SSDH – Vào ngày mùa xuân vừa quay lại, những bông hoa Mộc Lan e ấp nở trắng trên những thân cây khẳng khiu – vừa vượt qua một mùa đông giá rét – trông xa như những bông tuyết trắng còn sót lại trên cành.
Trời vẫn lạnh lẽo, nhưng đã trong veo và nắng tràn.
Tôi được mời tới thăm thành phố Boston để tìm hiểu về môi trường học tập nơi đây – với những trường ĐH danh tiếng như Harvard, MIT, UMAS …
Sân bay của TP Boston với những mảng đá lát tạo những nét hoa văn rất đẹp. Chuyến bay của tôi từ Việt Nam phải quá cảnh hai lần. Vừa từ sân bay Kenedy của New York – đông đúc và lộn xộn đến sân bay Boston đã khác hẳn- rất văn minh, lịch sự và sạch sẽ.
Chỉ mất 15 phút tôi đã về đến khách sạn nơi tôi ở – nằm ở ngay trung tâm TP – Một khách sạn rất đẹp và sang trọng. Đây chính là nơi Bác Hồ đã từng làm phụ bếp với toàn bộ khung cảnh cổ kính từ trang trí, bàn ghế… như vẫn còn từ thời đó.
Chiếc bàn của Bác dùng để chuẩn bị nấu ăn vẫn còn đây, nghe nói cũng đã có nhiều cuộc thương thuyết để mua lại chiếc bàn đó cho viện bảo tàng hoặc các nhà sưu tầm tư nhân… nhưng rồi, khách sạn đã quyết định giữ lại vì muốn có nó như là một phần của lịch sử khách sạn.
Căn phòng tôi ở rất đẹp nhìn ra hai mặt phố chính. Mở cửa sổ ra nhìn thẳng vào con gà trống trên nóc chuông của nhà thờ lớn và chếch ra công viên trung tâm – nơi trước đây từng là nơi tập hợp mua bán các mặt hàng nông sản của nông dân trong vùng.
Mở cửa ra, phòng kế bên là nơi ông nội của Tổng thống huyền thoại Kenedy đã từng ở khi ông là Thống đốc tiểu bang này. Trên chiếc cửa gỗ của căn phòng còn gắn chiếc biển đồng có ghi rõ về việc này: “Căn phòng của ông John F Honeyfitz Fitzgerald”.
John F Fitzgerald là một trong những Thị trưởng nổi tiếng nhất của TP Boston và là một người có sức mạnh của Đảng Dân Chủ. Ông còn nổi tiếng là người ông nội đáng yêu của Tổng thống John F Kenedy. Ông Mất đi vào tuổi 87 sau một trận ốm dài và tất cả cờ trong thành phố đã để rủ để tưởng nhớ ông.
Tôi đi ra ngoài và dạo trên những con phố cổ nơi những làn gió tàn đông thổi. Tôi vội vã kéo cổ áo và khăn quàng lên chuẩn bị cho một chuyến khám phá mới!
Hôm sau, thưởng thức bữa sáng trong phòng ăn sang trọng, ngồi cạnh tôi là những nhà quý tộc và những nhà trí thức lịch thiệp. Tôi cảm giác như đang ngồi ở một khách sạn cổ của nước Anh xa xôi, với những người phục vụ rất lịch sự và trang nhã trong những bộ đồng phục đen cổ điển và đội mũ ống… May thay, vào cuối bữa ăn, tôi thấy một anh bạn người Á Châu – chắc cũng là một giáo sư ĐH vì cầm một chiếc cặp to, vào ngồi ngay cạnh bàn tôi. Chúng tôi gật đầu chào vì có lẽ vì có đồng cảm với người đồng hương da vàng.
Anh bạn tôi từ trường Đại học UMAS đã lấp ló ở cửa để đón tôi xuống thăm trường – đây là ngôi trường ĐH công duy nhất tại thành phố này. Trường nằm ngay bên bờ cảng, với cảnh quan tuyệt vời nhìn ra biển. Đây là khu thư viện nổi tiếng do cựu tổng tổng J F Kenedy tặng cho trường, cạnh đó là một khu thư viện lớn hơn do ông em Ted Kenedy cung cấp kinh phí xây dựng. Trường có cả một đội thuyền buồm cho SV sử dụng tập luyện và tham gia vào các cuộc đua thuyền quốc tế.
