375 năm Đại học Harvard

0

Năm nay Đại học Harvard sẽ kỷ niệm 375 năm thành lập trường (1636-2011). Đây là sự kiện quan trọng đối với Harvard và những ai quan tâm tới nền giáo dục của nước Mỹ.

Harvard là trường đại học lâu đời nhất tại Mỹ. Được thành lập năm 1636, tức 140 năm trướcngày thành lập Hợp chúng quốc Hoa Kỳ (1776), thủa ban đầu đây chỉ là một trường nhỏ đào tạo mục sư Thanh Giáo. Ngày 28/10/1636, Nghị viện thuộc địa Massachusetts biểu quyết thành lập một trường cao đẳng theo kiểu ĐH Cambidge của Anh quốc, với ngân sách được cấp mỗi năm 400 bảng Anh.

Trong số những người sáng lập trường có nhiều người từng tốt nghiệp ĐH Cambridge ở Anh, vì thế thị trấn nơi trường Harvard tọa lạc cũng được họ đặt tên là Cambridge. Thoạt tiên trường này cũng được gọi là Cambridge College. Ngày 13/9/1638, Nghị viện nói trên quyết định đổi tên trường là Harvard College, theo tên ông John Harvard (1608-1638), một mục sư trẻ tốt nghiệp ĐH Cambridge ở Anh, ân nhân đầu tiên của Cambridge College, người trước khi qua đời đã hiến tặng nhà trường một nửa tài sản riêng (779 bảng Anh) cùng thư viện khoảng 400 cuốn sách. Với một nhà trường năm đầu chỉ có 9 học sinh thì số tài sản hiến tặng ấy rất lớn và vô cùng quý giá. Có người tính toán: số tiền ấy mỗi năm tăng 6%, cứ 12 năm thì gấp đôi, đến nay giá trị lên tới nhiều tỷ bảng.

 

tt-24-8-20113

ĐH Harvard nổi danh khắp thế giới vì đào tạo được nhiều nhân tài. Hầu như tất cả các nhà tiên phong trong Chiến tranh Độc lập đều từng học dưới mái trường này. Trong số cựu sinh viên Harvard có 8 người trở thành Tổng thống Mỹ, 50 chủ nhân giải Nobel và 36 chủ nhân giải báo chí Pulitzer. Các nhà sáng lập Microsoft, IBM, FaceBook từng học ở Harvard.

ĐH Harvard được tư nhân hóa từ năm 1830, nghĩa là được nhận tiền tài trợ không những của các nhà thờ và công ty, mà còn của các cá nhân. Đây là bước quan trọng làm cho Harvard trở thành ĐH giàu nhất thế giới, nhờ thế không ít thanh niên nghèo được miễn học phí học ở đây. Nhiều cựu sinh viên làm ăn khá giả, nhiều phụ huynh có con học Harvard đều muốn đóng góp để trường ngày một phát triển.

Là trường tư thục, Harvard độc lập với chính quyền. Nhà trường đặt dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Quản trị Harvard Corporation, một công ty chuyên lo gây nguồn tài chính cho nhà trường (và quản lý công việc nội bộ). Nhờ thế Harvard cỏ nguồn tài chính cực lớn: năm 2010 lên tới 2Tin tức,4 tỷ USD, tương đương ngân sách giáo dục của một quốc gia tiên tiến. Hội đồng này bổ nhiệm Hiệu trưởng. Lương Hiệu trưởng cao hơn lương Tổng thống Mỹ. Giám đốc các Học viện và các Chủ nhiệm Khoa do Hiệu trưởng bổ nhiệm. Ngoài ra còn một Ủy ban Giám sát công việc nhà trường.

Nguyên tắc trong mọi hoạt động giáo dục của ĐH Harvard là độc lập tư tưởng, quy chế học thuật nghiêm, chú trọng kết hợp chặt chẽ nhân văn, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Chính là với những ý tưởng giáo dục tiên tiến như vậy, Harvard trở thành trường ĐH được cả thế giới ngưỡng mộ.

