Bạn có thể làm gì với tấm bằng chuyên ngành Vật lý?

0

SSDH- Nếu không có các nhà vật lý, thế giới hiện đại sẽ là một nơi rất khác. Nghiên cứu vật lý là nền tảng cho nhiều khám phá quan trọng của thế kỷ 20 – bao gồm tia laser, truyền hình, đài phát thanh, công nghệ máy tính và vũ khí hạt nhân – và Vật lý đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của lý thuyết lượng tử, lý thuyết tương đối, vụ nổ lớn, và sự phân tách của nguyên tử.

Sinh viên chuyên ngành Vật lý cần có một cái đầu rất nhạy bén về các con số, nắm bắt tốt các nguyên tắc khoa học và quan tâm sâu sắc đến những khám phá liên quan đến thế giới vật chất. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về những công việc bạn có thể làm sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý.

Bạn có thể làm gì với tấm bằng Vật lý?

Sự đa dạng nghề nghiệp trong lĩnh vực Vật lý là một trong những lí do hấp dẫn nhiều sinh viên lựa chọn theo học ngành Vật lý. Sinh viên tốt nghiệp ngành này sở hữu những kỹ năng được đánh giá cao trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm các kỹ năng liên quan đến tính toán, giải quyết vấn đề, phân tích dữ liệu và truyền đạt các ý tưởng phức tạp, cũng như hiểu biết sâu rộng về cách thế giới vận hành ở cấp độ khoa học và con người.

Bộ kỹ năng có giá trị cao và linh hoạt này có thể giúp sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý kiếm được nhiều tiền hơn! Theo Save the Student, trong khi mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên tốt nghiệp ở Anh là £23,000 (khoảng $29,592), những người có bằng Cử nhân Vật lý kiếm được nhiều hơn khoảng 14,4% (£26,312, khoảng $33,853).

[Tham khảo: Các trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ về khoa học vật lý 2023]

Top công việc phổ biến ngành Vật lý

Cho dù bạn muốn khám phá không gian, thời gian, vật chất hay nhiều khịa cạnh hấp dẫn khác của thế giới vật chất, tấm bằng vật lý có thể mang lại nhiều triển vọng cho con đường sự nghiệp của bạn. Trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp vật lý tiếp tục làm việc trong mảng nghiên cứu, họ vẫn có thể làm việc trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau – bao gồm giáo dục, công nghiệp ô tô và hàng không vũ trụ, quốc phòng, khu vực công, y tế, năng lượng, vật liệu, công nghệ, máy tính và CNTT.

Khoa học nghiên cứu

Mặc dù có thể tham gia nghiên cứu khoa học khi còn là thực tập sinh hoặc kỹ thuật viên có bằng đại học loại tốt, những sinh viên muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu lâu dài nên cân nhắc học thêm vì vị trí nghiên cứu cấp cao thường dành cho những sinh viên có bằng thạc sĩ trở lên. Ngoài bằng Thạc sĩ, MPhys và Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu hàng đầu cũng có thể trở thành CPhys tại Viện Vật lý (IOP).

Mục đích chính của việc học vật lý ở bậc đại học là giúp bạn có thêm kiến ​​thức chuyên sâu, giúp bạn làm việc hiệu quả trong một lĩnh vực cụ thể. Các lĩnh vực chuyên môn tiềm năng bao gồm vật lý thiên văn, vật lý hạt, công nghệ sinh học, công nghệ nano, khí tượng học, động lực học vũ trụ, vật lý nguyên tử và laser, vật lý khí quyển, đại dương và hành tinh và khoa học khí hậu.

Vật lý thiên văn và vũ trụ

Hẳn nhiều người đã muốn trở thành phi hành gia khi còn nhỏ, nhưng nếu bạn học vật lý, ước mơ này có thể trở thành hiện thực! Tất nhiên, các vị trí trong lĩnh vực không gian bị hạn chế và có tính cạnh tranh rất cao, và hầu hết không đảm bảo bạn sẽ có cơ hội du hành vũ trụ. Đối với các vị trí hành chính và thực tập sinh trong lĩnh vực này, bằng đại học có thể là đủ, nhưng đối với những vị trí cấp cao hơn và yêu cầu tính chuyên môn hơn, bạn sẽ cần ít nhất là bằng thạc sĩ.

Cũng như các viện nghiên cứu, trong cả khu vực công và tư nhân, có một số tổ chức khác tuyển dụng việc làm liên quan đến không gian và thiên văn học, bao gồm các bảo tàng và cung thiên văn. Nhiều nhà thiên văn học chuyên nghiệp cũng có thể tiến hành nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng, hoặc các phòng thí nghiệm nghiên cứu và đài quan sát có liên kết với các tổ chức học thuật.

Là một nhà thiên văn học, công việc của bạn sẽ là nghiên cứu vũ trụ, thu thập dữ liệu từ các vệ tinh và tàu vũ trụ toàn cầu cũng như vận hành kính thiên văn vô tuyến và quang học. Các nhiệm vụ khác trong lĩnh vực này bao gồm điều tra và nghiên cứu vật liệu và công nghệ mới, đo lường hiệu suất của vật liệu và công nghệ hiện có cũng như giải quyết vấn đề ở giai đoạn thiết kế.

