Sẵn sàng du học – Đang học lớp chất lượng cao của trường ĐH Xây dựng, Nghĩa quyết định dừng lại trước sự ngỡ ngàng của gia đình để tìm học bổng ngành thiết kế thời trang.
Chào Nghĩa, thi đỗ vào Đại học Xây dựng, lại đang học lớp chất lượng cao. Lý do nào khiến bạn quyết định dừng để bắt đầu lại từ số 0?
Mình thi trượt trường cấp 3 công lập, phải vào dân lập. Hồi đó, xấu hổ với mọi người, thế là mình quyết tâm phải đỗ một trường đại học nào đó để chứng tỏ bản thân. Gia đình lúc nào cũng định hướng mình học xây dựng, trường lại thi khối V gồm Toán, Lý, Vẽ – đúng 3 môn mình mạnh nhất – nên hồi đó mình tặc lưỡi kiểu "Cứ thi đi rồi tính".
Tuy nhiên, ngành Kiến trúc ở đây không phải là cái mình thích bởi từ lớp 8 mình đã mê thời trang. Cứ trang sách, vở nào trống là vẽ bằng kín. Sau 1 năm học ở trường, mình nghĩ thầm: "Nghĩa ơi, tỉnh lại ngay còn kịp. Mày không thể đốt 5 năm tuổi trẻ chỉ để vật vã cho có được cái bằng đại học và đi làm cái mày không có tí cảm hứng nào”.
Gia đình phản ứng thế nào về quyết định này của bạn?
Khó khăn lớn nhất của mình khi ấy là gia đình phản đối gay gắt. Cái ngày mình nói ra quyết định này, đã có một cuộc họp gia đình dài chưa từng thấy, kéo dài từ 8h tối đến… 3h sáng hôm sau. Sau nhiều năm chứng kiến sự say mê thiết kế thời trang của mình, cộng với đêm "đấu trí" đó cuối cùng bố mẹ cũng đã gật đầu và bây giờ rất quan tâm động viên mình học.
Bạn đã làm thế nào để có được học bổng trị giá 70 triệu đồng?
Ai muốn theo học, du học hay xin học bổng ngành nghệ thuật thiết kế chắc đều biết, bạn bắt buộc phải có Portfolio (Hồ sơ nghệ thuật – nơi thể hiện các ý tưởng, tác phẩm, quá trình sáng tác). Mà cái đó không thể vẽ, chuẩn bị ngày một ngày hai là xong .
Mình lo phát sốt về vụ này vì tuy từ bé mình vẽ rất nhiều, hay vẽ linh tinh trên các trang sách nhưng không giữ lại. Tưởng phải mất một thời gian dài để chuẩn bị portfolio thì không ngờ, đến phút cuối em gái mình kể nó đã cắt hết những bức vẽ đó và giữ lại toàn bộ. Ơn trời, mình đã có Portfolio và xin được học học bổng 50% khoa Thiết kế Thời trang của Học viện Thiết kế và Thời trang London (LCDF-Hanoi). Mình nhắm trường này vì thấy sinh viên của trường đi làm ở ngoài khá có thương hiệu, việc trường tổ chức hẳn Tuần lễ thời trang tốt nghiệp cho sinh viên – một điều hiếm thấy ở các ngôi trường khác tại Việt Nam – cũng là điểm cộng rất lớn đối với mình.
Không phải ai thích thời trang cũng có đủ năng lực, sự kiên trì để theo học nó một cách nghiêm túc. Chuyện học tập của bạn sau đó như thế nào?
Mình chưa bao giờ vỡ mộng khi vào đây cả vì mình đang đi theo đam mê của mình mà. Tuy nhiên, mình vẫn gặp một vài khó khăn. Khi học ở xây dựng mình đã thấy bài tập rất nặng và nghĩ theo học thời trang sẽ “dễ thở” hơn. Hóa ra là không hề, thậm chí nó còn nặng gấp đôi ấy. Kiểu như mình phải toàn tâm toàn ý thì mới trụ được tới cuối cùng.
Mỗi kì học 12 tuần, bọn mình học khá nhiều môn cùng lúc, môn nào cũng có bài tập. Chẳng hạn như mình học môn may, mình phải tìm vải, may mẫu mộc, chụp ảnh rồi sau đó thuyết trình. Các lớp học liên quan và hỗ trợ nhau như lớp cắt mẫu rập và lớp may, mình phải cắt xong các mẫu rập rồi mình mới tiến hành may được.
Nhưng đi kèm sự khó khăn là rất nhiều may mắn. Thầy cô người nước ngoài rất nhiệt tình, mình có thắc mắc nhiều lần một câu hỏi thì họ vẫn sẽ luôn giải đáp lại. Họ cũng rất nghiêm khắc. Ở kì 1, mình gặp khó khăn trong việc phát triển ý tưởng, tới tuần thứ 2 cô vẫn hỏi mình "Nội dung ý tưởng của em là gì?" và bắt mình cuối giờ phải nghĩ ra bằng được. Có lẽ khi bị “dồn tới đường cùng”, mình mới có thể tập trung và làm việc năng suất hơn.
Cảm giác thế nào khi đã có thể tự thiết kế và may những món đồ theo đúng cá tính, ý tưởng của mình?
Thật tuyệt khi sang đến học kỳ 2, mình đã có thể tự thiết kế không chỉ cho bản thân mà còn cho bạn bè. Nói về gu ăn mặc, mình kết đồ Unisex. Thích nhất Lady Gaga và cô Thanh Lam. Hồi bé mình đã ăn mặc quần áo dài, dị dị mà bố mẹ mình thì không thích như vậy nhưng Lady Gaga lại nổi tiếng nhờ ăn mặc quái dị, được là chính mình và được nhiều người yêu thích nên mình càng thích cô ấy hơn.
Nghĩa có lời khuyên gì cho những người trẻ khác để họ dũng cảm theo đuổi niềm đam mê thực sự?
Mình nghĩ quan trọng nhất, trước khi có một quyết định táo bạo về định hướng nghề nghiệp, cần ngồi lại, xem đam mê của bạn có đủ lớn hay không nhé? Hãy cố để được sống với công việc mình yêu thích bởi "Cho đến cuối cùng, bạn sẽ không thể có được hạnh phúc nếu không được là chính mình".
Cảm ơn Nghĩa và chúc bạn sẽ thực hiện được ước mơ của mình!
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14