6 điều cần có trong hồ sơ du học nước ngoài

0

SSDH- Sau khi nộp hồ sơ ứng tuyển vào 15 trường đại học trên thế giới, Sevi Reyes – du học sinh người Philippines tại New York University Shanghai, Trung Quốc đã rút ra kinh nghiệm phải nhấn mạnh vào các hoạt động tình nguyện, khả năng ngoại ngữ và chương trình học ở bậc THPT.

Nhiều chuyên gia cho biết sinh viên quốc tế nên thể hiện rõ trong hồ sơ xin du học của mình những mong muốn và hành trang đã chuẩn bị cho con đường du học. Trong bài luận và những tư liệu đi kèm khác, sinh viên cần phải nhấn mạnh vào kỹ năng mềm của bản thân qua các hoạt động ngoại khóa, khả năng ngoại ngữ, kinh nghiệm du lịch nước ngoài, … để làm phong phú thêm hồ sơ của mình.

Martha Allman, trợ lý hiệu trưởng cấp cao và trưởng khoa hợp tác đại học tại Wake Forest University, Bắc Carolina, cho biết trường của cô đánh giá cao những ứng viên “đang tìm kiếm và trân trọng những trải nghiệm nằm ngoài vùng an toàn và cộng đồng của họ”.

Dưới đây là 6 khía cạnh sinh viên cần phải đề cập trong đơn xin du học của mình:

1. Lí do muốn đi du học

Các ứng viên cần phải đề cập nguyên nhân họ muốn du học tại 1 trường cụ thể và vì sao họ nghĩ bản thân sẽ là một mảnh ghép phù hợp của trường.

“Các sinh viên nên nói rõ mong muốn của bản thân và vì sao môi trường du học lại là nơi phù hợp với họ – đa phần là về cách họ nhìn nhận thế giới và sự tương đồng với trường đại học mà họ lựa chọn,” theo Tim Rogers, phó chủ tịch và giám đốc quản lý tuyển sinh tại American University of Paris, Pháp.

Annie Lu, trưởng phòng tuyển sinh tại NYU Shanghai, cho biết những câu như “Tôi muốn học ngành kinh doanh quốc tế” hay “Tôi muốn tìm hiểu văn hóa của nước khác” đều quá chung chung. “Thay vì thế, sinh viên nên giải thích nguyên nhân vì sao các cơ hội cụ thể được cung cấp bởi 1 trường nhất định lại quan trọng đối với quá trình học tập và phát triển bản thân của sinh viên,” Lu chia sẻ. “Vị trí của trường gần với trung tâm tài chính hoặc công nghệ cụ thể có thể thúc đẩy ham muốn học tập, nghiên cứu hay thực tập của sinh viên như thế nào? Có giảng viên cụ thể nào mà sinh viên muốn học cùng không? Bằng cách nào mà cộng đồng sinh viên quốc tế và sự đa dạng văn hóa lại có thể thúc đẩy sinh viên phát triển bản thân?”

Neil Green, trưởng phòng tuyển sinh tại University College London, Anh, cho biết những sinh viên thể hiện khả năng sẵn sàng tiếp thu quan điểm mới cũng là một điểm cộng trong mắt các nhà tuyển sinh quốc tế.

2. Tham gia các hoạt động ngoại khóa hướng tới quốc tế

Một cách khác để sinh viên bộc lộ sự sẵn sàng cho hành trình du học chính là tham gia các tổ chức quốc tế, các cuộc thi và giải thích những trải nghiệm này đã rèn luyện tính cách của họ như thế nào.

“Chúng tôi đánh giá cao những sinh viên tìm kiếm cơ hội tìm hiểu về thế giới qua các tổ chức quốc tế, chương trình trao đổi và kinh nghiệm học tập,” theo Allman.

