3 phương pháp để giúp du học sinh Việt định cư tại Úc nhanh và an toàn nhất

0

SSDH – Du học Úc và định cư đang là chủ đề được quan tâm nhiều trong những năm gần đây. Bài viết sau xin chia sẻ cùng các bạn một vài thông tin quan trọng trong chính sách định cư tại Úc.

Nước Úc – Đất lành chim đậu

Nằm ở cực Nam bán cầu, gần đường xích đạo, khí hậu tại Úc ôn hòa, đặc biệt ở Sydney gần như ấm áp quanh năm, trừ 3 tháng mùa đông còn lại thì hầu như nhiệt độ trong năm chỉ quanh quẩn từ 15-25 độ C, tiết trời luôn xanh mát.Trong top danh sách 10 thành phố đáng sống nhất thế giới, Úc chiếm tới 4/10 là: Sydney, Melbourne, Adelaide và Perth.

Du học Úc và định cư đang là chủ đề được quan tâm nhiều trong những năm gần đây. – Nguồn Alo Úc

Úc có chính sách an sinh xã hội rất tốt về chăm sóc sức khỏe miễn phí, hỗ trợ học hành…đặc biệt Úc nổi tiếng về bảo vệ công dân, nhiều người hẳn còn nhớ vụ 2 công dân Úc sang Indonesia buôn ma túy bị tuyên án tử hình, Chính phủ Úc khi đó gây áp lực rất mạnh lên Chính phủ Indonesia để cứu 2 công dân này, thậm chí đến mức đòi cắt viện trợ cho Indonesia. Khi 2 người này bị xử tử thì Úc tuyên bố rút đại sứ về nước, đây được xem là một trong những phản ứng ngoại giao mạnh nhất từ trước đến nay. Qua đó mới thấy với người phạm tội Chính phủ Úc còn phản ứng mạnh mẽ như vậy, huống hồ là công dân bình thường.

Passport Úc nằm trong danh sách 10 passport mạnh nhất thế giới, có thể đi đến 140 nước trên thế giới mà không cần xin Visa. Ngoài ra, Úc còn có chính sách cho phép sở hữu 2 quốc tịch, do đó khi đã mang quốc tịch Úc bạn vẫn được quyền giữ quốc tịch Việt Nam.

Nền kinh tế Úc khá năng động và rất phát triển, là một trong những nền kinh tế hồi phục nhanh nhất, ít bị ảnh hưởng trong các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Và sau cùng, cũng rất quan trọng với những người nhập cư, là xã hội Úc chống phân biệt chủng tộc gay gắt. Thậm chí trong một số công ty còn có quy định sẽ kết thúc hợp đồng ngay lập tức (là mức phạt nặng nhất) đối với bất kỳ ai có hành vi phân biệt chủng tộc.

Làm gì để được nhập cư?

dinh-cu-uc

Ngày càng nhiều cư dân tại các quốc gia khác xin thường trú tại Úc. – Nguồn Alo Úc

Mục tiêu tối quan trọng để được nhập cư là bạn phải có Thường Trú Nhân – Permanent Resident (thường gọi là PR). Sau khi đã có PR thì coi như 99% đã hoàn tất việc di trú vì với Visa PR bạn có đầy đủ mọi quyền của một công dân Úc như được hưởng medicare (chính sách chăm sóc sức khỏe miễn phí của Chính phủ), được ưu đãi mua nhà, ưu đãi học hành… bạn chỉ còn thiếu duy nhất quyền bầu cử.

Sau khi giữ PR 1 năm và đã ở Úc được liên tục 4 năm gần nhất, bạn được quyền đăng ký để nhập tịch, sau khi nhập tịch bạn chính thức trở thành công dân Úc và có đủ mọi quyền bình đẳng như mọi công dân khác.

3 cách để được định cư tại Úc dành cho du học sinh.

