SSDH – Khi bạn nghĩ về những trường đại học với vẻ đẹp cổ điển, Vương quốc Anh thường sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên bạn nghĩ đến. Là nơi tọa lạc của một số trường đại học lâu đời nhất trên thế giới, nhiều trường đại học đã được sử dụng làm địa điểm quay phim cho các bộ phim truyền hình cổ trang và phim sử thi.
Dưới đây là tên của 10 trường đại học được coi là đẹp nhất ở Vương quốc Anh, với những không gian xanh trải dài, và những tòa nhà theo phong cách Gothic và hiện đại.
- Royal Holloway
Royal Holloway, Đại học London thường được ca ngợi là một trong những trường đại học đẹp nhất thế giới. Tòa Founder’s Building ban đầu vốn là trường nữ sinh, nhưng giờ đây có một phòng trưng bày bộ sưu tập thời Victoria của Thomas Holloway, cùng một nhà cầu nguyện, nhà bếp và phòng ăn, rạp hát, thư viện nghệ thuật và chỗ ở cho sinh viên. Những cột trụ, tháp và tháp pháo hùng vĩ của nó được mô phỏng theo những gì ở lâu đài Chateau de Chambord ở Thung lũng Loire. Đây là một địa điểm quay phim nổi tiếng và thường xuất hiện trong phim hoặc truyền hình với tư cách là một trường học công cộng hoặc dinh thự hoành tráng, có thể kể tới Downton Abbey và Avengers: Age of Ultron. Khuôn viên trường bao gồm 135 mẫu đất công viên với 200 loài cây bụi, 150 loài thực vật có hoa khác nhau.
- Đại học Edinburgh
Được thành lập vào năm 1583, Đại học Edinburgh đã đứng đầu danh sách các trường đại học đẹp nhất nước Anh. Tòa Georgian Old College của trường đại học là một trong những tòa nhà mang tính biểu tượng nhất trong khuôn viên thành phố; được xây dựng từ năm 1789 và hoàn thành vào năm 1887, khi được bổ sung thêm mái vòm bắt mắt. Đó là khu của trường Luật, cùng phòng trưng bày nghệ thuật đương đại, Phòng trưng bày triển lãm Talbot Rice – cũng như một số điểm ngắm cảnh đẹp nhất trong thành phố. Nếu kiến trúc chưa đủ để khiến sinh viên phải trầm trồ, Arthur’s Seat, ngọn núi lửa không hoạt động cao 823 foot ở góc thành phố chắc chắn sẽ là một địa điểm nổi tiếng cho sinh viên khi có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của toàn thành phố.
- Đại học Oxford
Mặc dù chưa rõ ngày thành lập, nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy việc giảng dạy tại Đại học Oxford bắt đầu diễn ra vào khoảng năm 1096. Ngôi trường trở thành trường đại học nói tiếng Anh lâu đời nhất trên thế giới, được cho là một trong những nơi đẹp nhất của Vương quốc Anh. Đại học Oxford không có khuôn viên chính, thay vào đó 38 trường cao đẳng, tòa nhà cùng các cơ sở vật chất rải rác quanh thành phố. Một trong những địa danh mang tính biểu tượng nhất của thành phố là Radcliffe Camera, một thư viện tân cổ điển tạo thành một phần của khu phức hợp Thư viện Bodleian, còn được gọi là “The Bod”, chứa bản sao của mọi cuốn sách từng được in ở Vương quốc Anh và Ireland. Bridge of Sights cũng là một địa điểm xứng đáng được đề cập đến. Được xây dựng vào năm 1914, cây cầu nối liền hai phần của Cao đẳng Hertford và mặc dù nó không được mô phỏng theo Cầu Than thở của Venice, nhưng vẫn có sự tương đồng kỳ lạ. Christ Church Meadow và Harcourt Arboretum rộng 130 mẫu Anh là nơi lý tưởng cho các chuyến dã ngoại vào mùa hè và những kỳ nghỉ giữa năm.
- Đại học Cambridge
Là trường đại học lâu đời thứ hai trên thế giới, Đại học Cambridge được thành lập bởi một nhóm học giả rời Đại học Oxford sau một cuộc xích mích với người dân thị trấn. Trường đại học bao gồm tám bảo tàng, một vườn thực vật và 31 trường cao đẳng, trải dài từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 20. Ngôi trường được biết đến với những công trình kiến trúc tráng lệ; bao gồm từ Tudor truyền thống đến thời trung cổ đến đương đại. Nhà nguyện King’s College tại thành phố được coi là một trong những ví dụ điển hình nhất của kiến trúc Gothic Anh thời kỳ cuối, bao gồm các cửa sổ kính màu ngoạn mục từ thế kỷ 16 và Bridge of Sighs, một cây cầu có mái che, một trong những nơi yêu thích của Nữ hoàng Victoria.
- Đại học Keele
Đại học Keele không chỉ sở hữu khuôn viên nông thôn đẹp như tranh vẽ, mà còn là nơi tọa lạc của Keele Hall, một ngôi trường trang nghiêm bằng gạch đỏ, có tháp từ thế kỷ 19, từng là nơi sinh sống của gia đình Sneyd, một gia đình gồm các thương nhân và thợ dệt thành công. Nằm cách Newcastle-under-Lyme ở Staffordshire ba dặm, khuôn viên của Keele rộng 625 mẫu Anh gồm công viên, hồ, suối, lối đi tắt và một vườn ươm. Vườn ươm đẹp lâu năm là nơi sinh sống của hoa mộc lan, cây gỗ đỏ, cây phong khổng lồ, cây chùa, cây phỉ và bộ sưu tập cây anh đào có hoa lớn nhất ở Vương quốc Anh. Sự lộng lẫy của khuôn viên đồng nghĩa với việc nơi đây thu hút rất nhiều sinh viên sống trong khuôn viên, nơi tấp nập các cửa hàng, cơ sở chăm sóc sức khỏe, chỗ ở và cơ sở thể thao.
