9X trúng tuyển chương trình thạc sĩ Đại học Harvard

0

SSDH – Về Việt Nam sau khi từ chối công việc ở phố Wall, Nguyễn Nhật Minh trúng tuyển chương trình thạc sĩ của Đại học Harvard và giành hai học bổng tiến sĩ ở Australia.

Nhat-Minh-6904-1616669263

Những ngày qua, Nguyễn Nhật Minh (23 tuổi, Hà Nội) liên tục nhận tin vui. Từ Mỹ, Đại học Harvard thông báo Minh trúng tuyển bậc thạc sĩ ngành Computational Science and Engineering (CSE). Ngay sau đó, em nhận được lời chúc mừng cùng thông báo Hội đồng Nghiên cứu quốc gia của Khối thịnh vượng chung Australia cho em học bổng tiến sĩ toàn phần ngành Data Science (Khoa học dữ liệu) trị giá 6,5 tỷ đồng cho bốn năm nghiên cứu.

Minh còn nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần ngành Toán thống kê trị giá 6 tỷ đồng từ Đại học Macquarie (Australia). Trước đó, nữ sinh gốc Hà Nội đã tốt nghiệp loại giỏi với điểm GPA 3.9/4.0 ngành Toán ứng dụng của Đại học Vanderbilt (trường top 14 của Mỹ theo US News & World Report).

“Giữa đại dịch Covid-19, những học bổng lớn khiến em rất vui. Em cần tìm hiểu kỹ các chương trình trước khi lựa chọn”, Minh nói, tỏ vẻ chín chắn hơn thời điểm cách đây hai năm, khi chia sẻ bí quyết xin thực tập ở phố Wall và Văn phòng bang Tennesse. Minh bảo chính thời gian thực tập ở hai cơ quan đó đã đưa đến quyết định học cao hơn rồi mới đi làm.

Tháng 3/2020, khi đang học năm cuối Đại học Vanderbilt và nhận được lời mời làm việc toàn thời gian cho tập đoàn tài chính hàng đầu của Nhật – Nomura Holdings ở phố Wall với mức lương khoảng 2 tỷ đồng một năm, Minh quyết định về Việt Nam, phần vì Covid-19, phần vì muốn có thời gian tĩnh tâm để suy nghĩ thêm về định hướng tương lai.

Minh chia sẻ học hỏi được nhiều từ hai công việc thực tập, đã sống hết mình với nó. Tuy nhiên, sự đối lập giữa hai công việc khiến Minh phải suy nghĩ lại. Làm việc tại phố Wall, em tiếp xúc với nhiều thương vụ, có điểm chung là giúp cho người giàu càng giàu thêm chứ không giúp gì cho người khó khăn. Điều đó trái ngược với kỳ thực tập trước đó, khi Minh làm ở văn phòng bang, nơi em giải quyết vấn đề thất thoát nước cho những cộng đồng đang gặp khó khăn.

“Em đã cố gắng rất nhiều với mong muốn được nhận vào làm full time ở Nomura Holding, nơi rất ít người nước ngoài được nhận. Nhưng rồi những ngày vùi mình vào công việc khiến em cảm thấy mình không tạo ra được tác động gì lớn cho xã hội. Nhớ những ngày thực tập ở văn phòng bang, đi dạy tình nguyện ở Việt Nam, em nhận ra mục tiêu của mình là giải quyết vấn đề xã hội, giúp đỡ cộng đồng”, Minh nói.

Dù nghĩ được vậy, lựa chọn ở lại Mỹ hay về Việt Nam đối với Minh vẫn là khó khăn. Bởi về Việt Nam, em gần như phải bắt đầu lại từ đầu trong khi đang có sẵn công việc ở Mỹ. Tìm hiểu rất nhiều từ anh chị đi trước, Minh hiểu tấm bằng giỏi từ đại học Mỹ không đảm bảo cho em một công việc phù hợp khi về nước, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Chia sẻ suy nghĩ với gia đình, bố mẹ Minh không áp đặt mà nói sẽ luôn tôn trọng quyết định của em. Chính điều đó khiến Minh thấy càng phải có trách nhiệm với cộng đồng và bản thân hơn. Em không muốn ở lại Mỹ chỉ để lấy kinh nghiệm bằng một công việc nặng nề và không có thời gian cho đam mê.

Về Việt Nam, sau thời gian cách ly, Minh quyết định vừa học online để hoàn thành chương trình cử nhân ở Mỹ, vừa xin việc. Làm việc trong môi trường nhà nước và cả tư nhân, Minh như muốn nghẹt thở vì xung quanh chỉ toàn những “chỉ số” và sự thúc ép. Em không được làm đúng công việc thế mạnh, cũng ít có cơ hội sáng tạo hay góp ý dù đó là doanh nghiệp về công nghệ, nơi đáng lẽ sự sáng tạo phải được đề cao.