Không kể những diện như đầu tư, thân nhân bảo lãnh… Nếu chỉ tính những con đường tự túc thì phổ biến nhất có 3 cách sau:

1. Cách 1: Skilled Migration

nganh-dau-bep

Nghề đầu bếp được xem là nghề dễ định cư nhất tại Úc trong 10 năm gần đây. – Nguồn Alo Úc

Úc có hệ thống tính điểm nhập cư gọi là Points Test, trong đó họ đưa ra nhiều tiêu chí để tính điểm như tuổi, trình độ tiếng Anh, số năm kinh nghiệm, số năm đã ở Úc, bằng cấp… Dựa vào hệ thống điểm này những ai đạt được tổng cộng từ 60 điểm trở lên sẽ đủ tiêu chuẩn được viết một đơn Expression of Interest (EOI) để vào một danh sách xét duyệt gọi là pool. Mỗi năm Chính phủ Úc sẽ có những chỉ tiêu về số lượng người được phép nhập cư cho từng ngành gọi là quota, họ sẽ xét trong danh sách này theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp.

Như vậy ngành nào có nhiều người nộp đơn và số lượng quota được cấp ít thì điểm sẽ càng cao. Ví dụ năm 2015 ngành kế toán quá nhiều người nộp đơn cộng thêm Chính phủ lại giảm quota nhập cư cho ngành này nên điểm nhập cư đã tăng lên 70, việc chênh lệnh 10 điểm trong nhiều trường hợp sẽ là một trở ngại rất lớn.

Có 2 yếu tố quan trọng khi apply trong diện này:

  • Bạn phải là “người có kỹ năng” (theo tiêu chuẩn của Úc).
  • Kỹ năng của bạn phải thuộc nhóm Chính phủ Úc cần (những ngành mà họ đang thiếu người).

Chính phủ Úc có 1 danh sách gọi là SOL (Skilled Occupations List, tham khảo tại đây). Trong danh sách này ghi cụ thể tên những ngành, vị trí và mô tả chi tiết công việc của từng chuyên ngành mà Úc đang cần. Bạn có thể xem qua danh sách này để kiểm tra xem chuyên môn của mình có thuộc ngành mà họ cần không.

Lưu ý: Danh sách SOL này không cố định, mỗi năm chính phủ Úc sẽ họp và quyết định thêm ngành nào bỏ ngành nào tùy theo tình hình kinh tế đất nước họ.

Sau khi xác định kỹ năng của bạn đã thuộc danh sách SOL, bước kế đến là xét xem bạn có đủ trình độ chuyên môn mà họ cần hay không.

Để xác minh được tiêu chí này thì phải qua một bước gọi là Migration Skills Assessment, Bộ Di Trú ủy quyền việc này cho một loạt tổ chức chuyên môn chứng nhận, ví dụ ngành IT thì do ACS (Australian Computer Society) chứng nhận, tương tự với các ngành khác thì sẽ có tổ chức khác chứng nhận.

Để có được Skill Assessment thì ACS cơ bản dựa trên 2 yếu tố: Bằng cấp và kinh nghiệm làm việc.

a)  Với những ai có bằng cấp:

  • Bằng cấp càng cao càng được nhiều điểm (Tiến sĩ > Thạc sĩ > Cử nhân).
  • Bằng cấp do các trường đại học Úc cấp thì được ưu tiên hơn.
  • Yêu cầu thêm 1-2 năm làm việc trong vị trí đúng chuyên ngành.

Sau khi có hết những hồ sơ chứng minh thì nộp đơn cho đơn vị chuyên môn để họ xét duyệt.

b) Xem xét kinh nghiệm làm việc với những ai không có bằng cấp: Sẽ phức tạp hơn một chút. Cụ thể đối với một số ngành, họ cho phép quy đổi số năm kinh nghiệm làm việc ra tương đương bằng đại học, cụ thể với IT họ đòi trên 8 năm kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương cộng thêm 2 bản giải trình kỹ thuật cho 2 dự án gần nhất (trong vòng 3 năm) mô tả rằng bạn đã thực sự đảm nhiệm những công việc tương ứng với các kỹ năng họ yêu cầu. Khi làm các bản giải trình này thì phải làm càng kỹ càng tốt. Lưu ý là kinh nghiệm làm việc phải có xác nhận của công ty. Khi xét duyệt người của ACS hoặc Bộ Di Trú sẽ tiến hành xác minh, nếu không đúng sự thật thì sẽ bị xem như gian dối và vào “danh sách đen”, tương đương với việc gần như không bao giờ được cấp Visa vào Úc nữa.

