Sẵn sàng du học – Nhiều gia đình cho rằng cho con đi du học sớm giúp con họ có thể thụ hưởng được những tinh hoa giáo dục ở xứ người nhưng không ngờ rằng cho con đi du học sớm cũng có nhiều chuyện cười ra nước mắt.
Con bị trầm cảm vì du học sớm
Nguyễn Hương Th. (trú tại Đống Đa, Hà Nội) sinh năm 1992 được cha mẹ cho đi du học từ lúc 16 tuổi. Th. vừa học xong cấp 2, cha mẹ cô đã chuẩn bị cho cô hành trang sang Mỹ học PTTH. Học hết lớp 10 ở Hà Nội, Th. mang theo hành trang sang Mỹ du học tại thành phố Omaha.
Sang Mỹ, Th. phải học lại lớp 10. Quãng thời gian cô học ở xứ người một mình khiến cô phải trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống. Những ngày cô đơn, kỳ nghỉ hầu như chỉ có mình Th.
Hai năm đầu, Th. luôn mong muốn có thể trở về Việt Nam. Nhớ bạn bè, nhớ gia đình, nhớ những món ăn mẹ nấu khiến Th. rơi vào trầm cảm. Dù cô học giỏi, nói tiếng Anh như người bản địa nhưng cô gái trẻ vẫn thèm được về Việt Nam.
Th. vừa gợi ý với ba mẹ về việc sẽ về Việt Nam học đại học, cô bị ba mẹ trách mắng. Mỗi năm, họ tích cóp gửi sang cho con gái khoảng 60 nghìn USD để cô chuyên tâm dành cho học hành.
Những năm đầu của tuổi trẻ, Th. kể, cô tràn ngập trong cô đơn và buồn tủi. Nghỉ hè năm đầu tiên, Th. về nước, bố mẹ cô thấy con gái gầy rộc, lúc nào cũng như thiếu đói, háu ăn vì Th. quá thèm các món ăn Việt.
Khi cô đơn, Th. chỉ còn biết làm bạn với game và cày phim. Nhưng bố mẹ của Th. vẫn một mực muốn cô sang Mỹ học tiếp thay vì thỏa ước muốn của con gái là được ở lại Việt Nam.
Mai Anh là một nữ sinh ở TP.HCM chia sẻ, cô vốn học giỏi và có thể tự tạo áp lực cho mình là phải luôn đạt điểm tốt ở trường mới. Khi du học phổ cập trung học, cái Mai Anh nhận được hoàn toàn khác với mong đợi của cô.
Môi trường học tập tại Mỹ đòi hỏi phải sáng tạo, tư duy chứ không chỉ cần học thêm và học thuộc nhiều như ở Việt Nam. Không đạt được kết quả như ý, Mai Anh buồn chán, buông xuôi và cuối cùng được gia đình đưa về nước.
Chưa đủ lông cánh đã bị đẩy ra ngoài đời
Đây là quan niệm của anh Nguyễn Văn Hải trú tại Long Biên, Hà Nội. Anh Hải kể các cháu của anh đi du học rất nhiều và có cháu đi du học từ cấp 2. "Tị nạn giáo dục" có lẽ là con đường nhiều gia đình vạch ra cho con em mình và đa số đều nhận được cái kết đắng.
Anh Hải cho biết, anh cũng có ý cho con đi du học nhưng anh sẽ để các con tự trưởng thành và trải nghiệm sau đó các cháu mới đi chứ không kiểu cho con "ra ràng" sớm như nhiều gia đình đang làm hiện nay.
Cháu anh Hải, được bố mẹ cho đi du học Úc từ năm lớp 8. Sau 1 năm, bố mẹ phải sang đón con về vội bởi vì cháu bị trầm cảm. Những ngày đầu sang Úc du học, bạn mới, môi trường mới cháu thích và hăm hở gọi điện về khoe với bố mẹ. Những cuộc điện thoại thưa dần, những lần cháu khoe về trường mới không còn nữa. Dần dần, cháu chỉ gọi điện nói vài câu là tắt máy. Bố mẹ gọi video cháu cũng không nghe máy.
Sốt ruột khi để con ở xứ người, bố mẹ cháu mua vé máy bay sang thăm con và họ đã không nhận ra con mình chỉ sau 14 tháng không gặp. Cháu gầy xọp, đôi mắt trũng sâu, mặt mọc mụn, da sạm và tinh thần lúc nào cũng mệt mỏi.
Suốt năm qua, cháu không hợp đồ ăn và nhà chủ. Cháu tự thu mình chơi game nên nghiện game lúc nào cũng không hay. Quan điểm của anh Hải là khi các con chưa đủ trưởng thành thì không nên đẩy các cháu ra ngoài sớm vì nhiều yếu tố ảnh hưởng của các cháu. Có cháu đi du học sớm thì thành công nhưng cũng có cháu nhận trái đắng. Hơn nữa, chi phí du học sớm rất đắt đỏ mỗi năm khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Thái Hải (SSDH) – Theo VOV