Sẵn sàng du học – Bánh tằm mì – những miếng khoai mì sợi xanh đỏ rút ra từ làn đi chợ của mẹ – niềm vui mà chỉ 9x mới hiểu!
Ngày trước bố mẹ đều đi làm, tôi bé con sống với dì. Sau bao nhiêu năm trôi qua thì điều tôi nhớ nhất về dì chính là bịch khoai mì sợi đầy màu sắc nấp trong làn đi chợ mỗi cuối tuần. Mỗi lần nhớ lại tôi đều không kiềm được mà cảm thán, hạnh phúc đến mới dễ dàng làm sao. Khi là trẻ con – khi mà chỉ một gói bánh khoai mì bé xíu cũng đủ khiến mình vui vẻ.
Ngày đó ấy, người ta họp chợ sớm và dì tôi cũng đi chợ từ sớm, sáu giờ sáng là lúc dễ mua được thịt cá tươi nhất. Khoai mì sợi cùng mấy món ăn lặt vặt khác cũng được bán vào tầm này, được người ta bày ra trên những chiếc mâm bằng thiếc, hay đôi khi là những đòn gánh. Ở những con chợ tưởng chừng hỗn độn ấy lại có một nguyên tắc bất thành văn thế này: đồ ăn vặt như bánh khoai mì, bánh cam, chè nước đều hay được bày bán gần cổng chợ, để khi người ta mua đủ nguyên liệu cơm nước cho ngày hôm đó rồi thì trên đường ra khỏi chợ có thể mua luôn quà vặt cho mấy đứa nhỏ ở nhà.
Tôi đã từng có lần theo dì đi chợ sớm và dưới cái nhìn trẻ con lúc đấy, giữa các hàng gánh bánh trái thì món khoai mì sợi – hay bánh tằm mì có màu sắc xanh xanh đỏ đỏ lúc bấy giờ, hiện lên nổi bật như một bông thược dược giữa khu vườn toàn hoa dại.
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với thứ gọi là bánh tằm khoai mì ấy, đó là một trải nghiệm thật thần thánh: hình dạng giống bánh tằm, nhưng ăn vào thấy bùi, thơm, và ngọt. Từng có lúc tôi thích nó đến mức hôm nào dì không mua nó, tôi sẽ giãy lên và từ chối không động đũa trong bữa cơm. Thế nhưng, lớn rồi tôi mới nhận ra rằng, cũng chẳng phải mình đặc biệt yêu thích bánh khoai mì sợi, dù đó là thứ mà tôi của ấu thơ đã vô cùng mong chờ. Tôi nhớ không phải vị của bánh, mà là niềm vui non trẻ mỗi khi lục lọi trong chiếc làn đi chợ, và tìm thấy được một gói bánh khoai mì được gói kĩ càng trong lá chuối.
Đối với những đứa trẻ như tôi, khoai mì sợi không được yêu mến vì hương vị của nó nhiều như cái cách nó đã lớn lên cùng chúng tôi thế nào, hay cách nó trở thành biểu hiện yêu thương đầy khiêm tốn của người lớn với con trẻ trong gia đình ra sao. Tôi yêu quý món bánh ấy bởi vì biết rằng, mỗi khi dì tôi đi chợ và nhìn thấy gánh khoai mì nào đó, mãi cho đến hiện tại đây khi chúng tôi đã không còn sống cùng nhau, thì dì vẫn sẽ luôn nhớ về tôi. Dì sẽ nhớ một cách sai lầm rằng tôi đã thích món bánh ấy như thế nào, và thi thoảng sẽ nhắc lại với tôi, và than phiền mỗi khi tôi về thăm nhà rằng, gánh khoai mì năm xưa đã nghỉ bán tự lúc nào rồi. Mà tôi thì chẳng thể thú nhận rằng, thực ra con chẳng thích nó đến thế đâu.
Tôi của năm ấy vẫn sẽ luôn tồn tại cùng với món bánh khoai mì trong ký ức của dì, cũng như những đứa trẻ khác với mẹ, chị hay bà của chúng. Đó là cách mà người lớn ngộ nhận rằng, con cái họ thích món này, món kia, trong khi thực ra chúng chỉ thích khi nhận được sự chú ý của họ mà thôi.
