Bí quyết tìm kiếm sách giáo trình cho sinh viên học tập tại Úc

0

Sẵn sàng du học – Để giúp các tân sinh viên du học Úc có thể tiết kiệm khoản chi phí này, SSDH sẽ giúp bạn liệt kê những bí quyết hữu hiệu để tiết kiệm chi phí sách giáo trình trong thời gian du học tại đây!

Sách giáo trình có vai trò rất quan trọng đối với du học sinh, nó cung cấp những kiến thức cơ bản về tự nhiên và xã hội. Với mỗi môn học, bạn sẽ được phát cho một quyển sách tóm tắt nội dung do bộ môn hay khoa biên soạn. Nhưng để hiểu sâu thì không thể chỉ đọc mỗi quyển sách đó vì có rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu chỉ được trình bày một cách tổng quát và sinh viên được yêu cầu phải tự tìm sách để đọc. 

Nếu bạn là sinh viên Việt Nam sắp sửa du học Úc thì hãy chuẩn bị một khoản ngân sách riêng cho sách giáo trình, bởi khoản chi này là không hề nhỏ, trung bình từ vài chục đến vài trăm đô la Úc (AUD) một quyển. Để giúp các tân sinh viên du học Úc có thể tiết kiệm khoản chi phí này, SSDH sẽ giúp bạn liệt kê những bí quyết hữu hiệu để tiết kiệm chi phí sách giáo trình trong thời gian du học tại đây nhé!

Pretty student reading book on library floor at the university

 

1. Đừng bỏ qua nguồn tài nguyên sách tại thư viện

Thông thường, sách ở thư viện được chia ra làm hai loại: mượn dài hạn (long-term loan) với thời gian là một vài tháng và mượn ngắn hạn (short-term loan) với thời gian chỉ một vài tuần. Chính vì vậy mà chỉ những sinh viên nào nhanh chân mới có thể mượn được, còn những người đến sau thì đành ngậm ngùi ra về tay không. Một kỳ học tại Úc kéo dài khoảng 4 tháng, điều này có nghĩa là: Nếu bạn mượn sách ngay từ đầu kỳ học thì có thể đến gần mùa thi bạn đã phải trả nó, còn nếu bạn chậm chân hơn thì có thể phải đợi đến giữa kỳ mới có được trong tay quyển sách mình cần. Ngoài ra, nếu thư viện trường vẫn không có, bạn nên tìm ở thư viện thành phố, bởi đó là có bộ sưu tập sách đồ sộ và phong phú hơn rất nhiều.

2. Sử dụng sách điện tử e-book cũng là một lựa chọn

Hiện nay nhiều sách giáo trình đã ra mắt bản e-book, với giá bán thường rẻ hơn so với sách giấy. Loại sách này vừa gọn nhẹ để đem đi khắp nơi và bạn không phải lo kiếm chỗ để sách hay bán lại sách. 

Đa số các trường đại học, cao đẳng và trung cấp của Úc đều có các loại e-book hoặc tạp chí, bài báo điện tử khá phong phú được lưu giữ trong thư viện của trường. Một số trường đại học như RMIT, Monash, Victoria, Melbourne … còn mua quyền sử dụng các website có cung cấp những e-book hữu ích phục vụ cho từng ngành học cụ thể.

Để sử dụng e-book, bạn chỉ cần đăng nhập vào tài khoản sinh viên của mình, tiến hành tìm kiếm và đọc trực tuyến, hoặc mượn những e-book trong dạng CD, DVD để học.

3. Mua sách cũ

Một trong những cách tốt nhất để tiết kiệm ngân sách tối đa đó là mua sách cũ. Bạn có thể tìm kiếm sách cũ qua 2 cách dưới đây:

Kiểm tra các bảng thông báo trong trường:

Nếu để ý đến các bảng thông báo trong trường thì bạn sẽ thấy có rất nhiều mảnh giấy đề sách giáo khoa muốn bán lại, tên và thông tin người liên lạc. Thường thì những quyển sách cũ được bán lại từ sinh viên năm trên rất rẻ. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến trường khác để kiểm tra những bảng thông báo của họ! Không ít bạn lo rằng mua sách cũ thì ấn bản cũ sẽ khác với ấn bản mới và không dùng được, vì thật ra sự chênh lệch là không đáng kể. Đa số chỉ có một số thay đổi nhỏ về các ví dụ hay một số liệu bài tập về nhà thôi.

Tìm kiếm sách cũ trên website chuyên dụng www.studentvip.com.au/textbooks

Studentvip được xem là một trong những trang web bán sách cũ lớn tại Úc. Sau khi hoàn thành các bước đăng ký hoàn toàn miễn phí là bạn có thể bắt đầu mua hay bán sách giáo trình. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn là mua sách giáo khoa mới và kiếm tiền bằng việc bán sách giáo khoa mà bạn không cần đến nữa. 

