Sẵn sàng du học – "Kẻ nhu nhược" của Chu Sơn Pha được giới phê bình Trung Quốc đánh giá là đã xây dựng nên một hình tượng “thằng nhu nhược” điển hình trong lịch sử văn học của nước này.
Tác phẩm lấy bối cảnh một thị trấn mang tên Thượng Tân nhỏ bé, tính chỗ rộng nhất chạy từ cực đông sang cực tây cũng chỉ ba cây số, nơi những con người tứ xứ đổ về làm ăn buôn bán. Ở đó, con người giao lưu với nhau bằng những đồng tiền trong khi các lực lượng đang chống lại nhau, điển hình là Lý Tông Nhân và Trần Quýnh Minh.
Hành trình luyện gan của “kẻ nhu nhược”
Nhân vật chính trong chuyện là Mã Đán, con trai của Mã Cạo Đầu – một ông chủ của ba cửa hàng gạo giàu có giữa thị trấn. Mã Đán được người trong trấn đánh giá là kẻ sinh ra để chạy.
Mở đầu câu chuyện là hành trình chạy đua giữa Mã Đán và con chó của Hồng Xung – nhân vật khét tiếng ở trấn Thượng Tân là hung hãn, ai ai cũng phải sợ. Mã Đán chạy rất khỏe. Tự tin với điều ấy nên anh đã quyết định “thử sức” với con chó. Anh trêu để nó đuổi theo mình. Cho đến cuối cùng, Mã Đán chỉ khát nước vì bị gió lùa khô cổ, còn con chó thì lăn ra chết vì bị kiệt sức.
Mâu thuẫn giữa nhà họ Mã với Hồng Xung bắt đầu. Người đàn bà Hồng Xung cướp về, Khang Khu, lại là người con gái Mã Đán thích. Nghe những lời khích bác, cùng ý nghĩ muốn thay đổi hình ảnh của bản thân, không cam chịu để ai đó khinh rẻ mình, anh đã quyết định “luyện gan” bằng cách đi gây sự với mọi người.
Người ta bảo, muốn làm kẻ mạnh thì phải đi đánh bại những kẻ yếu hơn mình. Mã Đán nghe theo rồi đi tuyên chiến với một kẻ ăn mày. Nhưng kẻ ăn mày lại bảo, ít nhất phải đánh được kẻ mạnh như Hồng Xung, và thế là Mã Đán lại tìm đến Hồng Xung giữa lúc hắn đang ngủ với Khang Khu.
Mã Đán đẩy gia đình vào bế tắc, khi cả ba cửa hàng gạo nhà họ Mã đều bị mất vì Khang Khu mắc bệnh ăn quá nhiều. Hơn thế, anh còn bị nhà gái hủy hôn vì sự nhu nhược của mình.
Việc một kẻ ăn nhiều, lại từng ăn ở với Hồng Xung, bị bố mẹ đuổi ra khỏi nhà về ở với một kẻ nhu nhược là Mã Đán đã trở thành trò cười cho bàn dân thiên hạ. Hai người được coi là vô dụng nhất trong trấn sẽ làm gì khi chẳng có gì trong tay, phải sống cảnh nghèo khó? Cha của Mã Đán là Mã Đạo Đầu sẽ phải làm thế nào để mưu sinh?
Có thể nói, Mã Đán là kẻ sống một đời loanh quanh, bởi những nhận xét của kẻ khác mà không cần biết đâu là đúng, đâu là sai. Cuối cùng, câu hỏi “kẻ nhu nhược thì sống lâu” hay “kẻ không sợ chết mới có thể sống”, câu nào mới đúng, câu nào mới đáng theo? Hay câu của lão Phùng “đôi khi nhu nhược lại là cái phúc” đúng?
Cuốn sách như một cuộc đong đếm giữa bài toán về nhân cách của một con người và câu chuyện đấu tranh sinh tồn.
Sau những câu chuyện hài hước, giá trị đích thực trong cuộc sống là gì?
Có lẽ, Mã Đán sẽ mãi quanh quẩn trong hành trình “luyện gan” của mình nếu quân đội của Lý Tông Nhân và Trần Quýnh Minh không tràn vào thị trấn.
Mã Đán nhanh chóng quên đi những câu hỏi ngốc nghếch mà người ta cứ nhét vào đầu mình. Anh bận bịu với những nhiệm vụ mới giữa nơi chiến trường phức tạp và hiểm nguy cùng nỗi lo lắng cho người vợ Khang Khu ở nhà.
Trong khi ấy, những con người khôn ngoan, lọc lõi lộ dần bản chất. Người ta nhìn thấy cái lợi trước mắt rồi sinh lòng tham lam. Con người đã biết lợi dụng lòng tham vô độ để ép buộc nhau làm những điều bất chính.
Trong đêm khuya, Hồng Xung gửi mật thư yêu cầu Mã Đán giết Lý Tông Nhân. Chính điều ấy đã khiến cuộc sống của gia đình Mã Đán càng thêm luẩn quẩn.
Dõi theo câu chuyện của nhân vật Mã Đán, để đến cuối cùng, người ta mới nhận ra rằng, nhu nhược hay bản lĩnh vốn không quan trọng. Gan to hay gan bé càng không phải là mục tiêu sống. Sống lâu hay đoản mệnh cũng không phải đích đến. Quan trọng hơn cả là sự có mặt của mỗi người trong cuộc sống này có ý nghĩa gì?
Thực chất, giá trị của cuộc sống không nằm ở vỏ bề ngoài mà nằm ở cốt cách của bản thân, những tri kiến có được.
Hóa ra, nhu nhược không phải là một căn bệnh quá kinh khủng, nguy hiểm và đáng sợ. Mà đáng sợ và nguy hiểm hơn hẳn chính là căn bệnh vô cảm, bệnh “a dua”. Hóa ra, nghèo cũng không có gì quá đáng sợ mà đáng sợ hơn cả là lòng người, một xã hội lãnh đạm vô tình.
Sự hiền lành thật thà, tấm chân tình sẽ là liều thuốc bổ hữu hiệu để cảm hoá con người, để biến thù thành bạn. Trước những vấp ngã, chỉ cần có lòng tin và bước tiếp sẽ giúp con người vực dậy khỏi mọi đau thương.
Với giọng văn thâm trầm pha chút trào phúng cùng cách cài cắm những chi tiết đắt giá, tài năng xây dựng hình tượng nhân vật, nhà văn Chu Sơn Pha đã thêm vào dòng chảy văn học Trung Quốc đương đại những thân phận nhỏ bé khác, đáng thương trước những biến động lịch sử.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing