Sẵn sàng du học – Nói đến Thụy Sĩ là nói đất nước của núi non hùng vĩ, cảnh đẹp như tranh họa, mùa đông trượt tuyết, mùa hè leo núi. Và Basel – thành phố lớn thứ 3 của Thụy Sĩ – là điểm nhấn mà du khách không nên bỏ qua khi đến thăm đất nước xinh đẹp này.
Basel đọng lại trong tôi như một thành phố tươi đẹp và nhân văn nhất tại Thụy Sĩ, một đóa hoa bên dòng sông Rhine thơ mộng.
Basel – thành phố ngã ba
Basel nằm ngay biên giới giữa Thụy Sĩ, Pháp và Đức. Chỉ cần đi bộ chừng 30 phút từ trung tâm thành phố là có thể đến hai nước láng giềng. Dù nằm cạnh Pháp nhưng dân cư đa phần lại nói tiếng Đức. Tuy nhiên, tiếng Đức ở Basel không khỏi làm cho người Đức bối rối bởi sự khác biệt của phương ngữ ở đây và tiếng Đức chuẩn.
Một điều tôi học được khi nói chuyện với người dân nơi đây chính là “nếu tiếng mẹ đẻ của các bạn không phải là tiếng Đức thì các bạn nên giao tiếp với người dân bằng tiếng Anh thay vì tiếng Đức, như vậy họ sẽ dễ hiểu các bạn hơn là nói bằng tiếng Đức chuẩn!”.
Lịch sử hình thành Basel gắn liền với con sông Rhine nổi tiếng dài thứ hai châu Âu. Bắt đầu từ các con suối của dãy Alps đổ vào hồ Constance, Rhine chạy tiếp 150 km trước khi đến Basel. Đoạn sông uốn lượn chia thành phố thành hai phần: phía nam là Old Town với các dãy nhà cổ, phía bắc bao gồm các trụ sở hiện đại.
Old Town chính là trái tim của thành phố. Thừa hưởng sự trung lập hơn 200 năm, Basel trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới êm đềm trong khi chỉ cách đó không xa chiến sự đang diễn ra ác liệt. Nhờ có hòa bình, Old Town giữ nguyên được cho mình các tòa nhà và khu phố cổ có niên đại hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm.
Đầu tiên chính là 3 cổng thành dẫn vào khu phố cổ. Ba cổng này là phần còn sót lại của 5 cổng trên đoạn tường thành bảo vệ thành phố được xây dựng và hoàn thành cách đây gần 1.000 năm. Spalentor là cổng nổi tiếng nhất và cũng là cổng lớn nhất còn tồn tại đến ngày hôm nay, được xem như cổng thành đẹp nhất Thụy Sĩ. Mặt chính cổng đối diện phố cổ được trang trí bởi tượng Madonna và hai nhà tiên tri.
Từ cổng Spalentor, đi bộ khoảng 5 phút là đến quảng trường trung tâm, với Tòa thị chính màu đỏ rực nổi trội. Tòa thị chính được xây dựng để biểu dương quan điểm chính trị mới sau khi Basel chính thức gia nhập liên bang Thụy Sĩ năm 1501.
Ngoài lối kiến trúc hòa quyện giữa Gothic và Phục hưng, mặt trong tòa nhà còn được trang trí bởi rất nhiều hình vẽ biểu tượng về luật pháp, các vị thẩm phán cũng như những hình ảnh miêu tả về Liên bang Thụy Sĩ đương thời – những hình vẽ ấy khó mà tìm thấy ở bất kỳ tòa nhà nào tại đất nước này. Tòa thị chính còn thu hút du khách bởi các tượng chạm khắc tinh xảo.
Nếu như Old Town là trái tim của Basel, thì ngôi nhà thờ Basel chính là trái tim của Old Town chỉ cách Tòa thị chính vài phút. Được xây dựng cách đây gần 1.000 năm, ngôi thánh đường ban đầu mang phong cách Gothic bị tàn phá bởi trận động đất vào năm 1356, tuy nhiên phần bàn thờ vẫn còn tồn tại, được sửa chữa và sau đó các đỉnh tháp được xây thêm.
Nhà thờ Basel không chỉ là tòa nhà cao nhất của khu Old Town mà còn của cả phần phía nam Basel. Ngôi thánh đường nằm cách bờ sông không xa, từ đây, các con đường nhỏ hẹp lót đá dẫn du khách xuyên qua những khu nhà gỗ có niên đại vài trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Phải thầm cảm ơn hòa bình đã cho thế hệ sau có được cơ hội đứng đây ngắm nhìn không chỉ vài ngôi nhà mà cả khu phố lâu đời như thế.
