Các bảng xếp hạng các trường Đại học hàng đầu thế giới

0

Sẵn Sàng Du Học – Trải qua lịch sử thành lập hằng trăm năm cho đến tuổi đời còn rất trẻ, những trường đại học trên thế giới với chất lượng giảng dạy hàng đầu đã được các bảng xếp hạng uy tín phân loại và xếp hạng qua các năm. Vậy các bảng xếp hạng này đánh giá trường đại học dựa trên những tiêu chí nào? Hãy cùng Sẵn Sàng Du Học tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

THE (Times Higher Education)

THE

Times Higher Education (THE) là tạp chí tin tức chuyên về giáo dục bậc cao (higher education) có trụ sở tại London, Anh. Tạp chí xuất hiện lần đầu vào tháng 11/2014, nổi tiếng nhờ công bố bảng xếp hạng đại học thế giới thường niên THE – QS (tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds – Anh). Năm 2009, THE ngừng hợp tác với QS để ký thoả thuận với Thomson Reuters – đơn vị thu thập và phân tích dữ liệu để xếp hạng.

Phương pháp xếp hạng này dựa trên 13 yếu tố được chia thành 5 lĩnh vực:

– Giảng dạy (30%)

  • Khảo sát về danh tiếng: 15%
  • Tỷ lệ nhân viên / sinh viên: 4,5%
  • Tỷ lệ tiến sỹ / cử nhân: 2,25%
  • Tỷ lệ tiến sĩ được trao bằng/nhân viên học thuật: 6%
  • Thu nhập của tổ chức: 2,25%

Các trường bị loại trừ khỏi bảng xếp hạng thế giới của THE nếu không đào tạo bậc cử nhân, hoặc nếu kết quả nghiên cứu ít hơn 1.000 bài báo (yêu cầu tối thiểu 150 bài mỗi năm). Trường hợp 80% hoạt động không thuộc 11 lĩnh vực do THE quy định, trường cũng không được xếp loại.

– Nghiên cứu (số lượng, thu nhập và danh tiếng): 30%

  • Khảo sát danh tiếng: 18%
  • Thu nhập nghiên cứu: 6%
  • Năng suất nghiên cứu: 6%

Chỉ số nghiên cứu tập trung vào danh tiếng và nghiên cứu xuất sắc của một trường đại học, dựa trên câu trả lời khảo sát của Academic Reputation Survey. Bảng xếp hạng THE cũng cho thấy thu nhập từ nghiên cứu được tính trên số lượng cán bộ nghiên cứu và được điều chỉnh theo mức độ nghiên cứu. Để đo năng suất nghiên cứu, THE thống kê số lượng bài báo khoa học được bình quân trên mỗi học giả trên cơ sở dữ liệu Scopus của công ty phân tích Elsevier, cho thấy khả năng của các trường đại học có sản phẩm nghiên cứu được đăng trên các tạp chí uy tín.

– Trích dẫn (tầm ảnh hưởng nghiên cứu): 30%

– Triển vọng quốc tế (nhân viên, sinh viên và nghiên cứu sinh): 7.5%

  • Sinh viên quốc tế: 2,5%
  • Giảng viên quốc tế: 2,5%
  • Hợp tác quốc tế: 2,5%

Tiêu chí này đánh giá khả năng thu hút sinh viên đại học, sau đại học và các giảng viên trên khắp thế giới, được tính dựa trên tổng số các ấn bản tạp chí nghiên cứu có ít nhất một đồng tác giả quốc tế.

– Thu nhập ngành (nhờ chuyển giao kiến thức): 2.5%

Tiêu chí này dựa trên hoạt động chuyển giao kiến thức công nghệ của một trường đại học, đặc biệt là khả năng đưa ra các ngành công nghiệp tương ứng với các sáng kiến, phát minh và tư vấn của họ. Chỉ tiêu trên cho thấy mức các doanh nghiệp sẵn sàng chi cho nghiên cứu và khả năng thu hút tài trợ của trường đại học trên thị trường thương mại.

