SSDH – Ngày nay khi tiếng Anh gần như trở thành điều kiện cần để nhiều người đặc biệt là các bạn trẻ vững bước trên con đường sự nghiệp hay “gần như chắc suất” tại các doanh nghiệp nước ngoài, thì trào lưu “người người học TOEIC, nhà nhà học TOEIC” cũng “hot” hơn bao giờ hết. Đáng tiếc trong dòng người đổ xô đi học này, lại không nhiều người thành công với TOEIC . Vậy nguyên nhân đến từ đâu? Hãy cùng SSDH tìm hiểu ngay sau đây nhé!
1. Không biết trình độ hiện tại của mình
Không ít bạn khi bắt đầu học TOEIC khá mù mờ về trình độ của mình, thậm chí khi được hỏi nhiều bạn đưa ra những câu trả lời rất mơ hồ như: “Hồi học cấp 3 trong lớp kiểm tra em được tầm 5,6 điểm gì đó”, hay “Em chỉ học sơ sơ hồi cấp 3 để thi tốt nghiệp, sau khi lên đại học thì chưa đi học thêm ở đâu cả”,…
Từ sự mơ hồ về trình độ ban đầu này của mình, cộng với sự vội vàng khi tự mày mò tài liệu trên mạng mà không ít bạn đã bị “choáng” khi đọc những bài thi mẫu TOEIC dài lê thê hay “chìm nghỉm” giữa một rừng kiến thức do lỡ … mua nhầm các giáo trình TOEIC không phù hợp với trình độ của mình. Hậu quả là sau một thời gian ngắn tự học không có phương pháp đúng đắn, nhiều bạn đã sớm bỏ cuộc hoặc luẩn quẩn với những điểm số thấp lè tè sau mỗi lần thi lại TOEIC.
Vì vậy, dù tự học hay học tại các trung tâm tiếng Anh, điều quan trọng đầu tiên đó là, bạn cần phải biết trình độ hiện tại của mình ở đâu, sau đó đề ra kế hoạch học tập hợp lý, và chọn tài liệu ôn tập phù hợp để đạt được mức điểm mục tiêu.
2. Mục tiêu không thực tế và không có kế hoạch rõ ràng
Những người học TOEIC thường có những câu hỏi như: “Tháng trước em có thi TOEIC, chỉ được có 450 điểm. Anh chị có cách nào tư vấn để em lên được 800 điểm sau 1 tháng nữa không ạ?” “2 tháng nữa em sẽ nộp đơn xin việc ở công ty A, họ yêu cầu TOEIC ít nhất phải được 850, anh chị có cách nào giúp em với, em học ngành kĩ thuật nên 4 năm đại học không động chạm gì đến tiếng Anh mấy ạ”
Không ai đánh thuế bạn ước mơ hay đặt mục tiêu cao, tuy nhiên các bạn cần biết rằng để tăng 1 điểm số đáng kể như vậy trong kì thi TOEIC, đòi hỏi người học phải có sự phát triển toàn diện về tiếng Anh và nỗ lực trong thời gian dài, kết hợp với phương pháp ôn luyện đúng. Chưa kể, việc tăng điểm nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nền tảng tiến Anh ban đầu cũng như năng lực tiếp thu của từng học viên. Vì vậy, không có con đường tắt nào để thành công với TOEIC hay tiếng Anh nói chung. Công thức thành công tối ưu nhất cho tất cả người học đó là: phương pháp đúng và khổ luyện.
3. Chỉ giải đề mẫu mà không hệ thống hóa kiến thức
Hiện nay đa số các bạn chọn cách giải thật nhiều đề thi mẫu cho “quen tay” để luyện thi TOEIC . Tuy nhiên, theo cô Kiều Trang – Một giảng viên có nhiều năm luyện thi TOEIC cho biết:”Phương pháp này chỉ hiệu quả với những bạn đã nắm chắc kiến thức, kĩ năng tiếng Anh và cần làm quen với không khí làm bài khi gần đến ngày thi thật”
Còn đối với những bạn mới bắt đầu với TOEIC hay kiến thức tiếng Anh chưa vững, việc vội vã giải đề không khác gì “tự dọa” chính mình và dần “chết đuối” giữa biển câu hỏi khá “đồ sộ” của bài thi thật. Bởi ứng với mỗi phần trong bài thi TOEIC là một lượng kiến thức và kỹ năng nhất định mà bạn cần phải phát triển. Vì vậy để giải được đề, trước tiên bạn phải nắm vững những kiến thức và kỹ năng đó. Việc giải đề chỉ giúp bạn ôn lại những gì đã học và làm quen với không khí thi thật mà thôi.
4. Không biết cách trau dồi vốn từ vựng hiệu quả
Một trong những trở ngại lớn nhất của trên 80% những người học TOEIC sự thiếu hụt về từ vựng dẫn đến việc không thể đọc và nghe hiểu tốt.