Bắc ngang qua con sông là 4 cây cầu, nổi tiếng nhất chính là cầu Mittlere Brücke đi từ khu phố cổ qua bên kia thành phố. Không chỉ là cây cầu cổ nhất ở Basel, Mittlere Brücke còn là một trong những cây cầu lâu đời nhất châu Âu bắc qua sông Rhine với niên đại gần 800 năm.
Đứng trên cầu có thể nhìn thấy Old Town với đỉnh tháp Nhà thờ Basel bên kia bờ. Phía dưới là dòng sông Rhine hiền hòa với các những con thuyền chở khách du lịch. Điểm giữa cầu là nhà nguyện nhỏ xíu Käppelijoch – nơi vào thời Trung cổ các tử tù bị hành hình bằng hình thức cột vào đá và ném xuống sông.
Tuy nhiên không biết từ bao giờ, những thanh sắt bên ngoài nhà nguyện trở thành nơi các đôi tình nhân treo ổ khóa tình yêu như tại Pont des Arts của Paris, ngày nay, nhà nguyện ngập tràn các ổ khóa tình yêu như thế.
Basel còn có một ngã ba khá thú vị hình thành do con sông Wiese từ bang Baden-Württemberg của Đức đổ ra Rhine. Ngã ba sông cũng chính là ngã ba giữa ba nước.
Du khách có thể đi bộ từ Basel qua Đức hoặc đón đò qua sông để đến Pháp và chỉ trong vòng 15 phút là có thể tham quan được cả ba nước! Riêng sân bay Basel lại nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của Pháp và chịu sự quản lý của cả hai nước.
Thành phố tự giác cá nhân
Basel không chỉ nổi tiếng về sự cổ kính mà còn được biết đến là thành phố công nghiệp hóa – dược hàng đầu thế giới. Thành phố còn mang một phong cách đặc trưng Thụy sĩ bởi những chiếc tàu điện chạy từ nhà ga trung tâm với hệ thống dây điện chằng chịt phía trên.
Du khách không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp những chiếc xe buýt cũng được nối với hệ thống dây điện dài ngoằn ngoèo gấp 2 hoặc 3 lần chiếc xe buýt bình thường. Hệ thống giao thông của thành phố mang đâu đó âm hưởng cổ kính như chính các tòa nhà.
Tàu điện, xe buýt, xe lửa là phương tiện mà hầu như mọi người sử dụng. Bởi thế, tuy thành phố chỉ có chưa đến 200.000 dân, hệ thống giao thông công cộng vẫn hoạt động đến hơn nửa đêm, nhiều tuyến hoạt động đến gần 20 tiếng/ngày.
Lý thú hơn là tại trạm xe buýt hoặc tàu điện có đồng hồ đếm ngược để biết bao lâu thì chuyến xe kế tiếp đến, sự chính xác được tính bằng phút. Ngay tại các trạm đón, hành khách tự mua vé từ máy bán tự động, lên xe mà không cần trình ra cho tài xế hay máy kiểm tra tự động.
Tôi hỏi một người bạn địa phương nếu không mua vé xe thì sao. Bạn tôi trả lời rằng nếu lúc nào đó nhân viên kiểm tra vé lên xe mà hành khách không có vé thì họ sẽ bị phạt 60 franc (khoảng 1,4 triệu đồng) thay cho chiếc vé có giá 2,2 franc (khoảng 50.000 đồng).
Tuy nhiên, rất hiếm khi diễn ra việc kiểm tra như thế, nó phụ thuộc vào nhận thức của hành khách hơn là việc kiểm tra giám sát mang tính ràng buộc.
Càng ngạc nhiên hơn về sự tự giác của con người nơi đây khi tại các siêu thị, khách hàng có thể mang ba lô vào thẳng các quầy hàng lựa chọn hàng hóa rồi sau đó ra quầy tự dùng máy tính tiền, rồi trả bằng thẻ ngân hàng, mà không có bất kỳ quan sát hay theo dõi nào từ nhân viên thu ngân.
Một lần nữa, tôi hỏi bạn tôi nếu khách hàng tham lam, ăn gian thì sao, bạn tôi trả lời rất đơn giản “Khách hàng có thể ăn gian như thế, tuy nhiên người dân nơi đây sẽ không làm như bạn nói”.
Cá Domino (SSDH) – Theo vietcaravan