Sẵn sàng du học – Để mối quan hệ giữa sinh viên – giảng viên được tốt hơn thì sinh viên hãy lưu ý những điều sau đây!
1. Không có mặt tại các buổi lên lớp lý thuyết hay thảo luận
Một số học phần sẽ có yêu cầu về điểm chuyên cần để quyết định bạn quay môn hay không. Hãy chắc chắn về các chính sách này trước khi quá muộn! Kể cả khi không có yêu cầu về số buổi đi học, bạn cũng nên đặt ra nguyên tắc riêng cho bản thân bởi việc tham dự các buổi giảng lý thuyết hay thảo luận sẽ thực sự giúp đỡ bạn rất nhiều trong việc nắm vững kiến thức. Bên cạnh đó, giảng viên sẽ nhận thấy sự thiếu cố gắng của bạn đối với việc học tập.
2. Đi học với tâm lý “chỉ cần qua”
Những sinh viên như thế sẽ luôn bị các giảng viên để ý. Những người này chỉ quan tâm đến việc nhận được tấm bằng tốt nghiệp chứ không đoái hoài gì đến kiến thức đằng sau đó. Hình ảnh một sinh viên như vậy thực sự kiến bạn trở thành gánh nặng của nhóm hoặc đơn giản là đại học cuối cùng cũng chẳng đem đến được gì nhiều cho bạn so với số tiền mà bạn hoặc cha mẹ bạn phải bỏ ra.
3. Không tập trung
Đến lớp thôi không bao giờ là đủ. Bạn phải thực sự tham gia vào việc học tập trên lớp. Có những sinh viên thường chỉ xuất hiện về mặt “thể xác” ở trên lớp còn tinh thần họ thì thực ra lại ở đâu đó xa xôi; bằng việc ngủ hoặc nghịch điện thoại hoặc đơn giản là mơ màng. Điều đó là vô cùng thiếu tôn trọng đối với giảng viên và cho thấy sự thực là bạn đang lãng phí cơ hội học tập của mình. Hãy chắc rằng bạn đã thực sự nghỉ ngơi đúng giờ và tập trung cao độ cho những giờ lên lớp hiệu quả!
4. Không thực sự “học”
Một cách để khiến giảng viên biết bạn đang thực sự quan tâm đến điều mà họ đang cố gắng truyền đạt là bày tỏ ý kiến của bản thân hoặc đặt ra những câu hỏi có giá trị. Càng nhiều cuộc tranh luận được tạo ra trong một bài giảng, càng làm giàu thêm nhiều kiến thức. Nếu bạn có một câu hỏi, hãy can đảm và nói lên!
5. Gây ra tiếng ồn phiền toái
Trò chuyện với bạn cùng lớp về tập phim hấp dẫn của “Game of Thrones” hoặc về crush mới của bạn tạo ra tiếng ồn làm xao nhãng mọi người. Nó sẽ làm phiền các sinh viên khác, cũng như giảng viên của bạn. Hãy để dành những cuộc tán gẫu cho thời gian nghỉ giữa giờ!
6. Thiếu chủ động
Thực tế là những sinh viên thiếu sự chủ động trong giờ học chẳng để lại được ấn tượng gì cho các giảng viên. Nếu muốn có được một công việc nghiên cứu hoặc thực tập thú vị có lẽ điều đầu tiên bạn nên làm là gây ấn tượng tốt với giảng viên của mình bằng việc nỗ lực chuẩn bị bài và đưa ra các ý kiến bổ ích trong giờ seminar. Bằng cách đó, có thể bạn sẽ được họ chú ý và đề xuất một vị trí trợ giảng, thực tập.
7. Hỏi những câu “chẳng liên quan”
Một số sinh viên cố gắng thuyết phục giảng viên của họ tin rằng họ đang rất chăm chú bằng cách hỏi thật nhiều câu hỏi ngẫu nhiên. Nhưng các giảng viên thực sự không thích kiểu “chiến thuật” này, đối với họ, trả lời những câu hỏi “không có giá trị” làm tốn thời gian cho những vấn đề quan trọng hơn và có nguy cơ khiến họ bị “cháy giáo án”.
8. Đối đầu trong các cuộc thảo luận
Một trong những cách mà các giảng viên đo lường sự thành công của một lớp học là các cuộc tranh luận được tạo ra giữa các sinh viên. Tuy nhiên, những cuộc tranh luận quá căng thẳng sẽ chẳng hay ho gì và khiến không khí lớp học trở nên nặng nề. Đừng là người gay gắt trong những cuộc tranh luận! Bất đồng quan điểm với một ai đó là hoàn toàn bình thường, những hãy thể hiện điều đó một cách lịch sự và tôn trọng đối phương. Bạn hãy luôn nhớ phải sử dụng một tông giọng vừa phải, ngôn ngữ đúng mực và đừng bao giờ biến nó trở thành một cuộc tấn công cá nhân.
9. Bảo thủ
Đôi khi, thật khó để lắng nghe sự thực là bạn đã làm không tốt từ một ai đó. Những hãy nhớ rằng, công việc của giảng viên là giúp chúng ta trở nên tốt hơn trong đó bao gồm cả việc cải thiện những điểm yếu. Nhưng họ sẽ không thể làm điều đó, nếu bạn không tiếp thu những ý kiến phê bình.
10. Cố gắng trở thành “học sinh cưng”
Mặc dù đây là giáo dục bậc cao nhưng chúng ta vẫn có thể bắt gặp những sinh viên muốn trở thành “học sinh cưng” bằng cách tự nguyện làm bất cứ điều gì cho các thầy cô. Giảng viên biết điều này và có thể nhận ra sự khác biệt giữa những người thực sự cố gắng hết mình và những người có suy nghĩ “lươn lẹo”.
Người dịch: Ánh Dương (SSDH)