SSDH – Dưới đây là 10 lời khuyên hữu ích giúp bạn luyện thi viết IELTS hiệu quả, chú ý đọc kỹ lời khuyên đầu tiên nhé!
1. Đọc và trả lời câu hỏi của đề bài
Trước hết phải trả lời được câu hỏi của đề bài: đọc thật kỹ câu hỏi rồi gạch chân dưới các từ khóa. Cách làm 2 phần viết của IELTS khác nhau hoàn toàn. Trong phần bài luận, thường thì bạn sẽ phải tìm các kiến thức nền liên quan đến câu hỏi và trả lời câu hỏi 1 cách rõ ràng, thẳng thắn (ví dụ như câu hỏi “bạn có đồng ý hay không?” thì bạn phải trả lời có hay không ngay trong bài viết), không được viết chung chung về đề bài. Nếu viết theo bài luận nào cùng chủ đề mà bạn đã viết trước đó, chắc chắn sẽ bị mất nhiều điểm.
Trong phần viết thứ nhất – phần phân tích biểu đồ, tất cả những gì bạn viết phải thuộc thông tin nêu ra trong biểu đồ/ đồ thị, vì thế hãy phân tích kỹ số liệu trước khi bắt tay vào viết.
2. Đừng viết vội – suy nghĩ thật kỹ và lập dàn ý sơ lược trước
Điều quan trọng là phải hoàn thành xong cả 2 phần viết, nhưng không vì thế mà mới vào đã cắm đầu cắm cổ vào viết ngay lập tức. Nếu làm vậy, bạn sẽ chỉ viết được đến nửa bài mà thôi, rồi sau đó sẽ mất rất nhiều thời gian suy nghĩ và lúng túng. Chỉ bắt đầu viết khi nào đã định hình được mình định sẽ viết những ý gì.
Trong phần bài luận bạn có thể nghĩ tối đa là 10 phút, còn phần bảng biểu có thể nghĩ nhiều nhất là 5 phút. Càng nghĩ nhiều trước lúc đặt bút thì bạn sẽ viết càng nhanh. Nhưng nếu nghĩ mất 2/3 thời gian thì sẽ không đủ thời gian để viết.
3. Viết đủ số từ quy định
Giới hạn từ của bài luận là 250 thì phải viết ít nhất là 250 từ, còn số từ quy định của phần viết thứ nhất là 150 thì phải viết tối thiểu là 150 từ.
4. Không viết thừa quá nhiều từ
Viết càng nhiều thì mắc càng nhiều lỗi sai. Viết thừa từ quá nhiều sẽ làm giảm chất lượng bài viết của bạn. Tốt nhất phần bài luận nên viết trong khoảng 260 – 280 từ, còn bài bảng biểu viết trong khoảng 160 – 180 từ.
5. Không viết lại y nguyên các cụm từ trong đề bài.
Nếu chép lại đề bài, người chấm thi sẽ không tính các từ đó, ví dụ như tổng số từ bạn viết là 260 thì người ta chỉ tính là 230 thôi, thế nên hãy cẩn thận.
6. Hãy chú ý theo dõi đồng hồ và định sẵn thời gian làm bài
Thời gian cũng là một vấn đề lo ngại đối với các bạn thí sinh, cần chú ý thời gian khi làm bài. Đừng dành quá 40 phút cho phần bài luận và chỉ nên dành đúng 20 phút cho phần phân tích biểu đồ.
7. Phần 1 và phần 2, nên làm phần nào trước?
Điểm bài luận (bài 2) gấp đôi bài biểu đồ (bài 1). Vì vậy, có ý kiến cho rằng nên làm bài 2 trước, nhưng phải chắc chắn sẽ hoàn thành xong phần này. Vì còn phải dành ít nhất 20 phút để làm phần bài 1, thời gian 15 phút không thể làm xong được.
8. Kiểm tra lại bài viết
Cần kiểm tra lại bài viết để phát hiện và sửa các lỗi ngữ pháp. Trước khi đi thi, bạn nên soạn một danh sách các lỗi sai mà bạn thường mắc.
9. Từ vựng phải đa dạng
Bạn cũng nên kiểm tra lại để tránh lặp từ trong bài – vốn từ trong bài phải đa dạng, phong phú, nhưng cũng không có nghĩa là bạn phải dùng các câu thật dài và các từ quá phức tạp, hãy dùng từ thật chuẩn.
10. Bố cục tốt sẽ làm hài lòng người chấm thi
Người chấm thi sẽ không dành quá nhiều thời gian vào bài viết của bạn đâu, vì thế cố gắng tạo ấn tượng tức thì cho người chấm, đó là trình bày các phần trong bài phải rõ ràng, đoạn nào ra đoạn đấy.
Hoàng Hiền (SSDH)- Theo www.dcielts.com