Để phát triển từ vựng, cách duy nhất là bạn phải học từ mới hàng ngày và ôn lại sau 1 thời gian nhất định. Cách thuận tiện nhất là giữ 1 cuốn sổ nhỏ bên mình, để có thể giở ra bất kì nào bạn rảnh và ghi lại từ mới nhanh nhất có thể. Không phải lúc nào bên cạnh bạn cũng có máy tính và có mạng phải không nào.
5. Chỉ tập trung ôn ngữ pháp
Chỉ cần lướt qua các group tự luyện TOEIC lớn nhất hiện nay trên Facebook: Toeic Practice Group, Đồng hành cùng đạt TOEIC 990, TOEIC và những người bạn,… hay search google, không khó để nhận ra, đa số các bài post hay clip hướng dẫn học thi TOEIC đều tập trung vào: Part 5 – Part 6.
Và cũng không khó để nhận ra, đa số các sĩ tử TOEIC đều rủ nhau hùng hục”cày” phần này không biết mệt mỏi, và không ít các bạn chỉ ôn TOEIC bằng cách giải những câu hỏi đó trên các diễn đàn đó.
Tại vậy? Đa số các bạn này đều nói rằng: Vì đó là phần “Dễ ăn điểm nhất”, quen thuộc nhất với lối học tiếng Anh hầu như chỉ qua ngữ pháp ở trường phổ thông. Nhưng rất tiếc, Part 5-6 chỉ chiếm có 25% tổng số điểm TOEIC thôi. Vì vậy dù bạn có là “thánh” ngữ pháp ở phần này thì tối đa chỉ được có 240 điểm mà thôi.
Chiến thuật ở đây là, bạn hãy ôn tất cả các phần và dành thời gian cho những phần nào chiếm nhiều tỉ lệ điểm nhất. Tuy khó những nếu bạn chú tâm ôn những phần đó, kỹ năng tiếng Anh tổng quát của bạn sẽ được tăng cường và những khả năng làm những part khác cũng được “hưởng xoáy” theo. Các phần thường chiếm nhiều điểm nhất trong TOEIC chính là Part 3-4-7 sau đó là Part 2, Part 5-6 và Part 1
6. Không quảng lý thời gian tốt
Rất nhiều bạn sau khi đi thi TOEIC về đã chia sẻ như sau: “Làm xong Part 1, đễn giữa Part 2 là em bị ngợp rồi trượt dài, không hiểu người ta nói gì luôn” , hay “phần bài đọc khó quá, em loay hoay mãi nên chẳng đủ thời gian làm hết phần ngữ pháp”,…
TOEIC là 1 bài thi rất dài lên đến 200 câu, thời gian làm bài được tính toán đã được tính toán rất sát đê bạn không có thời gian mò đề, hay phân vân giữa các lựa chọn. Bởi vậy, để làm tốt bài thi TOEIC, thí sinh cần khả năng tập trung và quản lý thời gian cực kì tốt mới có thể đương đầu với 200 câu hỏi này được.
Một trong những phần thi gây nản và khiến các thí sinh dễ mất tập trung nhất chính là phần Nghe hiểu, nhiều bạn chỉ nghe được 10 phút đầu sau đó “choáng váng” và hoàn toàn mất tập trung sau đó. Cứ như vậy do làm phần nghe hiểu không suôn sẻ, nên tâm lý hoang mang, căng thẳng tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng làm bài ở phần Đọc hiểu của các bạn này. Vì vậy để luyện thi nghe hiệu quả bạn cần:
- Tập thói quen thường xuyên nghe hàng ngày, ít nhất là 10 phút, hãy bất kì thứ gì bằng tiếng Anh: conversations, nhạc, xem phim,… Hãy chắc chăn rằng tiếng Anh là một phần cuộc sống của bạn, và là âm thanh không còn “lạ tai” gì với bạn cả
- Luyện nghe theo cường độ và độ dài tăng dần đều để làm quen với việc phải nghe tiếng Anh trong thời gian dài
- Ưu tiên việc luyện phát âm chuẩn trước khi học nghe theo đề. Bạn chỉ có thể nghe hiểu tốt khi nắm rõ các quy tắc phát âm, luyến âm, nhấn trọng âm của người bản ngữ.
7. Chưa có phương pháp ôn luyện “nước rut” hiệu quả
Ngoài ra, một kinh nghiệm luyện thi hiệu quả khác đó là trước kì thi thật khoảng 2-3 tuần, bạn mới nên luyện tập bằng cách mỗi ngày làm 1 đề mẫu theo các bước sau:
- Bước 1: Bấm giờ và làm bài như thi thật. Hãy bắt đầu làm bài vào đúng khung giờ mà bạn đã đăng kí vào ngày thi chính thức nhé!
- Bước 2: Tự chấm điểm và gạch chân những lỗi sai
- Bước 3: Ghi chú tất cả các lỗi sai và tổng hợp vào 1 quyển sổ hoặc kẹp tài liệu
- Bước 4: Rút ra bài học cho mình, lấp chỗ trống kiến thức ở những phần còn sai ngữ pháp
Thái Hải (SSDH) – Theo Elight