Bối rối khi chuẩn bị visa du học Pháp?

0

SSDH- Bạn đang có kế hoạch du học Pháp? Bạn đang nghiên cứu và chuẩn bị thị thực sinh viên cho việc học tập của mình tại Pháp? Hãy cùng SSDH tìm hiểu các quy tắc không được quên khi chuẩn bị cho du học Pháp nhé !

1.Tất cả sinh viên có thể làm việc tại Pháp không?

Tất cả sinh viên quốc tế có thị thực sinh viên hợp lệ đều được phép làm việc trong quá trình học của họ, bất kể họ đang học ở cấp độ nào và họ đến từ đâu trên thế giới. Luật pháp ở Pháp cho phép sinh viên quốc tế làm việc tới 964 giờ mỗi năm, tương đương với 60% làm việc một tuần. Sinh viên đến từ Algeria có những quy định hơi khác, bao gồm phụ cấp làm việc 50% của tuần làm việc tiêu chuẩn. Mức lương tối thiểu ở Pháp là 10,57 € (9,21 bảng Anh) mỗi giờ và tất cả nhân viên đều được pháp luật đảm bảo điều này.

2. Tôi có thể làm loại công việc nào với visa du học Pháp?

Sinh viên quốc tế có thể làm hầu hết các công việc bán thời gian, bao gồm làm việc trong quán cà phê hoặc nhà hàng, bán lẻ, trong bảo tàng hoặc phòng trưng bày nghệ thuật, pha chế, làm các vai trò quản lý và nhiều công việc khác. Nếu sinh viên quyết định nộp đơn cho một công việc bán thời gian thì miễn vai trò đó không được ảnh hưởng đến kết quả học tập của họ là được.
Sinh viên quốc tế cũng có thể làm việc tại trường đại học sở tại của họ khi họ ở Pháp. Các công việc đại học thường bắt đầu vào tháng Chín và kết thúc vào tháng Tám. Những vị trí này có thể là bao gồm dạy kèm, làm việc tại các sự kiện thể thao hoặc văn hóa hoặc tiếp thị, quản lý hoặc hỗ trợ sinh viên.
Các vị trí này được sắp xếp xen kẽ giờ lên lớp và học tập để giúp bạn hoàn thành việc học của mình dễ dàng hơn. Bởi vì điều này, có một giới hạn hơn nữa đối với giờ làm việc dựa trên thời gian trong năm. Sinh viên quốc tế có thể làm việc tối đa 670 giờ từ tháng 9 đến tháng 6 và tối đa 300 giờ từ tháng 7 đến tháng 8.

3. Tôi có thể hoàn thành kỳ thực tập với thị thực sinh viên tại Pháp không?

Một số chương trình đại học có thể yêu cầu sinh viên hoàn thành kỳ thực tập liên quan đến bằng cấp của họ. Để hoàn thành một kỳ thực tập, bạn cần có một thỏa thuận đã ký giữa trường đại học của bạn và đơn vị chủ trì thực tập của bạn. Nếu thời gian thực tập kéo dài hơn hai tháng, sinh viên sau đó phải nhận được khoản bồi thường khoảng € 600 mỗi tháng. Thời gian thực tập của bạn không được tính vào giới hạn 964 giờ làm việc hàng năm; điều này cho phép bạn hoàn thành việc học, thực tập và làm thêm nếu bạn có thời gian.

4. Tôi có thể hoàn thành chương trình học nghề hoặc tham gia các hợp đồng đào tạo chuyên môn trong thời gian học tập tại Pháp không?

Trước đây, học nghề và hợp đồng đào tạo chỉ dành cho sinh viên quốc tế đã hoàn thành năm đầu tiên tại Pháp. Tuy nhiên, điều này đã được sửa đổi để cho phép sinh viên thạc sĩ quốc tế năm thứ nhất tham gia ngay từ đầu chương trình đại học của họ. Sinh viên quốc tế bậc đại học không được phép tham gia bất kỳ hợp đồng học việc nào cho đến khi họ hoàn thành năm học đầu tiên tại Pháp. Hãy chắc chắn rằng bạn kiểm tra số giờ được liệt kê trên hợp đồng. Nếu chúng vượt quá 964 giờ được quy định, thì bạn có thể cần phải yêu cầu chủ lao động cấp giấy phép lao động tạm thời ngay khi bạn đến Pháp.