Ngoài bảng xếp hạng đại học thế giới, THE còn cung cấp bảng xếp hạng theo khu vực, theo từng quốc gia, bảng xếp hạng đại học trẻ.

Bảng xếp hạng này được sinh viên, nhà khoa học, lãnh đạo trường đại học, chủ doanh nghiệp và các chính phủ tin cậy.

Trọng số của các tiêu chí trong bảng xếp hạng THE. Nguồn: Times Higher Education

Trọng số của các tiêu chí trong bảng xếp hạng THE. Nguồn: Times Higher Education

QS Ranking

QS-World

Bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds, tiếng Anh: QS World University Rankings, là bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) – Anh.

QS Ranking là bảng xếp hạng ra đời từ năm 2004 công bố về thứ hạng các trường ĐH trên thế giới của Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS). Bảng xếp hạng đại học thế giới QS được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới, đồng thời là một trong những bảng xếp hạng ĐH phổ biến nhất trên thế giới.

Từ 2004 đến 2009, QS hợp tác với Times Higher Education (THE) phát hành bảng xếp hạng thường niên các trường đại học thế giới đồng thời là nhà cung cấp cơ sở dữ liệu để xếp hạng.

Năm 2010, sau khi công bố kết quả xếp hạng các trường đại học thế giới năm 2009, cộng tác giữa hai bên chấm dứt và kể từ đó, QS công bố kết quả xếp hạng các trường đại học thế giới hằng năm riêng của mình mang tên The QS World University Rankings.

Để xếp hạng các trường đại học trên thế giới, QS dựa vào 6 tiêu chí ứng với trọng số như sau:

  • Danh tiếng về học thuật (40%)

Chỉ số Danh tiếng về học thuật dựa trên Khảo sát học thuật – đối chiếu ý kiến chuyên gia từ 94.000 cá nhân tốt nghiệp ở bậc đại học và chuyên gia giáo dục đại học về chất lượng giảng dạy và nghiên cứu – được xem là khảo sát lớn nhất thế giới về quy mô và phạm vi.

  • Tỷ lệ giảng viên/ sinh viên (20%)

QS coi việc đo lường tỷ lệ giảng viên/ sinh viên là thước đo hiệu quả nhất cho chất lượng giảng dạy, vì nó liên quan đến cách các tổ chức tạo điều kiện tiếp cận giữa sinh viên và giảng viên. Phương pháp xếp hạng cũng nhận ra rằng, số lượng giảng viên nhiều cho thấy áp lực giảng dạy sẽ thấp hơn.

  • Danh tiếng của nhà tuyển dụng (10%)

Số liệu này dựa trên các câu trả lời cho Khảo sát sử dụng lao động của QS, nơi các nhà tuyển dụng được yêu cầu xác định các tổ chức giáo dục mà họ tìm kiếm có “những sinh viên tốt nghiệp có năng lực, sáng tạo và hiệu quả nhất”. QS lấy số liệu trên hơn 30.000 phản hồi – được xem là bảng khảo sát lớn nhất thế giới về lĩnh vực này.

  • Số lượng trích dẫn mỗi khoa (20%)

Việc nghiên cứu được xem là trụ cột quan trọng trong sứ mệnh của một cơ sở giáo dục. Để tính toán, QS tổng hợp số bài báo, định lượng tổng số trích dẫn mà tất cả các bài viết do thành viên của khoa nhận được từ một tổ chức – trong khoảng thời gian năm năm. Tất cả dữ liệu về trích dẫn khoa học được lấy từ Scopus – kho lưu trữ dữ liệu khoa học lớn nhất thế giới.

  • Tỷ lệ giảng viên quốc tế và tỷ lệ sinh viên quốc tế (mỗi trường 5%)

Các tổ chức đạt điểm cao cho các số liệu này là những tổ chức có khả năng thu hút các giảng viên và sinh viên từ khắp nơi trên thế giới, khả năng xây dựng thương hiệu quốc tế của mỗi cơ sở giáo dục. Một ngành giáo dục bậc cao được quốc tế hóa cung cấp cho cộng đồng một môi trường đa văn hóa, tạo điều kiện giao thoa văn hoác, phát triển kỹ năng mềm – những kỹ năng ngày càng có giá trị đối với nhà tuyển dụng.