Sau khi đã được cấp Skill Accessement rồi thì quay lại tiếp tục với các thủ tục khác cho bên di trú.

Bộ Di Trú sẽ yêu cầu các tiêu chí khác như trình độ tiếng Anh, sức khỏe, hồ sơ tư pháp/police check… Sau khi đủ hết tất cả các yêu cầu (đủ số điểm) thì bạn sẽ được nộp đơn và được vào danh sách hàng chờ. Họ sẽ kiểm tra xem tiêu chí nào của bạn được công nhận và tiêu chí nào không, từ đó ra tổng số điểm. Sau đó sẽ ưu tiên xét từ cao xuống thấp.

2.   Cách 2: Diện công ty bảo lãnh

dinh-cu-uc

Định cư Úc theo diện doanh nghiệp bảo lãnh đang được khá nhiều người quan tâm. – Nguồn Alo Úc

Bạn du học Úc và sau khi tốt nghiệp bạn được nhận vào làm tại một công ty ở Úc, hoặc bạn đang ở Việt Nam và apply vào 1 công ty nào đó ở Úc rồi trúng tuyển, lúc này nếu công ty muốn đưa bạn vào làm việc thì phải làm thủ tục bảo lãnh cho bạn. Nếu đi theo diện này bạn sẽ rất khỏe vì không phải làm gì nhiều, bạn không phải quan tâm đến thang điểm như diện 189 cũng như không lệ thuộc vào danh sách SOL (nhưng vẫn phải thỏa mãn danh sách CSOL – là danh sách có nhiều ngành hơn SOL).

Tuy nhiên, bạn khỏe thì ngược lại công ty bảo lãnh bạn sẽ cực hơn rất nhiều. Cụ thể công ty phải trải qua 3 bước:

Bước 1: Công ty nộp đơn xin bảo lãnh

Ở bước này công ty phải giải trình với Bộ Di Trú Úc đại loại rằng công ty đang cần tuyển dụng lao động nhưng tuyển mãi ở Úc không được, vì thế công ty mong Bộ Di Trú đồng ý để công ty bảo lãnh bạn được làm việc tại Úc.

Để giải trình thì công ty phải đáp ứng 2 điều kiện sau:

a) Tránh trường hợp lập công ty ma để bảo lãnh, Bộ Di Trú yêu cầu công ty phải đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn như: Số năm hoạt động của công ty đã đủ lâu chưa, doanh thu hàng năm của công ty có đủ lớn không, số lượng người trong công ty có đủ đông không…

b) Công ty phải chứng minh được rằng đã làm mọi cách để tuyển người bản địa (người Úc) nhưng không tìm ra:

  • Đã cố gắng đầu tư cho hoạt động đào tạo (tối thiểu 1% tổng doanh thu của công ty và phải làm liên tục trong 3 năm). Rất nhiều công ty rớt ở điểm này vì 1% tổng doanh thu thường rất nhiều, đặc biệt là với những công ty có doanh thu lớn.
  • Đã cố đăng tuyển dụng trong thời gian dài mà không được.
  • Và còn rất nhiều thủ tục khác mà công ty phải chứng minh. Những thủ tục này thường khá rườm rà và hầu hết các công ty thường phải nhờ đến các luật sư di trú để giúp chuẩn bị hồ sơ.

Sau khi chuẩn bị đủ hết các yêu cầu thì công ty được quyền nộp hồ sơ và chờ Bộ Di Trú xét duyệt. Nếu công ty được đồng ý thì sẽ chuyển sang bước 2.

Bước 2: Công ty tiến cử bạn

Sau khi vượt qua bước 1, công ty sẽ tiến cử bạn với Bộ Di Trú Úc rằng bạn là sẽ được bảo lãnh qua Úc làm việc. Bước này sẽ thêm khá nhiều thủ tục cần chứng minh nữa, ví dụ trong đó có yêu cầu mức lương trả cho bạn đó phải bằng hoặc cao hơn mức lương thị trường ở Úc (để tránh trường hợp thuê lao động nước ngoài vì giá rẻ).