5. Tôi có thể làm việc tại Pháp sau khi tốt nghiệp không?

Sau khi tốt nghiệp, nếu bạn đã hoàn thành bằng thạc sĩ, bằng cấp 1 (theo Conférence des Grandes Écoles) hoặc bằng chuyên môn, bạn có thể xin giấy phép cư trú tạm thời không gia hạn, cho phép bạn tiếp tục làm việc với mức 60% của tuần làm việc bình thường trong khi bạn tìm kiếm một công việc toàn thời gian.
Sinh viên đại học có thể nộp đơn xin thị thực làm việc sau khi học lên đến năm kế cuối. Một khi bạn đảm bảo một công việc lâu dài, bạn phải xin giấy phép lao động và đính kèm một lá thư từ chủ lao động tương lai của bạn vào đơn đăng ký.
Nếu sau khi tốt nghiệp, bạn có được một công việc với mức lương cao gấp 1,5 lần mức lương tối thiểu trở lên, bạn phải chuyển trạng thái từ sinh viên sang nhân viên để có thể làm việc toàn thời gian. Quận ở địa phương của bạn có thể giúp bạn sắp xếp việc này. Sinh viên có thể liên hệ với Campus France để nhận danh sách cập nhật các ngành nghề được chấp thuận cho sinh viên quốc tế tại Pháp.
Trong năm gia hạn này, bạn cũng có thể cân nhắc nộp đơn xin thị thực doanh nhân tự động để bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Tuy nhiên, công ty của bạn phải liên quan đến việc học của bạn và bạn sẽ cần chứng minh khả năng tồn tại của doanh nghiệp.
Một lựa chọn khác là thị thực “hộ chiếu tài năng”. Đây là giấy phép dành cho sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành, chẳng hạn như người sáng tạo, nghệ sĩ hoặc nhạc sĩ, và có thời hạn trong bốn năm.

6. Tôi có cần phải trả phí cho an sinh xã hội khi làm việc tại Pháp với tư cách là một sinh viên quốc tế không?

Mọi người làm việc ở Pháp đều phải trả tiền an sinh xã hội, bằng khoảng 20% lương của bạn. Vì vậy, một sinh viên làm việc 10 giờ một tuần với mức lương tối thiểu (10,57 €) có thể kiếm được khoảng 84 € mỗi tuần. Điều này có nghĩa là một sinh viên quốc tế làm việc đủ 964 giờ với mức lương tối thiểu có thể kiếm được 10.189,48 € vào năm đó và mang về nhà khoảng 8.151 € sau các khoản thanh toán an sinh xã hội.

7. Biểu tình/đình công ở Pháp có ảnh hưởng đến tôi với tư cách là một sinh viên quốc tế không?

Biểu tình/ đình công phổ biến ở Pháp hơn nhiều nước khác trên thế giới. Đó là một phần lớn của nền văn hóa, và bạn có thể chứng kiến nhiều cuộc đình công khi sống ở Pháp. Ban đầu, sinh viên quốc tế có thể thấy điều này khá khó chịu, nếu đó là điều họ không quen. Tuy nhiên, ở Pháp, những người đi làm có quyền biểu tình, và nhiều người dân địa phương xem đó là một phần cuộc sống của họ. Biểu tình/ đình công có thể ảnh hưởng đến việc đi lại và thói quen hàng ngày của bạn khi học tập. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến công việc bán thời gian của bạn. Các công đoàn thường kêu gọi các thành viên biểu tình/ đình công ở Pháp vì họ cảm thấy đó là cách duy nhất để khiến các công ty và người sử dụng lao động lắng nghe. Là một sinh viên quốc tế, bạn có quyền tham gia một công đoàn. Điều này có nghĩa là nếu ngành của bạn quyết định biểu tình/ đình công, bạn có thể tham gia vào việc này.

Người dịch: Ngô Hoàng Thúy Vy (SSDH)

Share.

Leave A Reply