[Tham khảo: 6 lý do để tham gia chương trình trao đổi sinh viên]

Hong Wei Tan người Malaysia tại Illinois Institute of Technology cho biết anh đã nộp đơn vào 4 trường đại học, kèm theo thư ứng tuyển (cover letter) và sơ yếu lí lịch để thể hiện rõ hơn về bản thân. Sơ yếu lí lịch của anh có nhắc đến việc anh tham gia chương trình khởi nghiệp trẻ và Leo Club Program – một bộ phận của tổ chức quốc tế Lions Club International.

Tại National University of Singapore, sinh viên được nhận chủ yếu dựa trên thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa. R. Rajaram, cựu trưởng phòng tuyển sinh cho biết thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc tế hoặc công việc ổn định trong các doanh nghiệp xã hội chắc chắn sẽ mang lại lợi thế cho các ứng viên.

3. Tham gia các hoạt động tình nguyện liên quan đến đại dịch

Đại dịch Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nặng nề cho toàn thế giới, khiến các sinh viên phải học tập và làm việc từ xa, và các trường đại học rất muốn biết họ đã dùng khoảng thời gian này như thế nào.

Theo Rogers: “Covid-19 mang lại nhiều thách thức cho các ứng viên và chúng tôi rất muốn nghe sinh viên nói về những hoạt động tình nguyện tại bệnh viện hay cộng đồng tương tự, phân phát thiết bị PPR và cung ứng y tế trong phần thông tin bổ sung hoặc bài luận của họ”.

Green nói rằng điều quan trọng là các ứng viên phải nêu được giá trị của những hoạt động tình nguyện đó, chẳng hạn như những gì họ học được khi làm việc trong môi trường cụ thể, về bản thân họ hoặc về những người khác.

Khi xem xét đơn của các ứng viên, Niki McInteer, phó trưởng phòng tuyển sinh tại Wake Forest, cho biết:”Chúng tôi muốn biết cách sinh viên phân phát vắc xin, xây dựng cộng đồng bất chấp giãn cách xã hội và nhận ra nhu cầu của người khác hơn chính bản thân họ”.

4. Khả năng ngoại ngữ tốt

Sinh viên cũng nên nhấn mạnh bất kì kỹ năng ngoại ngữ nào mình có, bao gồm cả ngôn ngữ chính được sử dụng tại trường đại học, bởi điều này sẽ thể hiện được niềm đam mê và tích cực tìm hiểu một nền văn hóa mới. Sinh viên cũng nên đề cập đến các khóa học ngoại ngữ khác nếu có, kể cả các khóa học online.

Đối với những ứng viên có kỹ năng ngoại ngữ, Rajaram cho biết trường đại học của anh cũng đánh giá cao việc sinh viên có khả năng làm phong phú môi trường học tập trong lớp và gia tăng giá trị cho cộng đồng sinh viên.

Trong hồ sơ của mình, Tan liệt kê ra tất cả những ngoại ngữ đã học như tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Mã Lai, tiếng Quảng Đông và tiếng Phúc Kiến; cùng với thang điểm Interagency Language Roundtable cho từng ngôn ngữ để thể hiện cấp độ kỹ năng của anh. Anh ấy cũng đề cập đến việc bản thân là chủ tịch câu lạc bộ Toastmasters, cũng đạt được thành tích trong các cuộc thi nói trước đám đông.

[Tham khảo: Một ngày của du học sinh UK]

Katie Korhonen, cựu trưởng phòng tuyển sinh của NYU Shanghai, cho biết hội đồng tuyển sinh “đặc biệt ấn tượng” với những sinh viên bắt đầu học tiếng Trung ở trường trung học, vì chương trình này được giảng dạy bằng tiếng Trung Quốc và việc học ngôn ngữ này là một phần không thể thiếu trong môn nghệ thuật tự do trong chương trình học chính của những sinh viên không phải người Trung Quốc.

Cô cho biết trường đại học nhận thấy rằng những sinh viên “được hướng dẫn trước đây hoặc từng tiếp xúc với ngôn ngữ/văn hóa Trung Quốc có xu hướng là những ứng viên đáng gờm”.

