Bộ đội du học như thế nào?

0

SSDH – Những dòng tâm sự đầy cảm động trong bài phỏng vấn với một sinh viên Học viện Kỹ thuật quân sự đang du học Belarus chắc chắn sẽ làm bạn thêm yêu mến và tự hào về những anh Bộ đội Cụ Hồ.

 

 	"Bộ đội" du học như thế nào?

 

Chào Sơn,

 

Được biết bạn đang là sinh viên trường Học viện Kỹ thuật Quân sự du học Belarus, bạn có thể chia sẻ cùng các bạn độc giả cuộc sống của một du học sinh là quân nhân có gì khác so với một du học sinh bình thường không?

 

Là một tân quân nhân, tân sinh viên, tôi đang bắt đầu bước chân vào một cuộc sống xa lạ, một nơi hoàn toàn mới đối với tôi. Gần 9 tháng trước, tôi đã nỗ lực vượt qua kỳ thi đại học, kỳ thi quan trọng nhất đối với đời học sinh. Dành được số điểm khá cao, tôi đã đậu vào học viện Kĩ Thuật Quân Sự – Một ngôi trường anh hùng, là niềm tự hào của quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi đã chính thức trở thành một chiến sĩ trẻ, bắt đầu biết được cảm giác tự hào khi mình là một anh lính. Ngày còn bé, những lúc mẹ và tôi mà bất ngờ gặp một chú Bộ đội Cụ Hồ trên đường, khi đó tôi thường reo lên “Mẹ ơi! Chú bộ đội kìa!” Đấy là niềm tự hào của nhân dân đối với những anh bộ đội, những người đã góp phần để bảo vệ đất nước thân yêu.

 

Dưới mái trường kỹ thuật, tôi đã học tập, làm quen được với nhiều đồng chí – Những người bạn tốt, họ đến từ nhiều nơi khác nhau trong cả nước. Tôi đã được làm bộ đội, được tập thể dục lúc 5h30p, được học gấp chăn, được đi đội ngũ, đứng nghiêm, học võ…. Nhưng thời gian đó chỉ có hai tháng, ngắn ngủi nhưng đầy niềm vui, tôi được bộ quốc phòng cử đến một trường quân sự ở nước ngoài để học tập. Thế là tạm thời tạm biệt tổ quốc thân yêu và bước chân vào một con đường mới. Ở đây, do là khóa đầu tiên của du học sinh Việt Nam tại trường, không có các anh khóa trên, thật sự là rất khó khăn trong những bước đầu, chúng tôi chính thức được gọi là “anh cả” ở đây. Đi vào mùa đông, cái khó khăn đầu tiên đối với chúng tôi là phải thích nghi với cái khí hậu lạnh giá của xứ sở Bạch Dương này. Tôi nhớ có ngày nhiệt độ còn xuống -30 độ C, một cái lạnh mà ở Việt Nam chưa bao giờ thấy, nhưng không lo, vì tôi là bộ đội mà. Ở đây, cái ngày đầu tiên mấy thằng nhìn nhau vì những món ăn “ không thể nuốt”, bởi vì chúng tôi đã quen với những đặc sản mà mẹ nấu hằng ngày, nhưng rồi mọi chuyện cũng đã qua, chúng tôi đã vượt qua một cách dễ dàng, những món ăn ở đây đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống, tôi đã bắt đầu cảm nhận ra cái ngon của những món ăn này. Đến việc giao tiếp, thật sự khó khăn khi không có người hướng dẫn, tôi phải tự học tất cả, tự học 6 cách của tiếng Nga, tự học kiến thức ngữ pháp. Thật sự, khi ban đầu nghe những cô giáo Nga dạy, tôi đã không hiểu một cái gì hết. Trong lớp có ai hiểu được thì nói cho người khác, mà cũng không biết là có hiểu được ý cô nói không nữa. Nhưng mà cô giáo nhiệt tình, toàn dùng hành động, cử chỉ, vì thế nên mấy cái đầu tưởng tượng phong phú của chúng tôi có thể đoán được. Cho đến bây giờ thì cũng đã hiểu gần hết ý của cô giáo, không cần phải đoán nhiều như ngày trước. Học tập trong môi trường quân đội, nên khác rất nhiều so với những du học sinh ở ngoài, chúng tôi sẽ cần trải qua những cái gì là được gọi là chất lính. Đầu tóc gọn gàng, tóc cắt một phân, được đi đều hằng ngày, chào cờ học viện,… đấy chỉ là những công việc của một học viên đang học tiếng như tôi.

 

Tôi cảm nhận được một phong cách sống rất lặng lẽ và yên bình của những con người nơi đây. Tôi thích cái cách hỏi thăm sức khỏe hằng ngày của họ, thích cuộc sống lạc quan họ… Tôi còn thích cái phong cái rất tây ở đây: Đi xe hay tàu chỉ thấy người đọc sách hoặc nghe nhạc, họ không ồn ào, không nói to… Ở trường tôi học, tất cả đều quý chúng tôi, họ quý bởi vì họ biết đến những truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, của dân tộc anh hùng. Bạn bè quốc tế không ngờ rằng những con người nhỏ bé ấy lại có thể chiến thắng được Pháp, chiến thắng được Mĩ, những cường quốc siêu hùng trên thế giới. Họ còn biết đến những anh hùng của dân tộc Việt Nam như Chủ tịch vĩ đại của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, hay vị tướng vĩ đại Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi rất tự hào vì lịch sử của đất nước mình, của dân tộc mình với bạn bè ở đây. Tôi chắc chắn rằng, khi nào tôi giỏi tiếng thì tôi sẽ kể cho họ nhiều hơn nữa về Việt Nam, về niềm tự hào của tôi. Có thể nói rằng tất cả đều đẹp, tất cả đều có cái gì đó thú vị, không chỉ là con người mà ở đây còn có rất nhiều cảnh đẹp, thắng cảnh. Tôi đã có có cơ hội được đi khá nhiều nơi ở xứ sở xinh đẹp này, được thăm quan những khu nhà cổ, được nhìn thấy những kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà ở châu Âu, ngắm nhìn dòng sông Нёман êm đềm chảy, tất cả đều rất tuyệt.

 

Được học tập ở nước ngoài, nơi có những công nghệ vô cùng hiện đại, chúng tôi sẽ được tiếp thu những tinh hoa của khoa học thế giới ở đây. Được nhà nước cử đi, nên tôi sẽ xác định rất rõ trách nhiệm của mình. Mục tiêu của tôi ở đây là phấn đấu tích lũy được nhiều kiến thức để xây dựng đất nước mình có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã từng dặn. Chúng tôi sẽ cố học, học thật tốt, phấn đấu thật tốt có thể tự hào vì mình là bộ đội, có thể tự hào khi nghe thấy tiếng nói của một đứa trẻ “Mẹ ơi! Chú bội đội kìa”.

 

Xin cảm ơn những lời chia sẻ rất chân thật và thú vị của bạn. Chúc bạn cùng những đồng chí bộ đội khác của Việt Nam đang du học Belarus có sức khỏe tốt, thành tích học tập cao và sớm quay trở về phục vụ Tổ quốc!

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Học Bổng Hay

Share.

Leave A Reply