Bỏ túi kinh nghiệm du học Pháp từ A-Z

0

SSDH- Bạn đã bao giờ tự hỏi du học Pháp là trải nghiệm như thế nào chưa? Cùng tìm hiểu những sự thật thú vị về cuộc sống du học Pháp và cách thức đăng ký vào các trường đại học tại đây nhé.

Pháp luôn là một trong những điểm đến du học phổ biến đối với sinh viên quốc tế. Không chỉ nổi tiếng bởi lịch sử thú vị, ẩm thực tuyệt vời và những địa danh tuyệt đẹp, Pháp còn là nơi tọa lạc của nhiều trường đại học hàng đầu và các công ty toàn cầu (chẳng hạn như L’Oréal). Tiếng Pháp cũng là ngôn ngữ phổ biến thứ ba trong thế giới kinh doanh.

Các cựu sinh viên nổi tiếng tại các trường đại học Pháp phải kể đến tiểu thuyết gia Victor Hugo, tác giả của Những người khốn khổ và Thằng gù nhà thờ Đức Bà; Jacqueline Kennedy Onassis, phu nhân của tổng thống Mỹ John F Kennedy, và nhà thiết kế thời trang Christian Dior.

Nếu Pháp nghe có vẻ là nơi dành cho bạn nhưng bạn không chắc nên bắt đầu từ đâu, bài viết này sẽ giải đáp mọi thứ bạn cần biết khi lựa chọn du học Pháp.

Các trường đại học Pháp có đặc điểm gì?

Pháp cung cấp nhiều lựa chọn đại học, trong đó có cả các trường dành riêng cho nghiên cứu tiến sĩ, kinh doanh và kỹ thuật. Tuy nhiên, trong số 3.500 cơ sở giáo dục đại học công lập và tư nhân, chỉ có 72 trường được phân loại là trường đại học. Trong số đó, có tới 42 trường đại học của Pháp được xếp hạng trong Bảng xếp hạng các Trường đại học trên Thế giới của Times Higher Education 2023.

Nhiều trường đại học hàng đầu của Pháp đều nằm ở thủ đô Paris, bên cạnh đó còn có các địa điểm khác như Marseille, Bordeaux và Montpellier.

Université Paris-Saclay là một trong những trường đại học lâu đời nhất ở châu Âu (xuất hiện từ năm 1150), trong khi Université de Paris được thành lập vào năm 2019 khi sáp nhập Paris Diderot University, Paris DescartesUniversityInstitut de Physique du Globe de Paris.

Làm thế nào để đăng ký vào các trường đại học Pháp?

Đăng ký các chương trình đại học

Sinh viên quốc tế trước tiên phải đăng ký sử dụng nền tảng Parcoursup để đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học. Phần hay nhất về Parcoursup là đăng ký miễn phí. Tuy nhiên, sau đó bạn sẽ phải trả phí xử lý €100 (£84) khi bạn sẵn sàng nộp đơn đăng ký vào trường đại học nào đó.

Cùng với ứng dụng này, bạn cũng cần chuẩn bị một số tài liệu như:

  • Bằng tốt nghiệp trung học (đã dịch sang tiếng Pháp)
  • Bản sao CCCD/CMND
  • Thư ứng tuyển
  • CV

Quá trình này cũng tương tự đối với sinh viên tốt nghiệp muốn đăng ký một chương trình đại học ở Pháp. Tuy nhiên, bạn sẽ cần thêm một bản sao bằng cử nhân thay cho bằng tốt nghiệp trung học. Bạn cũng sẽ cần kiểm tra các yêu cầu của từng trường đại học, vì một số trường yêu cầu thêm tài liệu từ các sinh viên đã tốt nghiệp.

Điều quan trọng cần lưu ý là bạn sẽ phải trả một khoản phí đăng ký bổ sung €50 khi bạn gửi các tài liệu này. Tuy nhiên, có những trường đại học không yêu cầu sinh viên phải nộp nhiều tài liệu như thế. Một ví dụ điển hình là Sorbonne University, nơi ứng viên chỉ cần gửi motivation letter và thesis proposal.

Đăng ký Parcoursup thường mở vào tháng 12; các đơn ứng tuyển sau đó sẽ được gửi trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3. Giai đoạn tuyển sinh thường được hoàn thành vào đầu tháng 4 và sinh viên sẽ nhận được kết quả cuối cùng vào tháng 5.

Đăng ký các chương trình sau đại học

Đơn xin học thạc sĩ và tiến sĩ có các yêu cầu và thời hạn đăng ký khác nhau, tùy thuộc vào trường đại học bạn chọn. Điều tốt nhất cần làm là kiểm tra các yêu cầu và thời hạn của từng trường đại học trước khi bắt đầu nộp đơn.