Top 10 bảng xếp hạng QS 2020. Ảnh: QS World Ranking

Top 10 bảng xếp hạng QS 2020. Ảnh: QS World Ranking

Bên cạnh bảng xếp hạng tổng thể nói trên, QS còn có hệ thống đánh giá khác nhằm mô tả bức tranh rộng hơn, từ khả năng được tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp đến chất lượng công trình thể thao. Xét hơn 50 chỉ tiêu, QS gắn từ một đến năm sao cho các trường trên tám lĩnh vực.

Ngoài ra, QS xếp hạng đại học theo khu vực, top 50 trường dưới 50 tuổi, đại học đào tạo tốt nhất theo chuyên ngành cụ thể, thành phố lý tưởng dành cho sinh viên…

ARWUacademic-rankings-world-universities

Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU) là bảng xếp hạng đại học thế giới của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Từ năm 2003, ARWU đã giới thiệu 500 trường hàng đầu thế giới hàng năm dựa trên phương pháp minh bạch và sử dụng dữ liệu của bên thứ ba.

ARWU xây dựng bốn tiêu chí chính, bao gồm chất lượng giáo dục (10%), chất lượng giảng viên (40%), nghiên cứu khoa học (40%) và năng suất học thuật bình quân trên đầu người (10%).

Đối với 10% đánh giá xếp hạng từ chất lượng giáo dục, Đại học Giao thông Thượng Hải xem xét tổng số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Fields – những người có bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ từ cơ sở giáo dục. Trọng số khác nhau phụ thuộc vào thời gian nhận bằng cấp, 100% đối với cựu sinh viên lấy bằng giai đoạn 2001-2010, 90% đối với giai đoạn 1991-2000… Nếu một người lấy nhiều bằng từ một trường, trường đó sẽ chỉ được xem xét tiêu chí này một lần.

Chất lượng giáo viên được đánh giá dựa trên số giảng viên được giải Nobel và huy chương Fields (20%), số nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều thuộc 21 lĩnh vực (20%). Số liệu trích dẫn lấy từ Thomson Reuters.

Theo bảng xếp hạng ARWU, Đại học Harvard (Mỹ) đứng đầu thế giới 15 năm liên tiếp. Ảnh: Harvard University

Theo bảng xếp hạng ARWU, Đại học Harvard (Mỹ) đứng đầu thế giới 15 năm liên tiếp.
Ảnh: Harvard University

Trong tiêu chí nghiên cứu khoa học, số bài báo xuất bản trên tạp chí Nature and Science chiếm 20% đánh giá tổng thể, số bài báo được trích dẫn trong hệ thống các tạp chí Science Citation Index Expanded (SCIE) và Social Science Citation Index (SSCI) chiếm 20%.

Cuối cùng, chỉ số về năng suất học thuật bình quân được tính bằng cách chia tổng điểm các mục trên cho tổng số cán bộ toàn thời gian của cơ sở, chiếm 10% kết quả bảng xếp hạng.

Như vậy, hệ thống xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải chủ yếu sử dụng số liệu công khai của các tổ chức ngoài cơ sở đại học.

Theo kết quả Bảng xếp hạng các trường Đại học năm 2020, Đại học Harvard đứng đầu bảng xếp hạng ARWU (Trung Quốc. Trong khi đó, bảng QS (Anh) đánh giá Viện Công nghệ Massachusetts tốt nhất thế giới năm nay, còn bảng THE (Anh) lại vinh danh Đại học Oxford.

Tuy còn nhiều tranh cãi, kết quả được nghiên cứu từ ba bảng xếp hạng này đều là nguồn tham khảo quý giá trong việc đánh giá tổng thể các đại học trên thế giới.

H – Tổng hợp 

(vnexpress.net, hotcourses.vn, timeshighereducation.com, topuniversities.com)

Share.

Leave A Reply