Sau khi Bộ Di Trú đồng ý cho phép công ty tiến cử bạn thì chuyển đến bước 3.

giay-to-lam-visa-di-uc

Bước 3: Bạn nộp đơn xin bảo lãnh

Ở bước này bạn sẽ chứng minh với Bộ Di Trú Úc rằng bạn là người đủ khả năng cho vị trí công việc sẽ đảm nhận tại Úc.

Việc chứng minh bao gồm:

a) Chứng minh kỹ năng: Việc chứng minh này cũng tương tự như bước Migration Skills Assessment bên trên, và cũng do ACS xét nếu là ngành IT. Nếu mức lương mà công ty dự định trả cho bạn cao hơn 180.000 USD/năm thì không phải qua bước chứng minh này.

b) Trình độ tiếng Anh đủ để làm việc.

c) Hồ sơ tư pháp/police check đủ tiêu chuẩn, trong quá khứ không vi phạm chính sách nhập cư (của bất kỳ nước nào chứ không phải chỉ riêng Úc), không bị các bệnh truyền nhiễm, có hồ sơ bảo hiểm…

Sau khi nộp hồ sơ thì lại chờ Bộ Di Trú xét duyệt và cấp Visa. Đi đường này thì có 2 hướng:

  • Một hướng là bảo lãnh thẳng vô PR (gọi là Direct Entry Stream – subclass 186).
  • Một hướng là Temporary Skilled Worker (subclass 457). Visa 457 có hiệu lực trong 4 năm, tuy nhiên chỉ cần cầm Visa 457 trong 2 năm thì sẽ được quyền apply vào PR.

Với cách 2 đi theo diện công ty bảo lãnh nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thật ra khá khó, vì:

  • Hầu hết các công ty ở Úc đòi phải có quyền làm việc ở Úc rồi mới tính tới chuyện phỏng vấn, nếu không có Visa làm việc thì họ loại ngay từ đầu.
  • Vì thủ tục quá phức tạp nên thường họ rất ngại tài trợ cho nhân viên.

Do đó để đi được theo cách 2 này chúng ta cần phải chứng minh rằng mình phải thật sự xứng đáng để họ cất công làm đủ thứ thủ tục kể trên.

Bạn lưu ý rằng có một số nơi người ta lập lên các “công ty ma” để bảo lãnh người nhập cư theo dạng này. Bạn không nên chọn các dịch vụ này vì đây là phạm luật và bạn sẽ đặt mình vào vị trí rủi ro bị lừa đảo, mất thời gian, mất tiền bạc và trường hợp xấu nhất là sẽ bị đưa vào danh sách đen, dẫn đến việc bị cấm cửa nhập cảnh Úc mãi mãi.

3.   Cách 3: Du học Úc và xin định cư

Thật ra đây không hẳn là một cách khác mà chỉ là một sự chuẩn bị cho 1 trong 2 cách trên. Cụ thể chọn học ngành phù hợp với nhu cầu nhập cư của Úc và sau đó đi theo dạng Skilled Migration hoặc sau khi học xong thì tìm công ty làm việc để đi theo dạng công ty bảo lãnh.

Ngoài ra có một lưu ý nhỏ là mọi người cẩn thận lừa đảo khi chọn luật sư và các dịch vụ di trú, bất kỳ nơi nào quảng cáo rằng có “tay trong” làm trong Bộ Di Trú, có thể linh động này nọ… tất cả đều là lừa đảo. Với cách mà Chính phủ Úc hoạt động thì một người không thể có khả năng chi phối quyết định, chưa kể Úc là một trong những nước có tỉ lệ tham nhũng rất thấp.

Các chính sách nhập cư của Chính phủ Úc được ghi rất rõ ràng trên website của Bộ Di Trú  (http://www.border.gov.au/), bạn có thể truy cập và tìm hiểu thêm.

Thái Hải (SSDH) – Alo Úc

Share.

Leave A Reply