Rogers cũng chia sẻ “bất kỳ biểu hiện nào của khả năng đọc viết tiếng nước ngoài đều được hoan nghênh”, đồng thời nói thêm rằng nhiều sinh viên năm nhất sắp tới tại AUP đã thông thạo ba thứ tiếng trở lên.

5. Các phẩm chất như hiếu kỳ và cởi mở

Bộc lộ tính hiếu kỳ và cởi mở có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của sinh viên.

“Việc sinh viên sẵn sàng tiếp thu những ý tưởng mới và giá trị văn hóa khác nhau có vai trò rất quan trọng trong sự thành công của sinh viên tại một trường nước ngoài như NYU Shanghai. Và chúng tôi rất trông đợi những minh chứng về sự ham học hỏi và sẵn sàng khám phá những điều mới lạ ở sinh viên,” theo Lu.

Rogers cũng cho biết 2 phẩm chất này của sinh viên là yếu tố quan trọng hàng đầu để xét đầu vào cũng như học bổng trong tương lai.

Các trường đại học nước ngoài rất quan tâm đến những sinh viên “hướng tới hoặc đã trải nghiệm những điều mới lạ trong cuộc sống hàng ngày như tham gia các hoạt động tình nguyện và dự án môi trường/cộng đồng,” theo Rogers. Anh cho biết, bản thân quyết định đi du học nước ngoài đã thể hiện được sự ham học hỏi của sinh viên.

Tính hiếu kỳ và cởi mở có thể mở ra nhiều khám phá và nghiên cứu mới mẻ, đặc biệt quan trọng với một viện nghiên cứu như UCL. Green chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn tìm được những ứng viên có tính chủ động và tư duy phản biện, có cái nhìn bao quát toàn cảnh nhưng vẫn có thể đưa ra kết luận của riêng mình”.

[Tham khảo: 4 cách khiến việc học ở trường đại học trở nên thú vị và mang tính khởi nghiệp]

6. Kinh nghiệm du lịch nước ngoài

Cuối cùng, các sinh viên cũng cần phải nhấn mạnh vào những kinh nghiệm du lịch nước ngoài hoặc khoảng thời gian sinh sống tại một đất nước khác để thể hiện khả năng thích nghi và sẵn sàng tiếp nhận nền văn hóa mới. Ví dụ điển hình của loại kinh nghiệm này có thể là việc sinh viên tham gia một chương trình nước ngoài hoặc sử dụng 1 năm gap year để du lịch.

Mặc dù đây là yếu tố không bắt buộc phải đưa vào hồ sơ du học nhưng những sinh viên đã đặt chân tới quốc gia khác vẫn nên đề cập đến giá trị của những trải nghiệm này.

Ví dụ, David Stevens, cựu trưởng phòng tiếp thị tuyển sinh tại UCL, cho biết trường đại học rất muốn biết những chuyến du lịch của sinh viên thể hiện được tính cách, sự bền bỉ và niềm đam mê với một môn học cụ thể của họ như thế nào.

Samatha Deleon, phó trưởng phòng tuyển sinh quốc tế tại Illinois Institute of Technology, cho biết du lịch nước ngoài “giúp chúng tôi biết rằng sinh viên có trải nghiệm về du lịch và các nền văn hóa mới, và có thể quá trình chuyển đổi sang cuộc sống ở Hoa Kỳ của họ cũng sẽ dễ dàng hơn.”

Reyes, sinh viên tốt nghiệp NYU Shanghai, cũng tâm sự rằng sinh viên không nên đợi đến 1 hoặc 2 năm trước khi nộp đơn xin du học mới đảm nhận các vai trò lãnh đạo, tham gia hoạt động tình nguyện hoặc đạt thành tích xuất sắc trong học tập. “Hãy dành thời gian vài năm để xây dựng hình ảnh bản thân như một sinh viên toàn cầu”.

Người dịch: Thu Huyền (SSDH)

Share.

Leave A Reply