Sẵn sàng du học – “Tạo sao bạn lại muốn đi du học?” – một đề tài tiểu luận tương đối đơn giản lại làm khó không ít sinh viên khi muốn nộp đơn trong các trường đại học quốc tế.
Dưới đây là 6 mẹo nhỏ giúp bạn khám phá những yếu tố cá nhân nhằm tìm kiếm lý do đích thực khiến bạn đưa ra quyết định đi du học và thành công với bài tiểu luận của mình:
- Liệt kê mọi ý tưởng bạn có – một cách thành thực
Hãy cầm bút lên và viết ra những lý do thực sự khiến bạn chọn lựa theo đuổi học vấn ở một quốc gia xa lạ thay vì ngay tại quê hương của mình. Những lý do ấy có thể ngớ ngẩn hay không quá rõ ràng, ví dụ như bạn muốn đi du lịch và trải nghiệm những niềm vui mới hay bạn muốn làm việc tại một thành phố công nghiệp hiện đại hoặc chỉ đơn giản là bạn muốn thoát khỏi môi trường hiện tại. Động cơ thúc đẩy bạn đến với con đường du học có thể rất chính đáng hoặc rất cá nhân, rất to tát hoặc rất giản đơn, điều đó không quá quan trọng, quan trọng là bạn biết rõ mục đích của mình là gì và cách mà bạn cố gắng để biến chúng thành hiện thực.
- Tập trung vào những ý chính
Những bài viết lan man, không tập trung vào trọng điểm sẽ khiến người đọc khó theo dõi hoặc không nắm bắt được chính xác những gì mà người viết muốn truyền tải. Chính vì thế, hãy trả lời đúng trọng tâm câu hỏi bằng cách lựa chọn một lý do tiên quyết đối với lựa chọn đi du học của bạn. Nếu không thể nghĩ ra bất kì một lý do thực sự nổi bật nào, hãy thử nhìn lại bản danh sách ban đầu và tìm kiếm những ý phù hợp với các chủ đề như: thành công trong sự nghiệp, phát triển bản thân, khám phá khoa học, trải nghiệm nền văn hóa yêu thích hay khao khát tìm kiếm sự mới lạ trong cuộc sống.
- Cụ thể – chìa khóa cho sức thuyết phục
Đến giờ phút này khi bạn đã bắt đầu hình dung ra những ý chính của bài viết, hãy bắt tay vào công đoạn “mổ xẻ” chúng một cách kĩ lưỡng.
Có tới hàng ngàn người cùng ứng tuyển vào ngôi trường này với bạn và rõ ràng là những lý do sẽ lặp lại rồi dần trở nên quá quen thuộc với hội đồng tuyển sinh. Tuy nhiên, những gì họ muốn nghe từ bạn – những sinh viên tương lai, không hẳn là những lý do mà là mối liên hệ giữa những lý do ấy với ngôi trường của họ. Hay nói cách khác chính là “bạn có rất nhiều lựa chọn, tại sao bạn lại chọn chúng tôi?”. Trả lời được câu hỏi này một cách thích đáng sẽ giúp bạn nổi bật khỏi “đám đông” và ghi điểm trong mắt nhà tuyển sinh.
Ví dụ, giữa hàng ngàn sinh viên ngành thời trang có mong muốn theo học tại Paris, bạn là người có ước mơ trở thành nhà thiết kế vải mà ngôi trường bạn nhắm tới lại có thế mạnh trong lĩnh vực này, thì đương nhiên bạn sẽ chứng minh được đây là một lựa chọn phù hợp, đồng thời điều này cũng cho thấy bạn đã nghiên cứu kĩ lưỡng về trường.
Bên cạnh đó, hãy chú ý liên hệ giữa thành phố, đất nước bạn muốn đến du học với quê hương nơi bạn đang sinh sống để làm nổi bật ước mơ hay những dự định tương lai của bạn. Ví dụ, bạn sinh ra ở Mexico và bạn mong muốn được học chuyên ngành Quản lý và phát triển đô thị tại đất nước Hà Lan, với ước mơ trở về hỗ trợ quê hương mình. Điều này sẽ cho thấy liên kết rõ ràng và cụ thể giữa tham vọng cá nhân của bạn với khóa học bạn chọn và điểm đến bạn hướng tới.
- Khoe khoang một cách khéo léo
Hội động tuyển sinh là những người tỉ mỉ và cẩn trọng, họ thích những bằng chứng rõ ràng chứng minh cho điều bạn nói. Bày tỏ niềm yêu thích đối với ngành học thôi không đủ, hãy cho họ thấy năng lực của bạn ở lĩnh vực này bằng cách chỉ ra những thành tích hoặc kinh nghiệm thực tiễn mà bạn tích lũy được trong suốt nhiều năm qua. Trước đó, hãy liệt kê một danh sách bao gồm những môn học có điểm số cao, hoạt động tình nguyện, nghiên cứu cá nhân hoặc những cột mốc đáng nhớ của riêng bạn. Sau đó, khéo léo lồng ghép chúng vào bài viết và đừng cố đề cập hết tất cả, hãy đặt chúng vào đúng chỗ để củng cố cho những gì bạn muốn truyền tải.
- Viết thành đoạn văn hoàn chỉnh
Trình bày những ý tưởng bạn đã thu thập một cách rành mạch, trôi chảy và súc tích là hết sức quan trọng. Sẽ không có một nhà tuyển sinh nào yêu thích việc phải đọc một bài viết siêu dài, với những trang viết kín đặc chữ. Hãy đi thẳng vào trọng điểm ngay từ phần mở đầu, bằng cách đề cập lý do chính khiến bạn muốn đi du học. Sau đó, giải thích và phát triển luận điểm chính bằng cách sử dụng những ý tưởng mà bạn đã thu thập được ở trên.
Không có một cách cụ thể nào để hoàn thành những dạng bài tiểu luận như thế này, xong có một lời khuyên hữu ích dành cho bạn đó là đừng quá bận tâm đến thứ tự của các luận điểm. Hãy cứ viết theo cảm nhận của mình, trong quá trình đó bạn sẽ nhận ra mình muốn sắp xếp chúng như thế nào.
- Chỉnh sửa, tiếp tục chỉnh sửa và chỉnh sửa không ngừng!
Rõ ràng việc nộp ngay phiên bản đầu tiên của những bài viết là một ý tưởng tồi. Nguyên tắc này áp dụng với mọi bài viết ở đại học, trừ khi bạn là một thần đồng văn học, nếu không bạn sẽ phải chỉnh sửa chúng rất nhiều lần trước khi hoàn thiện. Hãy tìm kiếm cả sự hỗ trợ từ những người xung quanh, nhờ họ đọc và cho bạn ý kiến. Đó có thể là cha mẹ, thầy cô, bạn bè của bạn. Nếu bạn phải viết nó bằng ngoại ngữ hãy cố gắng xin ý kiến từ một người sử dụng ngôn ngữ đó như tiếng mẹ đẻ, để đảm bảo chắc chắn không có bất kì sai sót nào. Một lỗi chính tả cũng là không thể chấp nhận được và không có chỗ cho những lý do không chính đáng.
Ánh Dương (SSDH) – Theo studentworldonline.com