Giữa lúc đó, 9X Hà Nội được một giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân mời cùng làm nghiên cứu và trợ giảng ở lĩnh vực Data Mining (Khai phá dữ liệu). Dù chỉ hơn sinh viên 1-2 tuổi, Minh có thể chia sẻ khá nhiều kinh nghiệm và kiến thức nhờ 4 năm ở Mỹ. Em thấy mình hợp với việc nghiên cứu và giảng dạy này.

Tháng 9/2020, Minh quyết định nộp hồ sơ du học bậc thạc sĩ và tiến sĩ. Do yêu cầu hai chương trình là khác nhau, Minh mất nhiều thời gian. Nộp hồ sơ thạc sĩ tương tự như đại học, vẫn cần điểm GPA, bài luận, thư giới thiệu. Tuy nhiên, điểm GPA và thư giới thiệu còn quan trọng hơn cả bài luận vì bài luận đơn giản hơn bậc đại học, chỉ bày tỏ mục tiêu của mình.

Điểm GPA của Minh là 3.9/4.0, tốt nghiệp trường đại học top 14 của Mỹ nên 9X không lo lắng. Em cũng có kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu nên điều cần nhất là phải tập trung vào việc nhờ giáo sư viết thư giời thiệu. “Hồi còn học ở Mỹ, em chú trọng vào việc thực tập, không đi theo làm nghiên cứu cùng giáo sư nào, cũng không quá thân thiết với thầy cô”, Minh nói. Tuy nhiên, chính nhờ sự chăm chỉ, điểm GPA nổi trội trong lớp, các giáo sư vẫn nhớ đến Minh nên việc nhờ viết thư giới thiệu không khó khăn.

Ở Việt Nam, em đã nhờ chính giảng viên đã cho em theo trợ giảng viết thư giới thiệu. Thầy từng có thời gian làm nghiên cứu tại Đại học Harvard.

Bài luận cũng được Minh viết chỉn chu. Em kể chính câu chuyện đối lập khi làm ở ngân hàng đầu tư và văn phòng chính phủ bang cũng như quãng thời gian đi dạy tình nguyện ở Việt Nam từ thời THPT để nói về mong muốn thay đổi chính sách, tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho xã hội.

Minh dẫn dắt bài luận đến việc bày tỏ mong muốn được học thạc sĩ một ngành liên quan đến công nghệ để có thể ứng dụng vào phân tích, giải quyết gốc rễ các vấn đề về giáo dục, môi trường. Tất cả giúp Minh thuyết phục được ban tuyển sinh của Đại học Harvard.

Nhật Minh trong buổi tiệc cùng các bạn ở Đại học Vanderbilt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhật Minh trong buổi tiệc cùng các bạn ở Đại học Vanderbilt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Với hồ sơ tiến sĩ, điều quan trọng nhất là phải tìm được giáo sư nhận mình làm nghiên cứu sinh. Do học đại học ở Mỹ, khi nộp hồ sơ ở Australia, Minh phải tìm hiểu rất nhiều để tìm ra những giáo sư ở các đại học danh tiếng trước khi quyết định gửi mail cho họ. Minh vào website của trường tra danh sách giáo sư, những ngành học yêu thích rồi lập hẳn bảng Excel những người cần tìm hiểu, đọc nghiên cứu nổi trội của họ. Sau đó, em mới gửi email giới thiệu mình và nói lý do muốn được họ hướng dẫn.

“Việc tìm hiểu rồi thể hiện những hiểu biết của mình về nghiên cứu của các giáo sư trong email là rất quan trọng. Nó sẽ đảm bảo email của mình được phản hồi chứ không lạc trôi trong cả trăm email mỗi ngày giáo sư nhận được”, Minh nói.

Không nhớ chính xác đã gửi email đến bao nhiêu người, Minh nhận được nhiều phản hồi. Có người nói thẳng không có kinh phí để nhận nghiên cứu sinh (vì xin học tiến sĩ là xin luôn học bổng). Có giáo sư đánh giá cao tiềm năng nhưng vì không có điều kiện nhận bây giờ nên giới thiệu sang người khác. Có người yêu cầu nói chuyện trước rồi sắp xếp những cuộc gọi chừng 15-20 phút.

Minh nói chuyện với khoảng 5-10 giáo sư và một người đã giới thiệu em cơ hội nhận học bổng tiến sĩ của chính phủ để theo học ngành Data Science. Em phải trải qua cuộc phỏng vấn kéo dài một tiếng với hội đồng tuyển chọn, gồm 6 nhà khoa học ở Australia trước khi nhận được cái gật đầu đồng ý với học bổng toàn phần bậc tiến sĩ trị giá 6,5 tỷ đồng.

Hiện Minh vẫn tìm hiểu các chương trình đã trúng tuyển thông qua các khóa online trước khi đi đến quyết định trong tháng 4. Em cũng vừa đi trợ giảng, tham gia thực tập tại công ty công nghệ, vừa làm một số sở thích cá nhân như tập kick boxing, gym mỗi ngày. Em còn tạo ra kênh Youtube riêng mang tên “Nhat Minh Megan Nguyen” để chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng và trải nghiệm du học.

SSDH ( Theo Dân Trí )

Share.

Leave A Reply