Sẵn sàng du học – Là một phim Hàn Quốc đáng chú ý đang được ra rạp, thế nhưng "Brothers in Heaven" lại chưa đủ để thoả mãn khán giả.
Đứng giữ hàng ngũ những phim hay ra mắt trong tuần qua mà đại diện là Darkest Hour(Giờ đen tối) với Commuter (Hành khánh bí ẩn) thì Brothers in Heaven (Em trai tôi là găng tơ) là một phim Hàn Quốc gây chú ý. Một trong hai nam diễn viên chính của phim là Jo Han Sun cùng đạo diễn Park Hee Joon còn sang tận Việt Nam để giao lưu với khán giả.
Nội dung của phim đi theo công thức của khá nhiều phim Hàn hiện nay, nhất là khoản quy tụ một lúc hai trai đẹp để tạo thành cặp đôi theo cách nào đó. Ở Brothers in Heaven chính là một cặp đôi anh em sinh đôi khác trứng, một người là cảnh sát, người còn lại là giang hồ. Nghe đã thấy rất hấp dẫn, rất tình, nhưng tiếc thay mọi thứ đều chưa đủ sức thuyết phục.
Tae Joo (Jo Han Sun) và Tae Sung (Sung Hoon) là hai anh em sinh đôi khác trứng. Vì cha mẹ mất khi làm nhiệm vụ (là cảnh sát) nên được gửi đến trại trẻ mồ côi Hy Vọng ở Busan từ ngày còn là trẻ vị thành niên. Tại đây, hai anh em cùng cảm nắng cô bạn Chan Mi (Yoon So Ji). Thế nhưng cũng chính tại cuộc sống ở nơi này đã khiến chí hướng cũng như định mệnh của Tae Joo và Tae Sung thay đổi hoàn toàn.
Tae Sung trở thành một tay côn đồ, bất cần đời trong khi Tae Joo vẫn nuôi chí làm cảnh sát. Sau một cuộc ẩu đả, cả hai đã quyết định không nhìn nhau là anh em. Sau đó, Tae Joo chuyển đến nơi khác, và trở thành cảnh sát. Nhiều năm sau, anh trở về Busan để thụ lý vụ án truy bắt đường dây phạm pháp của một tổ chức xã hội đen mà trong đó Tae Sung đang nắm vai trò cốt cán. Anh luôn muốn tự tay xử lý Tae Sung dù trong lòng vẫn canh cánh một nỗi niềm khó tả. Cũng từ đây, những bí mật về thời thơ ấu của hai anh em dần lật mở.
Bộ phim có mở đầu rất ấn tượng khi xây dựng những thước phim mang âm hưởng hoài niệm và đậm màu sắc đời thực, gai góc, từa tựa những phim xã hội đen của Hongkong. Nhưng vì đạo diễn chọn cách lồng ghép song song diễn biến hiện tại và những sự kiện quan trọng trong quá khứ để tạo sự bất ngờ nhưng rốt cuộc lại không hiệu quả lắm. Bởi thực chất đây không phải một bộ phim điều tra, thế nên những sự kiện lật mở dần không mang tính chất manh mối để khán giả xâu chuỗi lại mà chỉ là thông tin, đưa đến đâu tiếp nhận đến đấy. Thành thử, những sắp đặt để dẫn đến những thứ bất ngờ nhất, tàn nhẫn nhất đã không thành công.
Lấy ví dụ như cú twist gần cuối phim. Khi Tae Sung bị vạch trần một tội lỗi mà đạo diễn cố tình cài cắm từ đầu, đáng lý không khí đặc quánh của cái ác và sự tàn nhẫn phải bị đẩy lên đến tận cùng theo tiếng gào của Chan Mi. Thế nhưng, kịch bản chỉ quan tâm cài cắm tình tiết mà không chú trọng giấu đi cảm xúc, tâm lý của Tae Sung, khiến cho khán giả không thực sự tin vào điều ấy. Xong, một lát sau y như rằng mọi thứ được lật lại. Đáng tiếc, lúc này người ta lại không thốt lên "Ôi, mình nhận định về anh ta đúng rồi" mà lại cảm thấy phim bị sa đà vào sự uỷ mị một cách không cần thiết.
Cũng như việc phim cố gắng khắc hoạ không khí bạo liệt và sần sùi của giới xã hội đen. Những cuộc thanh trừng không thương tiếc, những mưu ma chước quỷ, những phi vụ phản bội… được lồng trong các cảnh quay có nhịp độ mạnh, tình tiết được đẩy lên dứt khoát, nhân vật sẵn sàng bị kết liễu không nương tay. Thế nhưng, trái với sự căng thẳng trong diễn biến ở hiện tại, cái không khí man mác buồn trong câu chuyện quá khứ còn nhiều bí mật cứ chen ngang, khiến cho không có mặt nào được trọn vẹn. Đặc sản của phim Hàn là khóc lóc gào thét khi người thân chết thì ai cũng biết rồi, nhưng đặt trong nhịp của phim này thì nó thành ra quá sến và dư thừa. Nó khiến cho sự rồ dại vì mất mát người thân của các nhân vật trở nên hơi ngớ ngẩn, không hoàn toàn cảm thông. Đã thế, cảnh cuối cùng trong cơn mưa nặng hạt đáng lý phải rất tang thương và chua xót, nhưng thực chất lại màu mè và sến xẩm.
Biết rằng ý đồ xây dựng một câu chuyện đẫm máu nhưng nguồn cơn bắt đầu từ những ngày còn bé là một ý tưởng rất tốt nhưng đạo diễn lại chưa làm được đến nơi đến chốn. Với motif như thế này, bắt buộc phải có những khung cảnh, phân đoạn mấu chốt lặp đi lặp lại để khắc sâu vào tâm trí khán giả, từ đó mới dễ dàng dẫn dắt người ta vào mê lộ của sự mù quáng rồi xáo trộn. Cụ thể, cảnh phim nên được nhấn mạnh là khi Tae Sung đi theo đám giang hồ lúc nhỏ mà không ở lại cùng chơi với Tae Joo. Vì đó chính là giây phút cả hai bắt đầu chia cắt. Thế nhưng nó chỉ xuất hiện ở đoạn cuối cùng, khi khán giả đã chật vật hiểu được mọi thứ, thành ra bị phí phạm.
Cũng như thông điệp quan trọng mà phim muốn truyền tải. Đó là cái ấn tượng đầu tiên mà người khác nhìn vào mình rất quan trọng, có khi nó sẽ theo ta cả đời, nhưng quan trọng là ta chấp nhận hay chứng minh rằng nó đã sai. Đây cũng là một thông điệp rất hay, nhưng nó lại thiếu chi tiết dẫn dắt để bật lên.
Khá đáng tiếc khi Brothers in Heaven sở hữu cấu tứ, ý tưởng rất hay nhưng cách kể chuyện lòng vòng, tỏ vẻ nguy hiểm và sa đà vào tâm lý uỷ mị khiến cho bộ phim bị mất chất không cần thiết. Nếu so với những phim cùng motif của Hàn thì rõ ràng Brothers in Heaven vẫn chưa đủ đã, chưa đủ thuyết phục và chưa đủ để đau đớn hay xót xa.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14.vn