Sẵn sàng du học – Thầy Ed Schoenberg (chủ tịch quản lý tuyển sinh) tại trường Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Otis (Hoa Kỳ) chia sẻ về 4P mà theo thầy là quan trọng nhất trong quá trình đăng ký vào một trường Nghệ thuật: Passion, Preparation, Portfolio, Potential).
PASSION – Đam mê
Theo thầy Ed Schoenberg, việc đam mê với nghệ thuật vô cùng quan trọng vì đó là yếu tố cần thiết để “giữ chân” bạn hàng giờ đồng hồ trong xưởng sáng tác. Phải có đam mê, bạn mới sẵn sàng thử thách chính mình được mỗi ngày.
Vậy làm thế nào để “cân đo đong đếm” đam mê của hàng trăm ứng cử viên mỗi ngày? Câu trả lời của thầy là qua việc đọc các Personal Statement (Bài luận cá nhân) để tìm hiểu tại sao bạn muốn học Thiết kế và Nghệ thuật. Ở khâu này, việc đã từng tham gia các hoạt động làm nghệ thuật tại trường cấp III hay các trường Cao đẳng cộng đồng sẽ giúp bạn ghi điểm.
Thầy Schoenberg quan niệm rằng, ngay cả khi nhà trường không tổ chức dạy các môn về Nghệ thuật, một người đam mê thực sự sẽ tham gia các chương trình ngoại khóa, chương trình mùa hè hay tự làm những dự án cá nhân.
Những điều mà giáo viên cũ nhận xét về bạn cũng rất quan trọng trong quyết định tuyển sinh. Cuối cùng, chính portfolio sẽ giúp bạn chia sẻ đam mê của mình với đại diện tuyển sinh của trường, cũng như cách bạn nói về đam mê đó trong buổi phỏng vấn cá nhân. Nhiều trường Đại học, Cao đẳng cũng thường khuyến khích sinh viên tham gia các buổi tham quan trường để hai bên tìm hiểu lẫn nhau vào dịp này.
PREPARATION – Có sự chuẩn bị
Có một bất ngờ nhỏ là trường Otis sẽ nhìn nhận sự chuẩn bị của bạn không chỉ vào các khóa học Nghệ thuật mà còn vào bảng điểm và CV của bạn.
Quan niệm chỉ giỏi những môn Art là đủ không còn ứng với trường Otis. Bởi vì theo thầy Schoenberg, để tốt nghiệp và sở hữu tấm bằng Cử nhân Mỹ Thuật (Bachelor of Fine Arts) (BFA), bạn có chữ “B” gồm các môn Tiếng Anh, Toán, Khoa học, Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Tại bước này, nhà trường sẽ xem những môn bạn đã theo học trước đây và kết quả học tập của bạn thế nào. Bạn đã được bao nhiêu điểm SAT hay ACT (các trường Nghệ thuật và Thiết kế thường đòi hỏi một trong những bài kiểm tra này) hay những khóa học Art nào bạn đã theo đuổi?
PORTFOLIO – Portfolio
Thầy Schoenberg nói: “Việc vào đại học đã là một thử thách lớn, nhưng đăng ký vào một trường Nghệ thuật lại càng khó khăn hơn vì bạn cần phải có một trong những thứ mà các trường Đại học khác không yêu cầu – portfolio.”
Mỗi trường sẽ có một tiêu chí khác nhau về portfolio nhưng hầu hết các trường đều muốn nhìn thấy ba điều ở ứng viên: năng lực, sự tiến bộ và sở thích cá nhân.
Bộ portfolio của bạn cần tổng hợp những tác phẩm công phu nhất thuộc về Vẽ quan sát mẫu (Observational drawing), cách phối màu (color composition) và ý tưởng(concept). Trường Otis thường muốn đánh giá mỗi ứng viên qua ít nhất là 12 (nhiều nhất là 20) tác phẩm.
Trong đó, ít nhất một nửa các tác phẩm phải được vẽ qua quan sát mẫu (Observational drawing): quan sát từ một vật ba chiều (đời sống, chân dung, landscape). Chẳng hạn nếu bạn tự vẽ chân dung bản thân thì phải vẽ chính mình qua gương. Những tác phẩm này được yêu cầu phải là tác phẩm gốc, không phải vẽ lại từ ảnh hay các tác phẩm mỹ thuật hay trí tưởng tượng cá nhân.
Một nửa số tác phẩm còn lại cần phải nêu được những điểm mạnh và sở thích cá nhân mà không cần giới hạn qua việc vẽ quan sát. Trên thực tế, những tác phẩm có ý tưởng và thử nghiệm độc đáo thường rất được khuyến khích.
Ngoài ra, bạn cũng có thể mang đến những công trình thuộc các lĩnh vực khác nhau như Nhiếp ảnh, Video, Vẽ, Điêu khắc, Làm đồ sức, Kỹ thuật số, Thiết kế đồ họa.
POTENTIAL – Tiềm năng
Không phải sinh viên nào được nhận vào trường Mỹ thuật và Thiết kế cũng đều đã có kĩ năng sẵn rồi (vì nếu vậy thì họ đã không cần đi học). Vì vậy trường Otis thường rất quan tâm tới những sinh viên tiềm năng. Nếu ba yếu tố P đầu tiên là đam mê, có sự chuẩn bị từ sớm và portfolio giúp nhà trường quyết định việc nhận ai vào trường thì yếu tố còn lại cũng quan trọng để khuyến khích những ứng viên tiềm năng cho năm học tiếp đó.
Khi xem portfolio của mỗi ứng viên, nhà trường sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích vì vậy hãy quan tâm lắng nghe để thành công vào dịp sau.
Thầy cũng cho biết, với sự phát triển và thương mại hóa, nhiều ngành công nghiệp âm nhạc, truyền hình, quảng cáo, marketing, đồ chơi, phần mềm máy tính… đều tìm đến các nghệ sĩ và nhà thiết kế nhiều hơn.
Vậy nên, đây là khoảng thời gian bạn nên quyết định đầu tư vào đam mê của mình bằng cách theo học bài bản tại các trường Nghệ thuật và Thiết kế nếu thực sự muốn theo đuổi lĩnh vực này trong tương lai.
Cá Domino (SSDH) – Theo vtcorp.vn