Các chương trình đại học ở Pháp được dạy bằng tiếng Pháp hay tiếng Anh?

Các ứng viên muốn theo học các khóa học tiếng Pháp phải hoàn thành bài thi TCF – Test de connaissance du français, Common European Framework of Reference for Languages, hoặc DELF (Diplôme d’Etudes en Langue Française) và DALF (Diplôme Approfondi de Langue Française). Một số khác sẽ yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh như IELTS hoặc TOEFL.

Sinh viên sau đại học cũng được yêu cầu thực hiện các kỳ thi tương tự nhưng mức điểm tối thiểu để ứng tuyển sẽ cao hơn so với sinh viên đại học.

Pháp là một trong những quốc gia không nói tiếng Anh đầu tiên ở châu Âu cung cấp các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Tuy nhiên điều này vẫn tùy thuộc vào trường đại học và khóa học bạn lựa chọn. Các trường đại học Pháp có xu hướng cung cấp nhiều khóa học sau đại học bằng tiếng Anh. Nếu bạn không phải là người bản xứ đăng ký bất kỳ chương trình nào trong số này, bạn phải tham dự kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh và mức điểm tối thiểu đạt yêu cầu thường cao hơn ở các nước châu Âu khác.

[Tham khảo: Top đại học hàng đầu tại Pháp năm 2023]

Chi phí du học Pháp

Học phí ở Pháp thường thấp hơn so với các khu vực khác của châu Âu. Đối với sinh viên quốc tế ngoài EEA, sinh viên sẽ phải trả €2,770 mỗi năm cho bậc cử nhân, €3,770 cho bậc sau đại học và €380 mỗi năm cho bậc tiến sĩ. Các ứng viên tiến sĩ ngoài EU được xếp vào diện như nhau và do đó không phải chịu mức học phí khác nhau. Nếu bạn là công dân hoặc thường trú nhân của một quốc gia EEA, chi phí sẽ thấp hơn đáng kể với chương trình cử nhân khoảng €170, €243 cho bậc thạc sĩ, €601 cho bằng kỹ sư chuyên môn và €380 cho chương trình tiến sĩ.

Các trường đại học tư nhân của Pháp thường tính phí cao hơn, dao động từ €500 – 10.000 mỗi năm tùy thuộc vào trường đại học. Một số chỉ cung cấp các chương trình sau đại học hoặc cho phép chuyển tiếp sau vài năm đầu tiên của chương trình đại học ở nơi khác. Mặt khác, chi phí học tập mà du học sinh phải trả cho các trường đại học tư nhân về kỹ thuật, kinh doanh hoặc quản lý có thể tốn tới €30.000 một năm.

Chỗ ở tại Pháp rẻ hơn so với các khu vực khác của Châu Âu, nhưng vẫn sẽ phụ thuộc vào thành phố bạn chọn. Các trường đại học cung cấp một số lựa chọn cho sinh viên muốn sống trong hoặc gần khuôn viên trường. Bạn có thể xem xét ký túc xá sinh viên, thuê một căn hộ hoặc ở nhà dân (bao gồm ít nhất một bữa ăn mỗi ngày). Các mức giá này dao động từ €120 đến €800 mỗi tháng.

Hóa đơn ở Pháp thường bao gồm các khoản như: €60 tiền gas và điện, €25 tiền Internet, €50 – 100 cho sách và đồ dùng học tập, và €20 – 50 cho bảo hiểm y tế. Nếu bạn muốn có một chiếc điện thoại, bạn có thể trả góp với €10 một tháng và thuê ô tô, thẻ du lịch và xe đạp sinh viên cũng là một lựa chọn.

Bạn cũng có thể yêu cầu giảm giá cho sinh viên khi đi ăn ngoài, mua sắm quần áo và hàng tạp hóa hoặc tham quan viện bảo tàng.

Học bổng dành cho du học sinh tại Pháp

Có một số học bổng mà sinh viên có thể đăng ký để giúp trang trải chi phí sinh hoạt và học phí. Tuy nhiên, những học bổng này thường dành cho sinh viên trao đổi Erasmus và một số sinh viên kinh doanh, kỹ thuật và y tế có thành tích học tập tốt đến từ các quốc gia hoặc thuộc địa nói tiếng Pháp trước đây. Dưới đây là danh sách một số học bổng phổ biến dành cho du học sinh Pháp:

The Émile Boutmy Scholarship

Học bổng này được cung cấp cho những sinh viên nộp đơn xin học bổng lần đầu không phải người châu Âu. Nó có một số loại và có thể cung cấp một khoản trợ cấp từ €3,600 đến €13,000 trong ba năm của chương trình đại học. Học bổng cũng tài trợ €12.200 mỗi năm cho chương trình thạc sĩ.

