúng ta một cách hiệu quả nhất. Nghe thật lý thuyết, nhưng nhìn cách cậu ta ghi chép và sử dụng đồng tiền, tôi phải thầm nể phục. Cậu ta nói không với những món đồ được gọi là xa xỉ. Xa xỉ theo định nghĩa của của cậu ta tức là không cần thiết, từ lon nước ngọt, điếu thuốc lá… Tiền chỉ thực sự là bạn đồng hành khi được sử đụng đúng mục đích của cậu ấy như mua sách, tài liệu tham khảo, hay tự thưởng cho mình một món quà nhân dịp thu hái được thành tựu nho nhỏ gì đó.
Nhiều người ôm giữ suy nghĩ rằng, giàu có là nhờ vào vận may nên không dành thời gian suy nghĩ các cách kiếm thêm tiền và suy nghĩ về việc làm thế nào để trở nên giàu có. Nhưng thông thường, những người giàu là những người biết tạo ra cơ hội và nắm bắt thời cơ để tạo ra giá trị tài sản cho mình. Mong rằng, các bạn sẽ là những người làm chủ tài chính, là những người thông thái trong việc quản lý chi tiêu của mình!
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14