[Tham khảo: Top Đại Học Đỉnh Cao Cho Cơ Hội Việc Làm Sau Tốt Nghiệp: Bảng Xếp Hạng Toàn Cầu về Khả Năng Tuyển Dụng 2023-24]

Vật lý trong chăm sóc sức khỏe

Mặc dù đây có thể không phải là ngành đầu tiên bạn nghĩ đến nhưng nghề vật lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có rất nhiều. Vật lý y tế có sự tương đồng đáng kể với kỹ thuật y sinh và các nhà vật lý làm việc cùng với các kỹ sư y sinh để chế tạo, xem xét và duy trì các công nghệ và thiết bị y tế. Mặc dù tim mạch và thần kinh là những lĩnh vực dành riêng cho những người có bằng y khoa bổ sung, các nhà vật lý thường xuyên được tuyển dụng trong các lĩnh vực như X quang, ung thư bức xạ và y học hạt nhân, để thử nghiệm và phê duyệt các công nghệ và thiết bị mới nhất.

Việc làm liên quan đến nghiên cứu trong lĩnh vực này có thể tìm thấy ở nhiều công ty công nghệ y tế, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm nghiên cứu và tổ chức học thuật. Kiến thức về vật lý máy gia tốc, phát hiện bức xạ và khoa học vật liệu rất có giá trị đối với nhiều vị trí, và bằng thạc sĩ về chuyên ngành liên quan (ví dụ: vật lý y tế) cũng sẽ giúp bạn có cơ hội gia nhập ngành này.

Vật lý kỹ thuật

Lĩnh vực kỹ thuật cung cấp nhiều việc làm cho sinh viên vật lý, đặc biệt là trong các vai trò sản xuất và yêu cầu sử dụng công nghệ. Sinh viên tốt nghiệp ngành vật lý thường được giao nhiệm vụ cải tiến và phát triển sản phẩm cũng như quy trình sản xuất, đồng thời hưởng lợi từ nhiều nhà tuyển dụng tiềm năng trải dài trên nhiều ngành như y học, năng lượng, vận tải, quốc phòng, thám hiểm không gian và viễn thông.

Vật lý năng lượng

Dù nhắc đến năng lượng tái tạo hay không tái tạo, có rất nhiều nghề nghiệp về vật lý trong lĩnh vực năng lượng. Cùng với sự phát triển của năng lượng tái tạo, các công ty dầu khí vẫn là những công ty lớn trên thị trường năng lượng và là nhà tuyển dụng chính cho sinh viên tốt nghiệp ngành vật lý. Một lĩnh vực trọng tâm là khai thác trữ lượng nhiên liệu hóa thạch theo cách hiệu quả nhất có thể, sử dụng kiến ​​thức về đặc điểm của Trái đất và các công nghệ mới nhất.

Trước viễn cảnh nhiên liệu hóa thạch dần cạn kiệt, các công ty năng lượng cũng đang mở rộng tìm kiếm giải pháp thay thế tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, đồng thời đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này, mang lại nhiều tiềm năng nghề nghiệp cho sinh viên Vật lý. Vai trò của bạn ở đây có thể là cộng tác với các nhà khoa học và kỹ sư khác để phát triển các hệ thống năng lượng hoạt động và hiệu quả nhằm khai thác năng lượng của Trái đất một cách bền vững và tiết kiệm chi phí.

[Tham khảo: 6 bước để thực hiện một dự án nghiên cứu]

Vật lý trong công nghệ

Là một lĩnh vực rộng lớn thúc đẩy sự tăng trưởng và đổi mới liên tục, lĩnh vực công nghệ luôn là nguồn cung cấp nhiều cơ hội, thách thức và con đường sự nghiệp mới. Đối với sinh viên tốt nghiệp vật lý, họ có nhiều cơ hội làm việc cùng với các chuyên gia khác để phát triển những ý tưởng và sản phẩm mới. Các lĩnh vực có nhu cầu đặc biệt cao về nhân lực nghiên cứu và phát triển thuộc nhiều mảng khác nhau bao gồm các lĩnh vực tương đối trẻ như robot, khoa học nano và công nghệ nano.

Việc làm công nghệ trong vật lý có thể được tìm thấy tại các trung tâm nghiên cứu khu vực công hoặc tư nhân. Có nhiều cơ hội dành cho sinh viên tốt nghiệp tại các công ty công nghệ lớn như Philips hay Siemens, vì những doanh nghiệp này mong muốn thu hút các nhà nghiên cứu tài năng và sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới.

Vật lý trong địa lý và khí tượng học

Những sinh viên vật lý cũng là những ứng cử viên hàng đầu cho những công việc liên quan đến môi trường, nhờ vào sự hiểu biết khoa học của họ về cách thức hoạt động của Trái đất. Trong khi các nhà địa vật lý quan tâm nhiều hơn đến việc dự đoán thiên tai thì các nhà khí tượng học lại tập trung vào các lĩnh vực như dự báo thời tiết hàng ngày cũng như nghiên cứu những tác động lâu dài của biến đổi khí hậu.

Nếu những việc làm trên không đủ hấp dẫn bạn, bạn còn có thể làm gì với tấm bằng vật lý? Bạn có thể sử dụng trình độ toán học của mình để tham gia vào thế giới tài chính, hoặc sử dụng kiến ​​thức về đổi mới công nghệ của mình để dấn thân vào lĩnh vực liên quan đến pháp lý (chẳng hạn như luật sáng chế hoặc pháp y). Truyền thông và giải trí cũng là hai ngành tiềm năng, nơi các nhà vật lý đang có nhu cầu về các vị trí như báo chí khoa học, lập trình trò chơi máy tính và hiệu ứng phim đặc biệt. Các lựa chọn khác bao gồm các việc làm trong giảng dạy, sản xuất, vận tải, kiến ​​trúc và truyền thông.

Người dịch: Thu Huyền (SSDH)

Share.

Leave A Reply