ENS International Selection Scholarships

Mỗi năm, École Normale Supérieure lựa chọn những sinh viên quốc tế có kỹ năng nổi bật về khoa học hoặc nghệ thuật và nhân văn để cấp học bổng Thạc sĩ. Họ cung cấp 10 học bổng về khoa học và 10 học bổng về nghệ thuật và nhân văn, và mỗi người nhận sẽ nhận được khoản trợ cấp €1.000 hàng tháng trong ba năm tham gia chương trình của họ và cũng được cung cấp một phòng trong kí túc xá ENS.

[Tham khảo: Các lỗi ngữ pháp phổ biến du học sinh nên tránh khi viết hồ sơ đăng ký đại học]

Erasmus Mundus Scholarships

Học bổng Erasmus Mundas dành riêng cho sinh viên đến từ các quốc gia EU và ngoài EU đã được chọn tham gia Chương trình liên kết Erasmus bậc thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Các ứng cử viên chia thành hai loại: loại A – công dân từ các quốc gia bên ngoài EU, Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy và Liechtenstein và loại B – công dân từ EU, Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy và Liechtenstein.

Đăng ký visa sinh viên tại Pháp

Quy trình nộp đơn cho sinh viên quốc tế muốn học tập tại Pháp bắt đầu vào tháng 9 hàng năm. Các bước đầu tiên là kiểm tra các yêu cầu tài chính, chuẩn bị tài liệu theo yêu cầu của trường đại học bạn chọn và xin visa sinh viên.

Để nộp đơn xin visa sinh viên, bạn sẽ cần thư chấp nhận từ trường đại học của mình, minh chứng chỗ ở, minh chứng khả năng tài chính (€120 mỗi ngày), bảo hiểm y tế và vé máy bay khứ hồi. Bạn cũng phải đủ 18 tuổi để nộp đơn xin visa.

Nếu bạn đến từ một quốc gia có thủ tục EEF, bạn phải trả phí thị thực €50. Nếu bạn đến từ bất kỳ nơi nào khác, bạn sẽ phải trả €99 (tùy vào các trường hợp bạn sẽ phải trả mức phí giao động khác nhau).

Đối với khóa học 3 tháng, bạn sẽ được cấp thị thực lưu trú ngắn hạn. Nếu chương trình của bạn kéo dài từ 3-6 tháng, bạn sẽ nhận được thị thực lưu trú dài hạn tạm thời. Đối với các khóa học kéo dài hơn 6 tháng (phổ biến nhất đối với bậc đại học và sau đại học), bạn sẽ được cấp thị thực dài hạn, giống như giấy phép cư trú. Chính phủ hiện cung cấp các tùy chọn cho người xin thị thực dài hạn để gửi các tài liệu hỗ trợ ở dạng điện tử, giúp quá trình xử lí visa diễn ra nhanh hơn.

[Tham khảo: Bối rối khi chuẩn bị visa du học Pháp?]

Có thể ở lại Pháp làm việc sau tốt nghiệp không?

Sinh viên quốc tế có visa có thể làm việc lên tới 964 giờ một năm (tương đương khoảng 60% công việc full-time) trong thời gian ở Pháp. Một lựa chọn khác dành cho sinh viên quốc tế là làm việc cho trường đại học của họ. Hầu hết các hợp đồng làm việc của trường đại học kéo dài từ tháng 9 đến tháng 8 năm sau và giảm số giờ làm việc trong suốt mùa hè từ tháng 7 đến tháng 8.

Sau khi tốt nghiệp, nếu bạn có bằng thạc sĩ trở lên, bạn có thể nộp đơn xin giấy phép cư trú tạm thời một năm, điều này sẽ cho phép bạn tiếp tục làm việc 60% tuần làm việc bình thường để hỗ trợ bản thân trong khi tìm kiếm công việc toàn thời gian ở Pháp.

Nếu bạn được mời làm công việc full-time với mức lương ít nhất gấp 1,5 lần mức lương tối thiểu (€10,25 mỗi giờ), bạn có thể thay đổi tình trạng thị thực của mình từ sinh viên sang người đi làm và sau đó sẽ được phép làm việc full-time.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể xin visa làm việc sau khi học và ở lại Pháp trong tối đa một năm. Sau khi tìm được việc làm, bạn có thể nộp đơn xin giấy phép lao động. Lựa chọn visa cuối cùng là Talent Passport visa, đây là giấy phép bốn năm dành riêng cho sinh viên tốt nghiệp, nghệ sĩ và các nhà sáng tạo khác.

Người dịch: Thu Huyền (SSDH)

Share.

Leave A Reply