Tôi thích khoai mì sợi nhất ở cái việc mà dường như nó sinh ra đặc biệt dành cho những đứa trẻ: rõ là một món ăn vô cùng bình thường từ nguyên liệu đến hương vị, nhưng màu sắc xanh xanh hồng hồng dễ thương lại làm nên cái gọi là "thương hiệu" cho khoai mì sợi. Đối với người lớn chuộng sự đơn giản trong hình thức thì điều này chẳng có ý nghĩa gì, song bọn trẻ con được mẹ dắt đi chợ lại có thể nhảy cẫng lên trước món bánh xanh xanh đỏ đỏ ấy. Mỹ cảm của người lớn và trẻ con rất khác nhau, chẳng phải vì thế mà các loại mặt hàng kẹo bánh dành cho trẻ em đều phủ một lớp màu sắc sặc sỡ vô cùng. Tôi cho rằng người sáng tạo ra món bánh này, dù là ai, hẳn cũng đã nghĩ tới trẻ em rất nhiều khi làm ra nó.
Khoai mì sợi vốn là một biến tấu nhỏ của bánh khoai mì: cũng cùng một loại nguyên liệu chính là khoai mì, đường, dừa nạo… nếu bánh khoai mì nướng truyền thống là dành cho người lớn thì khoai mì sợi với vị ngọt bùi hơn, chất mềm dẻo hơn, và làm theo dạng sợi với màu sắc bắt mắt chính là được sinh ra vì trẻ em. Chỉ có trẻ em mới thích những thứ dạng sợi, mềm mềm, có thể ăn bằng cách dùng tay không nhón từng miếng, từng miếng một như vậy.
Hương vị của món bánh khoai mì sợi trong ký ức của tôi có vị bùi bùi của khoai mì, vị ngọt đơn giản từ đường cát pha thêm chút mằn mặn của mè rang, phủ lên một tí dừa nạo thơm thơm. So với các món bánh ngọt mà những đứa trẻ sinh sau năm 2000 ưa chuộng hiện giờ, khoai mì sợi chắc chắn thua xa về độ phức tạp trong cách làm cũng như nguyên liệu, ngày xưa đâu có ai nghĩ đến việc kết hợp hương vani thơm lừng hay bơ sữa béo ngậy cho một món bánh bình dân như thế. Bánh khoai mì sợi thu hút trẻ em hoàn toàn là nhờ vào ngoại hình bắt mắt và hình dáng độc đáo so với bánh khoai mì truyền thống.
Vào cái thời mà siêu thị cùng cửa hàng tiện lợi còn chưa phổ biến, và mấy khu chợ với nền đất lấm lem sình bùn còn vô cùng tấp nập, bánh khoai mì sợi là một trong những món ăn vặt mà trẻ con ưa chuộng nhất. Không phải vì nó đặc biệt ngon so với các loại bánh kẹo, mà vì nó là món mà người lớn hay mua làm quà sáng cho trẻ con, và đối với tụi trẻ con thời ấy thì bản thân cái việc ngóng chờ mẹ hay dì đi chợ về cũng là một loại thú vui rồi. Đó là loại niềm vui giản đơn mà thế hệ sau này sẽ rất khó để biết được, vì không ai bán khoai mì sợi trong siêu thị, cũng không người phụ nữ bận rộn nào lại có thời gian đi chợ sớm, và những con chợ thì ngày càng ít đi, nhường đường cho sự phát triển của siêu thị cùng các chuỗi cửa hàng tiện lợi theo kịp mức sống ngày một đi lên.
Bây giờ, bánh khoai mì sợi dù có được cải tiến như thế nào, bán ở đâu, cũng sẽ không thể nào mang lại cảm giác hạnh phúc vẹn nguyên như khi tôi còn bé và lần đầu nhận từ tay dì gói bánh còn nóng hổi.
Tuy nhiên tôi không cảm thấy tiếc nuối, vì đó là cách thế giới vận hành, những gánh khoai mì không thể nào mãi tồn tại, không đứa trẻ nào bắt buộc phải hiểu được những thứ gọi là quý giá đối với thế hệ trước cả, vì chúng có trải nghiệm của riêng mình. Thế nhưng, mỗi khi ngồi một mình và chợt nhớ lại, khi đi ngang qua con đường nào đấy và chợt thấy một gánh khoai mì, tôi nhất định sẽ cảm thấy vui vẻ trong lòng, dù chỉ một lúc ngắn ngủi.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14