Hôm nay là ngày dành riêng cho các phụ huynh và học sinh của khóa tới, các hội sinh viên (SV) khác nhau: Hội SV Châu Á, Hội Châu Phi, Hội SV Việt Nam, Trung Quốc… đều có bàn riêng để giới thiệu với các bạn SV khóa sau các câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khóa của SV… Nhà trường cung cấp cho mỗi hội SV một văn phòng riêng để các em tự do hoạt động. Điều đó cho thấy các hoạt động cộng đồng, ngoại khóa rất được khuyến khích.
Bên cạnh trường là khu nhà ở do các công ty tư nhân xây để chuyên cho SV thuê, với những căn hộ đẹp đẽ như khách sạn và giá cả cũng chẳng kém gì khách sạn: phòng 2 giường ngủ với 2 buồng tắm và phòng khách, bếp có giá 1.800USD/ Tháng. Những ngôi nhà không cao lắm khoảng 3,4 tầng thoáng đãng, có tầm nhìn ra biển sẽ giúp quãng thời gian học tập ở nơi đây như một kỳ nghỉ ngơi êm ả bên bờ biển.
Vì là trường công nên trường có giá tiền học thấp nhất so với các trường tư khác ở đây, có giá từ 26.000 – 29.000USD/ năm. Tuy nhiên chất lượng của các phương tiện giảng dạy cũng như điều kiện học tập không có khác nhau nhiều lắm.
Để có một cái nhìn tổng thể hơn, chúng tôi sang thăm trường MIT và Harvard. Những tòa nhà của MIT ( học viện Kỹ Thuật Masachusset) nhìn ra cửa sông Charles êm đềm chảy ra biển, bên kia bờ là Trung tâm thành phố với những ngôi nhà cao vút, đẹp đẽ, bên này là thành phố Cambridge – lặng lẽ một trung tâm học hành. Những nhà tri thức dường như muốn tách mình khỏi những ồn ào phố xá của đô thị và ẩn mình trong cái tĩnh lặng nghiêm túc của tri thức.
Quảng trường Harvard bé nhỏ với những nhóm người từ nhiều quốc tịch khác nhau đến để thăm quan các kỳ quan của tri thức mà người Mỹ đã xây dựng nên – với truyền thống mang đậm chất Anh, nhưng sự mở ra thì tới vô cùng.
Anh bạn Sean – một cậu SV năm thứ tư của trường Harvard đã tham gia vào nhóm hoạt động tình nguyện làm hướng dẫn viên để cung cấp thông tin về nhà trường, hướng dẫn chúng tôi đi thăm trường.
Ngay khi bước vào khu nhà ở của SV năm đầu bao gồm 13 khu ký túc xá, chúng tôi đã cảm nhận ngay không khí vui nhộn và khác người của SV Harvard. Hôm nay là một ngày nắng đẹp đầu tiên trong năm, một nhóm các sinh viên nam vui tính đã nằm dài trên bãi cỏ phơi nắng…
Chúng tôi đi trong miên man của những tòa nhà mang đậm nét lịch sử của Harvard cũng như tính nhạo báng lịch sử của những những ý tưởng hơi điên rồ của người đời khi góp tiền vào xây dựng khu trường này.
Vị mục sư trẻ thành đạt tại Mỹ John Harvard đã trở về quê hương tại Anh để góp thư viện của mình cho trường cũ thì bị khước từ, vì vậy ông đã hiến cho ngôi trường vô danh mang tên New College (thành lập năm 1636) – nơi anh ta ở tại Mỹ khoảng 400 đầu sách và 779 Bảng (một nửa số tài sản ông có) trước khi mất. Để cảm tạ món quà quý này, ngồi trường sau này đã lấy tên ông vào năm 1639.
Tuy nhiên, sau này khi ngôi trường đã trở nên nổi tiếng, người ta không tài nào tìm ra hình ảnh nào của người đã làm việc nghĩa cử trên, nên đành mượn hình dáng của một SV khóa sau làm mẫu cho việc xây bức tượng ngài “Harvard” – chẳng biết thật giả có khác nhau nhiều không? Nhưng cũng chẳng sao. Hàng năm, nhiều đoàn khách thăm quan cũng như học sinh của trường vẫn kính cẩn sờ làm bóng loáng chiếc giày bên chân trái của ông để lấy hên!