- Đại học Glasgow
Đại học Glasgow là cơ sở học thuật lâu đời thứ tư trên thế giới, là một trong những trường đại học lâu đời nhất của Scotland, trung tâm của phong trào khai sáng Scotland trong thế kỷ 18. Trường đại học được tạo thành từ một số khuôn viên rộng lớn, kiến trúc tráng lệ của nó là sự kết hợp giữa Gothic Revival và Brutalism. Với những tháp nhọn bằng đá phiến, cửa sổ cổ và cây xanh, trường đại học là giấc mơ của các Instagrammer. Tòa nhà Gilbert Scott chính là ví dụ lớn thứ hai về kiến trúc phục hưng Gothic ở Anh, sau Cung điện Westminster. Các cột uốn lượn của các vách ngăn và cổng vòm ấn tượng tạo thành lối vào bảo tàng lâu đời nhất ở Scotland, Bảo tàng Hunterian và Phòng trưng bày Nghệ thuật. Glasgow trong tiếng Gaelic có nghĩa là “nơi xanh tươi thân yêu” cùng 90 công viên và các khu vườn.
- Đại học Queen’s University Belfast
Queen’s University Belfast là trường đại học lâu đời thứ 9 của Vương quốc Anh. Khuôn viên trường bao gồm 300 tòa nhà, mỗi tòa nhà đều đẹp theo một cách riêng. Tòa nhà Lanyon, mở cửa vào năm 1849, là trung khu thần kinh – và là điểm nhấn của Queen’s. Kiến trúc sư, Ngài Charles Lanyon, chịu trách nhiệm thiết kế nhiều địa danh khác của Belfast bao gồm Lâu đài Belfast, Đường Crumlin Gaol và Nhà Hải quan. Khuôn viên lịch sử bằng gạch đỏ nằm ở Nam Belfast, cách trung tâm thành phố 15 phút đi bộ, được Văn phòng Thống kê Quốc gia vinh danh là nơi hạnh phúc nhất để sống ở Vương quốc Anh vào năm 2016.
- Đại học Greenwich
Trái ngược hoàn toàn với bối cảnh là những tòa nhà chọc trời Canary Wharf, khuôn viên chính của Đại học Greenwich là một khung cảnh hoành tráng. Trường đại học tự hào có ba cơ sở lịch sử, cơ sở lâu đời nhất là Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia Cổ, đã trở thành một phần của trường đại học vào những năm 1990. Là một trong những trường đại học lâu đời nhất của Vương quốc Anh, nó cũng là Di sản Thế giới của Unesco với các công trình kiến trúc baroque, được thiết kế bởi Sir Christopher Wren (người thiết kế Nhà thờ St. Paul). Khuôn viên trường này là một địa điểm quay phim nổi tiếng và là nơi tổ chức các cảnh quay trong các bộ phim như Four Weddings and a Funeral, Gulliver’s Travels, The Queen, Les Misérables và The King’s Speech. Trường đại học cũng có các cơ sở tại Avery Hill ở phía đông nam Luân Đôn, nằm trên diện tích đất công viên, và tại một khu lát gạch đỏ thời Edward trang nhã ở Chatham Maritime, Kent.
- Đại học Bristol
Được thành lập vào năm 1876, Đại học Bristol là sự kết hợp nổi bật giữa kiến trúc hiện đại và di sản, với nhiều công viên, khu vườn xanh mướt và không gian mở để thư giãn và tản bộ. Khuôn viên trường đại học rộng lớn nằm rải rác trên các quảng trường Georgia và các dãy nhà hiện đại hơn ở Clifton, với các tòa nhà mang tính bước ngoặt được thiết kế bởi Charles Dyer, George Oatley, Ralph Brentall và Charles Hansom. Trường đại học nổi tiếng với kiến trúc Gothic, đặc biệt là trần của Thư viện Luật Bristol. Thành phố được biết đến với không gian sáng tạo (các bức tranh tường của Banksy sinh ra ở Bristol có thể được nhìn thấy khắp thành phố) và những con đường đi bộ tuyệt đẹp ở vùng nông thôn với cây cầu treo nổi tiếng của Brunel.
- Đại học Cardiff
Đại học Cardiff là một trường đại học tương đối trẻ so với các trường khác có trong danh sách này, nhưng nhắc đến những trường đại học đẹp, Đại học Cardiff phải được kể tên. Nhiều cơ sở học tập nhìn ra Công viên Cathays ở trung tâm Cardiff, bao gồm Tòa nhà Chính, Tòa nhà Bute và Tòa nhà Glamorgan. Cả ba tòa nhà này đều được thiết kế bởi các kiến trúc sư khác nhau theo phong cách riêng biệt của họ. Hai nhóm tượng phía trước Tòa nhà Glamorgan phục cho việc dẫn hướng và khai thác than như những lời nhắc nhở về nguồn gốc của sự giàu có của Glamorgan. Tòa nhà Bute được thiết kế theo phong cách tân cổ điển với sáu cột La Mã cạnh lối vào tòa nhà.
Người dịch: Linh Trang (SSDH)