 

Lễ kỷ niệm 375 năm

Hôm 26/5 vừa qua, bà Drew Faust Hiệu trưởng Harvard đã công bố chương trình kỷ niệm Harvard 375 kéo dài tới hết tháng 5/2012 với các hoạt động văn hoá nghệ thuật, hội thảo khoa học sẽ được triển khai với quy mô lớn, trong đó có hoạt động tự kể “Câu chuyện Harvard” của mình và du lịch ảo Harvard trên mạng qua điện thoại di động. Cũng hôm ấy, trang web http://375.harvard.edu được khai trương để phục vụ chương trình đó.

Theo chương trình, chiều 14/10, các ký túc xá sinh viên mở tiệc liên hoan. 7 giờ tối, toàn thể cán bộ, nhân viên, sinh viên tới Nhà hát Ba Trăm Năm (Tercentenary Theatre) dự Lễ khai mạc các hoạt động kỷ niệm gồm có diễu hành, liên hoan văn nghệ với chương trình biểu diễn của nghệ sĩ cello số một thế giới Yo-Yo Ma, người Mỹ gốc Hoa lai Pháp, cựu sinh viên Harvard khóa 1976 và vũ hội dưới ánh sao. Bà Joanne Chang cựu sinh viên khoa Toán ứng dụng và Kinh tế Harvard khóa 1991, đầu bếp chính của tiệc kỷ niệm, sẽ làm một chiếc bánh ga tô đặc biệt để mừng ngày sinh của trường.

Ngày 14/10 cũng là ngày hội hàng năm của Hội Cựu sinh viên Harvard. Nhà trường sẽ kết nối với các cựu sinh viên Harvard trên khắp nước Mỹ và thế giới để tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách phong phú nhất. Đã có 700 người hứa dự hoạt động này.

 

tt-24-8-20114

Nghệ sĩ cello số một thế giới Yo-Yo Ma, người Mỹ gốc Hoa lai Pháp, cựu sinh viên Harvard khóa 1976


Một trong những hoạt động quan trọng nhất rong lần kỷ niệm này của Harvard là ôn lại những thành tựu trên các mặt khoa học, phục vụ công chúng và nghệ thuật.

Hơn 200 năm sau ngày thành lập, Harvard mới bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu khoa học; trước đó họ chỉ làm giảng dạy. Năm 1788 một nhà báo Pháp đến đây đã hết sức ngạc nhiên khi thấy trường này coi nhẹ nghiên cứu khoa học.

Người có công chuyển đổi Harvard thành một ĐH kiểu nghiên cứu là Charles William Eliot, Hiệu trưởng Harvard lâu nhất (1869-1909). Sau cải cách quan trọng này Harvard trở thành ĐH tổng hợp đa ngành có tính quốc tế và tên tuổi Eliot gắn liền với Harvard. Ông đề xuất và thi hành chế

độ để sinh viên tự chọn môn học (elective system) thay cho chế độ cũ đã tỏ ra xơ cứng. Từ đó Harvard tiến rất nhanh trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Ngày nay riêng bộ môn vật lý trường này đã có 10 chủ nhân giải Nobel.

Năm 2007 khi nhậm chức hiệu trưởng Harvard, bà Drew Faust đề xuất ý tưởng giáo dục cao đẳng phải chịu trách nhiệm với tương lai của đất nước, vì thế Harvard có sứ mệnh đưa các ý tưởng của mình đi vào thị trường. Thời gian 2006-2010, Harvard sáng lập 39 công ty, được cấp 216 bằng sáng chế; số lượng phát minh của các giáo viên lên tới 1270. Nhà trường lập Văn phòng phát triển công nghệ và các cơ quan tương ứng để hỗ trợ, phục vụ công chúng.