Tuy nhiên, toàn bộ số sách đó cũng đã cháy rụi, không còn nữa sau một vụ hỏa hoạn. Chỉ còn duy nhất một cuốn sách còn sót lại do một học sinh đã phạm quy giấu mang về nhà đọc trong đêm cháy thư viện đó. Sau vụ cháy, người học trò trên đã dũng cảm mang cuốn sách trả lại cho thư viện. Vậy là cuốn sách trên đã trở nên cực kỳ nổi tiếng và quý giá được lưu giữ cẩn mật, còn anh chàng sinh viên dũng cảm nói trên thì bị đuổi khỏi trường vì phạm quy!
Ở giữa khu trường là một thư viện rất đẹp mang tên một nạn nhân của vụ đắm tàu Titanic nổi tiếng. Bố mẹ của cậu thanh niên xấu số đã mang tặng nhà trường 4 triệu đô để xây khu nhà này với một điều kiện: hàng ngày phải thay hoa đặt dưới bức tượng con mình đặt trong đó. Hóa ra đấy chính là cách để con họ còn sống và được nhớ rất hiệu quả. Ngày nay, hoa tươi vẫn được thay mới hàng ngày để ghi nhớ anh chàng vô danh đó – một người không có liên quan gì đến ngôi trường này hết.
Ngôi trường cổ với những tòa nhà cổ đẹp đẽ ngày càng trở nên nổi tiếng bởi các cựu học sinh đã từng học nơi đây. Thực ra, chính sự nổi tiếng đó đã thu hút các SV từ các gia đình danh gia vọng tộc bốn phương, những người tài giỏi đã lọt qua những vòng tuyển chọn khắt khe để gia nhập gia đình sinh viên nơi đây.
Cậu sinh viên Sean thổ lộ: rất nhiều SV không biết rằng Harvard có một quỹ học bổng rất lớn, hầu hết các SV khi được nhận vào trường đều được hưởng một phần học bổng nào đó, đặc biệt đối với các gia đinh đình có thu nhập thấp dưới 100.000USD/năm thì chắc chắn được nhận học bổng. Cái chính là được nhận vào học thôi. Với tỷ lệ thành công 7,1% của các đơn xin học, thì số lượng SV được nhận vào quả là một sự cạnh tranh khốc liệt. Cậu SV Sean không biết rằng Harvard là một tổ chức có nguồn tài chính dồi dào lớn thứ hai tại Mỹ với 32 tỷ USD ( 2011), chỉ thua có quỹ Bill Gates và Melinda Gates thôi.
Trong số các Tổng thống Hoa kỳ thì 8 người đã từng tốt nghiệp tại Harvard: như George Bush, J. Kenedy, phó TT Al Gore, tổng thống đương nhiệm Barack Obama thì tốt nghiệp trường luật.
75 người là SV tốt nghiệp từ Harvard hoặc giáo sư tại đây đã được trao tặng giả Nobel. 62 tỷ phú hiện còn sống là cựu SV Harvard.
Harvard thường xuyên đứng đầu trong các bảng xếp hạng các trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Hệ thống thư viện với hơn 80 thư viện lớn nhỏ được đánh giá là thư viện học thuật lớn nhất thế giới.
Bởi đầu vào của trường với cách tuyển chọn của mình đã thu hút những học viên xuất sắc nhất, những con em các danh gia vọng tộc – những gia đình có đóng góp cho công quỹ nhà trường… nên không cần phải nghi ngờ về sự thành đạt của họ.
Tại đây, bạn sẽ được giao lưu với đội ngũ SV kiệt xuất nhất. Đó chính là một tài sản vô giá cho mỗi người sau một thời gian học tập ở Boston.
Rời Boston, những dư âm của vụ đánh bom tại đây bởi chính những cậu SV đẹp trai, tài giỏi… cũng chỉ như một làn gió đông tạt qua, để lại chút bùi ngùi, mặn chát của gió biển. Người ta sẽ nhớ nhiều hơn tới tinh thần thi đấu của những người tham gia cuộc thi marathon đó, dù có bị thương vẫn cố lao lên cán đích. Đó chính là tinh thần của các SV Boston. Bởi Boston vẫn mãi là cái nôi của học hành, của những thử thách trên đấu trường sách vở.
Đông Đức (SSDH) – Theo Một Thế Giới