Cách thức hoạt động của trang web rất đơn giản và dễ sử dụng, bạn có thể gửi một tin nhắn văn bản hoặc thư điện tử cho người bán để hỏi mua, và đôi khi họ trả lời rất nhanh! Bạn nên hỏi kỹ về ấn bản sách để đảm bảo ấn bản của những quyển giáo trình đó vẫn còn phù hợp. Ngoài ra, khi mặc cả, bạn cũng nên đề cập đến vấn đề tình trạng của quyển sách để tránh mua nhầm sách bị rách hoặc không đúng như mong muốn.

Lưu ý nho nhỏ: 

Thường những cuốn sách kinh tế, tài chính, kỹ thuật, toán, khoa học có giá cao là vì hàng năm họ phải tái bản sách, cập nhật các thông tin mới. Còn những sách các môn xã hội thì giá mềm hơn và không phải năm nào họ cũng phải cập nhật thông tin mới cho nên nhiều khi họ cũng không ra phiên bản mới.

Nếu dùng những phiên bản sách cũ, ví dụ bản giáo sư yêu cầu là 33rd edition và bạn tìm thấy cuốn 32nd edition ở thư viện hay trên mạng thì bạn nên hỏi ý kiến của thầy/ cô giáo giảng dạy môn học. Vì một số phiên bản sách mới có cập nhật thông tin cũng như sửa chữa lại cho phù hợp. Chỉ khi giảng viên đồng ý thì bạn mới dùng sách để học.

4. Thuê sách giáo trình, tại sao không?

Nếu bạn chỉ cần cuốn sách trong một học kỳ và xác định sẽ không cần giữ sách lại sau khi kết thúc kỳ học, hãy cân nhắc đến việc thuê sách giáo trình. Việc thuê sách cũng giúp bạn không phải đau đầu về chuyện bán lại sách sau khi xong môn. 

Ở Úc có hẳn dịch vụ cho thuê sách giáo trình qua để tiết kiệm chi phí. Bạn có thể tham khảo tại trang web http://www.jekkle.com.au/ để tìm sách cần thuê với chi phí hợp lý. Tuy nhiên vì là sách thuê nên bạn sẽ phải bảo quản cẩn thận, không được viết hay highlight vào sách.

ssdh-sinh-vien-book-sach

 

5. Bạn thân ơi! Chúng mình cùng “share” sách nhé!

Nếu có bạn thân hay bạn cùng phòng học chung một lớp và không ngại dùng chung sách với người khác, hãy suy nghĩ đến phương án chung tiền mua một cuốn sách rồi chia nhau sử dụng. Với cách này, hai bạn cần thống nhất thời gian sử dụng ngay từ đầu để tránh xảy ra mâu thuẫn về sau. 

Ngoài ra, bạn có thể dùng máy scan thông minh tự lật trang để scan cuốn sách và một trong hai người có thể dùng bản ebook.

6. Đăng ký làm thành viên của Co-op Bookshop

Thường thì trường nào cũng có Co-op Bookshop và đây là chỗ bán sách khá phổ biến đối với các sinh viên ở Úc. Giá đăng ký làm member là $25, sau khi đăng kí thì bạn sẽ được giảm giá cho tất cả các sản phẩm trong shop.

Bạn cũng có thể mua trực tuyến thông qua trang web: http://www.coop-bookshop.com.au/ và được giao hàng miễn phí trong phạm vi nước Úc. 

7. Tìm ngay group của trường và mua sách thôi!

Một trong những kênh mua bán sách mà du học sinh Úc không nên bỏ qua nếu muốn sở hữu những cuốn sách tốt và rõ nguồn gốc, đó chính là những group của trường. Thậm chí, tại một số trường, ngành học có cả group sinh hoạt riêng lẻ (thường do học sinh lập ra để việc trao đổi thông tin), chính vì vậy đây cũng chính là nơi bạn có thể tìm được sách đúng với chuyên ngành mình học và còn có thể hỏi thăm thêm kinh nghiệm học tập của các sinh viên đi trước nữa.

8. “Xếp gạch” đặt hàng mượn sách từ sinh viên đi trước

Hãy hỏi các anh chị khóa trên xem còn giữ sách không và nhanh tay xin mượn hoặc mua lại. Đây cũng là cơ hội để bạn trổ tài thuyết phục, đàm phán của mình ra để lấy được sách với giá ‘ưu đãi’ nhất có thể.

Đừng dùng sách photo nếu như bạn không muốn bị đánh giá!!!

Việc photo các loại sách ở Việt Nam có thể được thực hiện một cách rất dễ dàng. Tuy nhiên, ở Úc, việc sao chép nguyên văn một tác phẩm mà không có giấy phép của người hay giới có bản quyền là vi phạm pháp luật. Giá sách photo ở Úc cũng không hề rẻ và nếu bị phát hiện là đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với một án lệnh nghiêm khắc. Đó là còn chưa kể đến chuyện bị các giáo sư khiển trách vì họ không hài lòng khi nhìn thấy sinh viên sử dụng một quyển sách photo 100%!

Với những bí quyết kể trên, SSDH hy vọng bài viết đã giúp bạn có cái nhìn cận cảnh hơn về đời sống du học Úc, cũng như cho bạn thêm vài ý tưởng hay ho để tiết kiệm khoản chi mang tên sách giáo trình. 

Cá Domino (SSDH)

Share.

Leave A Reply