Sẵn sàng du học – Bí quyết thành công để luôn làm việc hiệu quả mà lại hạn chế được những ảnh hưởng từ tâm lý cuộc sống không phải là không có. Hãy cùng SSDH tìm giải pháp cho bạn nhé.
Cuộc sống khó tránh những lúc tâm trạng kém, và khi bạn mang theo những áp lực hay bực dọc vào trong công việc, ắt hẳn suất làm việc sẽ giảm thấp, đồng thời ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội. Bí quyết thành công là gì và làm sao để kiểm soát phần cảm tính để bình tĩnh đối mặt với công việc ngay khi tinh thần xuống dốc?
Bí quyết thành công để giảm thiểu tối đa những phiền phức không đáng có
1. GHI NHẬT KÝ
Một người nhiệt tình khó tránh nhiều lúc tự nhiên sẽ ôm đồm không ít chuyện chẳng thuộc trách nhiệm của mình? Chúng khiến bạn vừa mệt vừa phiền. Để khắc phục tình trạng này, vào buổi tối mỗi ngày, hãy học cách tổng kết ngày làm việc và ghi chép lại như việc ghi nhật ký, chẳng hạn: “Hôm nay mình đã giúp đỡ ai?”, “Tại sao lại giúp họ?”, “Chuyện đó là gì?”, “Mình làm những chuyện đó có vui không? Lợi ích mà chúng đem lại là gì?” v.v… Cách ghi chép này giúp bạn kịp thời hiểu được “xu hướng năng lượng” của mình để có thể điều chỉnh hành vi tiếp theo sau đó, giúp loại bỏ bớt những năng lượng tiêu cực không đáng có.
2. HỌC CÁCH NÓI “KHÔNG”
Đứng trước lời đề nghị hoặc sự nhờ vả của bất kỳ ai, trước hết bạn cần tự hỏi bản thân hai vấn đề: “Mình có đủ khả năng giúp họ hay không?” và “Họ có thật sự cần sự giúp đỡ này không?”. Có thể trong môi trường làm việc, bạn luôn là người nhiệt tình và không tính toán thiệt hơn, nhưng vì đảm bảo sức lực lẫn tinh thần tích cực của mình, bạn cần áp dụng bí quyết thành công này và phân biệt rõ lúc nào nên giúp đỡ người khác và lúc nào phải biết nói “không”. Có những người khi họ nhờ đến sự giúp đỡ của bạn trong công việc thực chất không phải là họ làm không được, mà là do lười!
3. VẤN ĐỀ NÀO RA VẤN ĐỀ ĐÓ
Có thể nhiều vấn đề nảy sinh cùng lúc khiến bạn lúng túng và cảm thấy áp lực. Vậy thì tốt hơn hết hãy xác định vấn đề cần giải quyết trước nhất và tập trung mọi sức lực lẫn tâm trí vào đó, loại bỏ những suy nghĩ rối rắm khác hoặc những vấn đề đã cũ trước đó. Tư tưởng và hành động dứt khoát đối với một vấn đề duy nhất sẽ giúp bạn tránh được những tâm trạng tiêu cực do phải để tâm vào quá nhiều chuyện cùng lúc.
Làm gì để cải thiện tâm trạng
4. CHIA SẺ
Tìm đến những người thân, bạn bè, đồng nghiệp để chia sẻ và được lắng nghe là giải pháp hữu hiệu giúp bạn “phát tiết” tâm trạng tiêu cực nhanh nhất. Nói ra những muộn phiền không có nghĩa là bạn yếu đuối, khi được lắng nghe, tâm lý căng thẳng sẽ giảm xuống, giúp bạn bình tâm lại, thậm chí đối phương còn có thể cho bạn những lời khuyên hay giải pháp tích cực để giải quyết vấn đề. Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy không thích hợp chia sẻ với người quen, có thể tìm đến chuyên gia tâm lý để được giải tỏa.
5. ĐI DU LỊCH
Đến những nơi mới mẻ, đặc biệt là được hòa mình vào thiên nhiên sẽ giúp bạn nhanh chóng cởi bỏ mọi tâm trạng tiêu cực ở “nơi quen thuộc”. Khung cảnh và những con người lạ lẫm khiến bạn không thấy áp lực, đổi lại là sự hiếu kỳ, vui tươi muốn khám phá.
6. ĐIỀU CHỈNH CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG
Khi tâm trạng xuống dốc, hãy chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu protein và carbohydrate. Thức ăn chứa carbohydrate có tác dụng trấn tĩnh tinh thần, vì nó kích thích bộ não sản sinh serotonin (có nhiều chức năng khác nhau: điều chỉnh tâm trạng, sự thèm ăn, giấc ngủ, co cơ và một số chức năng thuộc về nhận thức). Thức ăn chứa protein cao lại có công hiệu duy trì trí lực não bộ và tính cảnh giác, giúp tinh thần luôn minh mẫn và sáng tạo hơn trong công việc.
Cá Domino (SSDH) – Theo elle