Trong hồi ký viết về năm 1923, William Eliot nhận xét: phục vụ nhân dân là một trong các truyền thống chủ yếu của Harvard. Truyền thống này khởi nguồn từ thời Nội chiến (1861-1865) rất nhiều học sinh Harvard xung phong ra trận chiến đấu. Tinh thần hy sinh quên mình ấy được tiếp nối đến ngày nay. Sau 40 năm gián đoạn, từ tháng 3/2011 Harvard phục hồi chế độ Đoàn huấn luyện sĩ quan dự bị (Reserve Officers’Training Corps); theo đó Hải quân Mỹ sẽ phụ trách huấn luyện quân sự cho sinh viên. Mấy năm qua đã có hơn 200 sinh viên Harvard đang học xin nhập ngũ, đi chiến đấu tại Iraq và Afghanistan.

Phục vụ xã hội trở thành nội dung quan trọng trong chương trình học tập. Tại trường Luật Harvard, sinh viên phải hoàn thành 40 giờ phục vụ xã hội không lấy thù lao mới có tư cách dự thi tốt nghiệp. Tại trường Chính trị Kennnedy, phục vụ xã hội lại càng được coi là sứ mệnh quan trọng.

Tính quốc tế là một trong các đặc điểm nổi bật của Harvard. Người nước ngoài hiện chiếm 1/5 tổng số sinh viên nhập học Harvard. Năm ngoái Harvard College (một trong 14 trường thành viên ĐH Harvard) cử 1500 giáo viên đến 104 quốc gia làm nghiên cứu khoa học hoặc giảng dạy. Năm nay các giáo viên trường Harvard Mùa hè sẽ tham gia 28 đề tài nghiên cứu khoa học tại 18 nước.

 

Lễ kỷ niệm 300 năm Harvard (năm 1936) được giới sử học đánh giá là sự kiện bản lề làm cho Harvard trở thành Đại học đẳng cấp thế giới. Hồi đó, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động kỷ niệm phong phú và sôi nổi nhằm đưa Harvard đi lên vũ đài quốc tế. Các hoạt động ấy đã thu hút hơn 70 nghìn người đến thăm Harvard vào mùa hè năm 1936. Đêm hội hoa đăng bên sông hồi tháng 9 thu hút 300 nghìn người xem. Sau lễ khai giảng, nhà trường tổ chức một cuộc hội thảo kéo dài hai tuần, ngày cuối cùng có 15 nghìn người dự. Lễ kỷ niệm 300 năm Harvard có sự hiện diện của các đại biểu đến từ 502 trường Đại họcdưới trời mưa tầm tã của đương kim Tổng thống Franklin Roosevelt ngồi trên xe lăn, cựu sinh viên Harvard, cựu chủ bút báo Màu đỏ Harvard  (The Harvard Crimson, tờ báo ra hàng ngày của sinh viên Harvard), làm nức lòng những người có mặt. Và từ sau những lễ hội ấy ĐH Harvard ngày càng nổi tiếng khắp thế giới. Thanh niên nhiều nước mơ ước được học tại Harvard. khắp thế giới.

Nếu Harvard College hồi thế kỷ XVII – nơi đào tạo mục sư Thanh Giáo – coi hoạt động sáng tác nghệ thuật là hành động phản nghịch, thì giờ đây ĐH Harvard hết mức đề cao và tôn trọng các hoạt động ấy. Sáng tác nghệ thuật đóng vai trò nhận thức thế giới, là phần quan trọng trong đời sống lý trí của Harvard. Tháng 4 vừa rồi, Văn phòng Nghệ thuật Harvard cùng Khoa Âm nhạc tổ chức hoạt động “Chào mừng 40 năm nhạc Jazz”. Âm nhạc sẽ chiếm vai trò quan trọng trong lễ hội 14/10 sắp tới.

Những năm gần đây Harvard được xếp hạng thứ nhất trong các bảng xếp hạng ĐH ở Mỹ như ARWU World, ARWU National, Times Higher Education và USNWR National University.

 

Theo tiasang

Share.

Leave A Reply